Mang thai

Tầm quan trọng của việc khám thai lần đầu

Khám thai lần đầu tiên sẽ là lần khám lâu nhất và toàn diện nhất trong suốt thai kỳ của mẹ. Trong lần khám thai này sẽ có nhiều thủ tục, xét nghiệm (một vài thủ tục và xét nghiệm chỉ được thực hiện ở lần này thôi) và thông tin sức khỏe của mẹ sẽ được thu thập đầy đủ nhất.

>> Gợi ý cho mẹ bầu cách tìm kiếm phòng khám sản phụ khoa uy tín ở Hà Nội nhanh nhất

Trong khi khám thai lần đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe toàn diện của mẹ, thực hiện các xét nghiệm và còn cho mẹ vô vàn lời khuyên bổ ích nữa. Chẳng hạn như nên và không nên ăn gì, nên và không nên uống những loại thuốc bổ nào, liệu có nên tập thể dục hay không và tập như thế nào…

Do đó, mẹ cần chuẩn bị sẵn câu hỏi về các vấn đề mẹ quan tâm, thắc mắc và đừng quên mang theo bút viết để ghi lại cho chắc nhé, vì mẹ sẽ chả nhớ hết được đâu.

1. Xác nhận lại việc mẹ có thực sự mang thai hay chưa

Thông thường bác sĩ sẽ kiểm tra các phần sau: các dấu hiệu mang thai mà mẹ đã trải qua, ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng của mẹ để chẩn đoán ngày dự sinh, các dấu hiệu của cổ tử cung, tử cung và ước chừng tuổi thai. Xét nghiệm mang thai (xét nghiệm máu và nước tiểu) cũng sẽ được tiến hành.

Ngoài ra, nhiều bác sĩ còn cho mẹ siêu âm thai sớm nữa cơ, vì siêu âm là cách chính xác nhất để xác định thời điểm mẹ mang thai đó.

Tầm quan trọng của việc khám thai lần đầu

Khi khám thai lần đầu, bác sĩ sẽ xác nhận việc mẹ có thai hay chưa

2. Hoàn chỉnh hồ sơ sức khỏe của mẹ khi khám thai lần đầu

Đây là thứ bác sĩ rất cần để có thể chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mẹ bầu. Vậy nên, trước khi đi khám thai lần đầu, các mẹ nên kiểm tra lại những ghi chép về sức khỏe của mình tại nhà hoặc liên lạc với bác sĩ trước nay vẫn thăm khám cho mình để có thể nhớ và nắm được đầy đủ các thông tin:

  • Tiểu sử sức khỏe cá nhân (các bệnh mãn tính, những lần bị bệnh hoặc phẫu thuật trước đó, tiền sử bị dị ứng…).
  • Các thực phẩm chức năng (vitamin, khoáng chất, thảo dược…) hay thuốc (mua theo toa hoặc tự mua tại nhà thuốc) mà mẹ sử dụng gần đây hoặc vừa mới sử dụng từ khi thụ thai.
  • Tiểu sử bệnh gia đình (đột biến gen, bệnh mãn tính, thai bất thường…). Tiểu sử phụ khoa của mẹ (độ tuổi mẹ có kinh lần đầu, độ dài chu kỳ kinh nguyệt trung bình, kinh nguyệt có đều hay không, đã từng bị bệnh phụ khoa nào…).
  • Tiểu sử sản khoa của mẹ (những lần sinh nở trước đó, sẩy thai, phá thai …) cũng như quá trình mang thai, đau đẻ, sinh nở trước kia.

Tầm quan trọng của việc khám thai lần đầu hình ảnh 2

Nói với bác sĩ về tiểu sử bệnh lý của mẹ khi đi khám thai lần đầu

Ngoài ra, khi mẹ đi khám thai lần đầu bác sĩ cũng sẽ hỏi han các mẹ về những thông tin liên quan đến cuộc sống xã hội (như tuổi tác, nghề nghiệp), những thói quen hàng ngày (những món mẹ đặc biệt hay ăn, mẹ có tập thể dục, hút thuốc, nhậu nhẹt, dùng thuốc kích thích không) và nhiều yếu tố khác trong cuộc sống cá nhân của mẹ có nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ (như thông tin về bố của bé, chủng tộc của mẹ…).

