Nuôi con

Sự phát triển của trẻ 8 -12 tháng tuổi về mặt cảm xúc

Sự phát triển của trẻ 8 -12 tháng tuổi: Đối với trẻ 8 -12 tháng tuổi, mẹ là cả thế giới. Bé bám mẹ nhiều hơn và bắt đầu xuất hiện nỗi lo bị chia cắt. Hãy cùng xem bà mẹ trong câu chuyện nhỏ dưới đây làm cách nào để trấn an bé khi phải đi đâu đó nhé!

Sự phát triển của trẻ 8 -12 tháng tuổi về mặt cảm xúc – Câu chuyện của bé

Sự phát triển của trẻ 8 -12 tháng tuổi như tớ về mặt cảm xúc sẽ có nhiều thay đổi, để tớ kể cho các bạn nhỏ và cô chú nghe về sự thay đổi cảm xúc của tớ nhé.

Bình thường tớ rất cởi mở, tình cảm và thích chơi cùng ba mẹ. Nhưng có lúc trông tớ lại đầy ắp những nỗi sợ mơ hồ, chẳng hạn như khi gặp người lạ là tớ cứ bám riết lấy mẹ không rời. Sở dĩ như vậy là vì bây giờ tớ đã biết phân biệt người quen với người lạ rồi, không giống như khi 3 -4 tháng tuổi gặp ai tớ cũng cười toe toét đâu.

Dì tớ ở xa lâu lâu mới về nên tớ không nhớ dì là ai. Thế nên mới có cảnh dì vừa về chạy ùa vào ôm, tách tớ ra khỏi vòng tay của mẹ là tớ khóc thét sợ hãi làm cả nhà phải dỗ dành mãi.

Khi tớ được 7 – 8 tháng, mẹ phải đi làm lại nên mỗi sáng tớ đã phải đi nhà trẻ, đó thật sự là cơn ác mộng đối với tớ. Trên đường đi tớ vẫn vui vẻ lắm vì được đi ra ngoài với mẹ, nhưng cứ tới cửa lớp là tớ lại bấu víu lấy mẹ, khóc oà. Mỗi khi không có mẹ là tớ lại cảm thấy vô cùng bất an, lo lắng. Tớ không biết mẹ đi đâu, bao giờ mẹ về, mẹ có về với tớ không? Có lẽ mẹ cũng hiểu nỗi lòng của tớ nên mỗi ngày đưa tớ đến lớp mẹ đều nán lại chơi với tớ 1 chút, rồi mẹ trấn an, ôm ấp tớ, bảo rằng mẹ chỉ đi một chút thôi, tớ chơi với các bạn ngoan rồi mẹ lại đến đón tớ về nên tớ cảm thấy yên tâm hơn 1 tí. Nhưng mà 1 chút của mẹ lâu ơi là lâu ấy. Tớ cứ đợi mẹ mãi.

Những khi tớ hơi mệt mỏi hay ốm thì mọi việc còn tệ hơn cơ. Chỉ cần không thấy mẹ trong tầm mắt là tớ đã mếu máo khóc và bò đi tìm rồi. Những lúc đó tớ chỉ muốn mẹ luôn ở bên cạnh tớ thôi.

su phat trien cua tre 8 -12 thang tuoi ve mat cam xuc hinh anh

Sự phát triển của trẻ 8 -12 tháng tuổi – Khi mệt bé sẽ òa khóc nếu không có mẹ bên cạnh

Có khi mẹ cần phải xuống bếp hay có việc gấp phải đi ra ngoài, mẹ lại hay đánh lạc hướng tớ bằng cách cho tớ chơi đồ chơi, chơi với gương hoặc chơi với bà rồi mẹ len lén đi. Thế là tớ ngoan ngoãn cho đến khi phát hiện mẹ “biến mất” chưa kịp khóc thì mẹ đã về rồi.

