Sức khỏe

Tác dụng của hoa atiso đỏ có thực sự thần kỳ?

Rất nhiều người đồn thổi về tác dụng của atiso đỏ rất thần kỳ như: có tác dụng như mát gan, lợi tiểu, tăng sức đề kháng, trị ho, viêm họng. Chính những lời giới thiệu như thế đã làm hoa atiso đỏ trở nên cực kỳ đắt hàng, được nhà nhà người người tin dùng và mua về để mong chữa được “bách bệnh”.

Liệu tác dụng của hoa atiso đỏ có thực sự thần kỳ như những lời đồn thổi? Atiso đỏ có phải là loài hoa chữa bách bệnh? Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời nhé!

Hoa atiso đỏ dưới góc nhìn khoa học

Hoa atiso đỏ (còn gọi là hoa bụp giấm) có nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, polysaccharide, acid citric, acid malic, acid tartric, acid hibiscus… và nhóm flavonoid.

Hoa atiso đỏ có tác dụng giảm cholesterol không?

Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên động vật cho thấy hoa atiso đỏ có tác dụng giảm mỡ và cholesterol bằng cách ngăn chặn việc oxy hóa những cholesterol xấu (LDL) mà không làm giảm cholesterol tốt (HDL). Tuy nhiên những thử nghiệm lâm sàng vẫn chưa cho kết quả rõ ràng.

Hoa atiso đỏ có tác dụng giảm huyết áp không?

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy chiết xuất nước và methanol từ đài hoa có tác dụng giảm huyết áp. Những thử nghiệm lâm sàng sau đó cũng cho thấy tác dụng tương tự của đài hoa khi bệnh nhân uống trà atiso đỏ. Bệnh nhân có xu hướng bị cao huyết áp trở lại khi ngưng điều trị bằng cách này.

Ngoài ra, một nghiên cứu mới đây tại Đại học y dược Trung Sơn – Đài Loan – đã cho thấy một chiết xuất từ hoa atiso đỏ có tác động chống lại chứng xơ vữa động mạch vành, các bệnh về gan, ung thư, tiểu đường và một số bệnh rối loạn trao đổi chất khác.

Tac dung cua hoa atiso do co thuc su than ky hinh anh

Tác dụng của hoa atiso đỏ

Hoa atiso đỏ trên thế giới

Tại Ấn Độ và Mexico, nước ép từ lá hoặc đài hoa được coi là thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp, lợi mật, hạ nhiệt và giúp kích thích nhu động ruột.

Tại Đông Phi, một loại trà Sudan làm từ đài hoa được hãm trà có tác dụng trị ho. Còn nước ép hoa atiso đỏ pha với muối, tiêu, cây a ngùy và mật đường được dùng trị chứng thừa mật.

Các nhà nghiên cứu Malaysia còn chứng minh nước ép từ lá đài tươi của atiso đỏ có tác dụng bổ dưỡng và phòng ngừa một số bệnh ung thư. Ở Thái Lan, lá đài hoa atiso đỏ phơi khô sắc uống là bài thuốc lợi tiểu mạnh và chữa sỏi thận.

Hoa atiso đỏ trong dân gian

Hoa atiso đỏ có vị chua hơi ngọt, tính mát, tác dụng của hoa atiso đỏ giúp thanh nhiệt, giải khát, dùng chữa ho, các bệnh gan mật, cao huyết áp.

Trà atiso đỏ có vị chua và thường được pha với ít đường để giải nhiệt, kích thích tiêu hóa. Riêng dầu ép từ hạt atiso đỏ giàu vitamin E và các chất béo không no, tốt cho người cao tuổi và có tác dụng chống nấm và bệnh ngoài da.

Trà hoa atiso đỏ còn được dùng làm thuốc giải rượu vì có tác dụng giảm độ hấp thu của rượu vào máu. Hoa atiso đỏ còn có tác dụng ức chế men amylase, uống một chén trà atiso đỏ sau bữa ăn sẽ làm giảm sự hấp thu đường và tinh bột nhờ đó góp phần giảm cân.

Nhờ hàm lượng vitamin C cao và các acid hữu cơ nên atiso đỏ có tác dụng kháng khuẩn và giúp cơ thể tăng sức đề kháng và hoạt động hệ miễn dịch, ít bị nhiễm các bệnh cảm cúm. Dân gian còn dùng làm rau ăn, nấu canh chua, làm mứt, nước giải khát, sirô, rượu để ngừa táo bón và trĩ.




  1. Hibiscus, tham khảo tại: http://www.drugs.com/npp/roselle.html [ngày 8/12/2015]
  2. Roselle plant, tham khảo tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Roselle_%28plant%29 [ngày 8/12/2015]
  3. Chemopreventive properties and molecular mechanisms of the bioactive compounds in Hibiscus sabdariffa Linne, tham khảo tại: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21291361 [ngày 8/12/2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com