Dưới đây là một số vấn đề các mẹ mang thai cần hạn chế (tốt nhất là từ bỏ thói quen này):

>> Có nên uống cà phê khi mang thai?

>> Điều gì xảy ra nếu mẹ uống rượu khi mang thai?

>> Tác hại của hút thuốc khi mang thai

>> Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng đến thai nhi

3. Kiểm tra sức khỏe toàn diện trong khi khám thai lần đầu

Quá trình kiểm tra sức khỏe toàn diện của mẹ khi khám thai lần đầu bao gồm:

  • Đánh giá tổng quan sức khỏe của mẹ thông qua các kiểm tra tim, phổi, ngực, bụng.
  • Đo huyết áp cho mẹ (để làm cơ sở so sánh với những lần thăm khám tiếp theo).
  • Ghi lại cân nặng, chiều cao của mẹ (cả trước và sau khi mang thai nếu có sự chênh lệch đáng kể).
  • Kiểm tra độ co giãn tĩnh mạch và sưng phù ở tay chân mẹ (cũng là để làm cơ sở so sánh với những lần thăm khám tiếp theo).
  • Kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung của mẹ (bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo của mẹ như khi kiểm tra ung thư cổ tử cung).
  • Kiểm tra cơ quan vùng chậu của mẹ bằng tay (bác sĩ sẽ đưa một tay vào âm đạo và một tay đặt trên bụng).
  • Đánh giá hình dáng và kích thước xương chậu (nơi em bé tương lai sẽ phải “vượt qua” khi mẹ sinh nở).

4. Hàng loạt xét nghiệm khác

Các mẹ biết đó, có những xét nghiệm là thường lệ với tất cả mẹ bầu, một số khác chỉ được thực hiện ở một vài khu vực, được chỉ định bởi một vài bác sĩ hoặc chỉ áp dụng cho những trường hợp cần thiết. Và dưới đây là những xét nghiệm phổ biến nhất ở lần khám thai đầu tiên:

  • Xét nghiệm nước tiểu: để kiểm tra lượng đường, protein, tế bào bạch cầu, máu và vi khuẩn chứa trong nước tiểu của mẹ.
  • Xét nghiệm máu: để xác định nhóm máu, tình trạng Rh, nồng độ hCG cũng như tình trạng thiếu máu, thiếu hụt vitamin D.

Tầm quan trọng của việc khám thai lần đầu hình ảnh 3

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu khi mẹ khám thai lần đầu

  • Xét nghiệm sàng lọc máu: để xác định hiệu giá kháng thể và khả năng miễn dịch đối với các bệnh như rubella.
  • Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm: như giang mai, lậu, viêm gan siêu vi B, chlamydia và HIV.
  • Xét nghiệm Pap: để kiểm tra xem có sự hiện diện của các tế bào cổ tử cung bất thường hay không (còn gọi là xét nghiệm ung thư cổ tử cung).

Tùy từng trường hợp cụ thể, nếu cần thiết, các mẹ cũng sẽ được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm dưới đây:

  • Xét nghiệm di truyền: để phát hiện các bệnh xơ nang, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh Tay-Sachs và các bệnh di truyền khác.
  • Xét nghiệm lượng đường trong máu: để kiểm tra nguy cơ bị bệnh tiểu đường của mẹ, đặc biệt nếu trong gia đình mẹ có thành viên đã mắc bệnh này, mẹ bị cao huyết áp, mẹ từng sinh em bé lớn quá mức bình thường hoặc em bé bị dị tật bẩm sinh, mẹ từng bị tăng cân quá mức ở lần mang thai trước.

5. Thảo luận với bác sĩ

Khi mẹ đi khám thai lần đầu, bác sĩ sẽ hỏi mẹ có những thắc mắc gì và sẽ giải đáp hết những thắc mắc lo âu của mẹ. Và chẳng phải mẹ đã chuẩn bị sẵn danh sách câu hỏi ở nhà rồi sao? Hãy mang nó ra và hỏi cặn kẽ những gì mẹ muốn biết và đừng quên mang bút viết để ghi lại cho chắc các mẹ nhé.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Heidi Murkoff and Sharon Mazel, What to expect when you’re expecting, 4th edition, Workman publishing New York, 2008, page 124,125, 126
  2. Your first prenatal visit. Tham khảo tại: <http://www.babycenter.com/0_your-first-prenatal-visit_9344.bc>. [Ngày 19 tháng 05 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com