Nuôi con

Sữa chảy ướt áo – Nỗi khổ mẹ này mơ ước mẹ kia

Sữa chảy ướt áo nghe tưởng chừng như niềm mơ ước cháy bỏng của những mẹ mới sinh đang cho con bú nhưng cũng là nỗi lo lắng của những mẹ khác. Nếu mẹ đang khổ sở với tình trạng rỉ sữa này, hãy chuẩn bị vài miếng lót thấm sữa và áo lót cho con bú phù hợp để việc chăm sóc bé sơ sinh tốt hơn nhé!

Sữa chảy ướt áo khiến mẹ lo lắng!

Một vài tuần đầu cho con bú có thể là những tuần rất “ướt át” vì sữa mẹ có thể bị rỉ ra, chảy nhỏ giọt hoặc thậm chí phun ra từ ngực của mẹ, và điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu, mà không hề có dấu hiệu báo trước. Rất đột ngột, mẹ sẽ có cảm giác râm ran do xuống sữa và trước khi mẹ kịp chộp lấy miếng lót thấm sữa hoặc một chiếc áo để che lại, mẹ nhìn xuống sẽ thấy vòng tròn ướt át lộ rõ trên áo và điều này báo hiệu cho mẹ rằng mẹ đang bị rỉ sữa đấy. Chà chà…

Ngoài những lúc ở nơi công cộng và không đúng lúc đó, mẹ có thể bắt gặp mình bị chảy sữa một cách tự phát khi mẹ đang ngủ hoặc đang tắm nước ấm, khi nghe tiếng con khóc, khi mẹ nghĩ hoặc nói chuyện về con mình. Sữa có thể chảy nhỏ giọt ra từ một bên ngực này trong khi mẹ đang cho con bú bên ngực kia. Và nếu em bé của mẹ đã thích nghi với thời gian biểu bú sữa đều đặn, ngực mẹ có thể bị chảy sữa nhỏ giọt như đoán chừng trước thời gian em bé sắp ngậm vú mẹ nữa đấy.

Mặc dù tình trạng sữa chảy ướt áo có thể làm mẹ bất tiện, khó chịu, và không khỏi ngượng ngùng, nhưng tác dụng không mong muốn của việc cho con bú này là hoàn toàn bình thường và rất phổ biến, đặc biệt là trong những tuần đầu tiên.

sua-chay-uot-ao-noi-kho-me-nay-mo-uoc-me-kia-hinh-anh1

Sữa chảy ướt áo – Nỗi khổ mẹ này mơ ước mẹ kia ^^

Mẹ đừng lo lắng khi nhận thấy mình không bị chảy sữa hoặc chỉ chảy rất ít trong những tuần đầu sau sinh. Cũng bình thường thôi mẹ à. Trên thực tế là nhiều mẹ có con lần hai có thể nhận thấy ngực họ bị chảy sữa ít hơn ở lần có con đầu tiên. Trong đa số các trường hợp, khi việc cho con bú đã thành thói quen, thì cơ thể cuối cùng cũng ổn định và việc chảy sữa sẽ giảm đi đáng kể.

Cùng mẹ vượt qua nỗi lo sữa chảy ướt áo

Lúc này, khi mẹ có thể không đóng “vòi sữa bị rỉ” lại được, mẹ có thể thực hiện những việc sau để đỡ mệt hơn khi sống chung với tình trạng này:

  • Mua thật nhiều miếng lót thấm sữa. Nếu bị chảy sữa, mẹ sẽ thấy rằng trong những tuần đầu tiên của thời kỳ hậu sản, mẹ sẽ phải thay miếng lót thấm sữa thường xuyên như khi cho con bú – đôi khi thậm chí còn thường xuyên hơn.
  • Hãy nhớ rằng, cũng như tã cho bé, những miếng lót thấm sữa này cũng nên được thay mỗi khi chúng bị ướt.
  • Hãy đảm bảo rằng mẹ dùng những miếng lót thấm sữa không có lớp lót bằng nhựa hoặc chất liệu không thấm nước vì những lớp lót này sẽ chỉ giữ lại hơi ẩm và dẫn đến hậu quả là đầu vú bị kích ứng và dễ nhiễm nấm.
  • Khi đi ra ngoài, mẹ nên mang theo thật nhiều miếng lót thấm sữa cùng với áo lót cho con bú. Một số phụ nữ thích loại miếng lót dùng một lần hơn, trong khi những người khác lại thích loại miếng lót thấm bằng cotton có thể giặt lại và sử dụng nhiều lần.

sua-chay-uot-ao-noi-kho-me-nay-mo-uoc-me-kia-hinh-anh2

Nếu nhận thấy sữa chảy ướt áo vào ban đêm, hãy lót khăn tắm trước khi ngủ mẹ nhé!