À, nhắc đến cái gương mới nhớ, tớ thích soi gương với mẹ lắm luôn. Thỉnh thoảng mẹ lại bế tớ đứng trước cái gương to, tớ thấy mẹ trong đó, mẹ đang bế em bé nào ấy. Rồi mẹ còn chỉ cho tớ đâu là mắt, mũi, đâu là miệng nữa.

Đến khi gần được 1 tuổi thì tin vui là những nỗi sợ phải xa mẹ của tớ cũng giảm dần đi nhưng tin buồn là tớ lại bắt đầu sợ những thứ khác. Cụ thể là tớ sợ ơi là sợ những lúc trời mưa, sấm sét đùng đùng. Những lúc đó tớ toàn rúc vào lòng mẹ để mẹ ôm thật chặt, có như vậy tớ mới thấy an toàn.

Tóm tắt sự phát triển của trẻ 8 -12 tháng tuổi về mặt cảm xúc

Sự phát triển của trẻ 8 -12 tháng tuổi về mặt cảm xúc sẽ có nhiều thay đổi, bé bắt đầu sợ phải xa ba mẹ. Bé cũng đã biết phân biệt giữa người quen, người lạ và tỏ ra nhút nhát, thường bám lấy người thân trong những tình huống này.

Nỗi sợ chia cắt này đỉnh điểm vào giai đoạn bé được 8 -10 tháng tuổi và giảm dần đến khoảng lúc bé gần được 2 tuổi.
Nếu phải xa bé, mẹ hãy lưu ý những điều dưới đây để hạn chế những nỗi lo lắng của trẻ 8-12 tháng tuổi nhé.

  • Bé sẽ dễ lo lắng hơn nếu bé mệt, đói hoặc bệnh. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy cố sắp xếp thời gian sau khi trẻ ăn hoặc ngủ. Khi bé bệnh, bạn nên ở cạnh càng nhiều càng tốt.
  • Tránh đừng làm to chuyện khi bạn phải rời đi. Hãy nhờ người đang giữ trẻ đánh lạc hướng trẻ bằng đồ chơi, cho trẻ soi gương hoặc đi tắm. Rồi bạn tạm biệt trẻ và lẻn đi nhanh chóng.
  • Hãy nhớ rằng bé sẽ nín khóc trong vài phút sau khi mẹ đi. Bé khóc dữ dội ban đầu để thuyết phục mẹ ở lại, nhưng khi mẹ đã rời khỏi, bé sẽ bắt đầu hướng sự chú ý về phía người đang trông giữ bé.
  • Giúp bé thích nghi nhanh với sự chia cách bằng việc tập luyện ngắn ở nhà. Bạn sẽ dễ rời đi hơn néu bé là người chủ động rời đi, do đó khi bé bò sang phòng khác, đừng theo bé ngay lập tức mà hãy đợi 1-2 phút. Khi bạn đang ở cùng bé mà phải sang phòng khác, hãy cho bé biết bạn đi đâu và bạn sẽ quay lại. Nếu bé khóc quấy, thay vì tiến về phía bé, bạn hãy gọi bé lại. Dần dà bé sẽ thấy rằng không có gì quá ghê gớm xảy ra khi mẹ vắng mặt, và mẹ chắc chắn sẽ quay lại một khi mẹ đã hứa.
  • Nếu bạn gửi trẻ, đừng chỉ thả bé ở đó và đi mất. Hãy chơi cùng bé ít phút trong môi trường mới. Khi bạn đi, hãy trấn an bé rằng bạn sẽ quay lại đón bé.



  1. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA.  Trang 274.
  2.  Milestones: 8-12 months: emotional development. Tham khảo tại: <http://www.bundoo.com/articles/milestones-8-12-months-emotional-development/ >. [Ngày 23 tháng 9 năm 2014].
  3. Emotional and Social Development: 8 to 12 Months. Tham khảo tại: http://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Emotional-and-Social-Development-8-12-Months.aspx>. [Ngày 23 tháng 9 năm 2014].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com