  • Mặc những đồ có thể che giấu vết ướt do chảy sữa như những đồ có sơn hình trước ngực. Hoặc mang theo áo khoác ngoài hoặc áo len để mẹ có thể mặc nhanh vào nếu nhận thấy mình bị chảy sữa.
  • Bảo vệ giường của mẹ. Nếu nhận thấy sữa chảy nhiều vào ban đêm, hãy sử dụng thêm vài miếng lót thấm sữa, hoặc lót một cái khăn tắm lớn ở dưới nơi mẹ nằm ngủ. Mẹ sẽ không muốn phải thay ga trải giường mỗi ngày đâu hoặc tệ hơn nữa là phải đi mua một tấm nệm mới nếu chảy sữa ra quá nhiều ấy chứ.
  • Cho con bú thường xuyên hơn hoặc chịu khó vắt sữa bằng tay hoặc máy để ngực đỡ căng tức. Tuy nhiên, mẹ đừng hút cạn sữa ở mỗi bầu ngực chỉ vì muốn ngăn việc chảy sữa. Việc hút cạn sữa trong bầu ngực sẽ không giúp mẹ kiểm soát tình trạng chảy sữa; ngược lại, càng vắt kiệt sữa nhiều lần thì chúng sẽ càng sản xuất ra nhiều sữa hơn, và mẹ phải đối mặt với việc càng nhiều sữa bị rỉ ra hơn.

sua-chay-uot-ao-noi-kho-me-nay-mo-uoc-me-kia-hinh-anh3

Khi bắt đầu thấy ngực đầy sữa mẹ hãy cho bé bú ngay để làm giảm tình trạng sữa chảy ướt áo nhé!

  • Khi mẹ bắt đầu thấy ngực đầy sữa, mẹ hãy cho bé bú để giảm sức áp lực trước khi sữa chảy rỉ ra. Nếu mẹ không ở cùng con, hãy vào một chỗ kín đáo và dùng tay vắt sữa ra bớt nếu ngực quá căng tức. Nếu không làm giảm áp lực trong ngực, mẹ có thể bị tắc ống dẫn sữa hoặc viêm vú – một loại nhiễm trùng vú, gây đau và sẽ bắt mẹ phải nằm nghỉ trong ít nhất 24 giờ đồng hồ liền.
  • Một khi việc cho bé bú đã đi vào nề nếp và việc sản xuất sữa đã ổn định, mẹ có thể cố gắng ngăn việc chảy sữa bằng cách lấy lòng bàn tay ấn vào đầu vú ở nơi nào kín đáo hoặc choàng chặt tay trước ngực khi mẹ có cảm giác sữa sắp bị chảy ra. Nếu đang ngồi cạnh bàn, dùng hai bàn tay chống cằm và ép cẳng tay vào ngực. Tuy nhiên, đừng làm những việc này trong vài tuần đầu tiên vì có thể ngăn xuống sữa và có thể dẫn đến việc tắc nghẽn ống dẫn sữa nữa đấy.
  • Hãy vui vẻ lên. Sự hài hước sẽ giúp mẹ thành công trong việc đối phó với chút khó chịu này. Một khi tình trạng sữa chảy ướt áo giảm bớt, mẹ sẽ có một vài kỷ niệm và câu chuyện thú vị về việc cho bú để chia sẻ với những người mới làm mẹ mà sẽ làm tất cả mọi người phải cười ồ lên cho mà xem ^^

 



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 442 – 444.
  2. What can I do about my leaking breasts? Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/404_what-can-i-do-about-my-leaking-breasts_4030.bc>. [Ngày 27 tháng 1 năm 2016]
  3. Leaking Breasts. Đọc thêm tại: <http://www.babycentre.co.uk/a753/leaking-breasts>. [Ngày 27 tháng 1 năm 2016]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com