Nuôi con

Mách ba mẹ cách tập cho bé ngồi bô chuẩn xác

Bé từ hơn 2 đến 2 tuổi rưỡi mẹ có thể tập cho bé ngồi bô. Bé dưới 18 tháng không thể nhận biết khi nào phải đi vệ sinh nên việc tập ngồi bô sớm quá là không nên.

Mẹ tớ bảo tất cả những kĩ năng mà chúng ta có đều qua rèn luyện và học tập. Hôm nay, tớ sẽ chia sẻ với các bạn kĩ năng ngồi bô của tớ. (Ngồi bô mà cũng phải có kĩ năng. Hí hí…)

Khi tớ khoảng 2 tuổi rưỡi, mẹ bắt đầu tập cho tớ ngồi bô. Bạn Bi hàng xóm thì 2 tuổi đã được tập ngồi bô vì bạn đi nhà trẻ chứ không ở nhà suốt với bà như tớ. Thú thật vì đã quen với việc “đi” thoải mái trên tã nên lúc đầu tớ có hơi bối rối, thậm chí có khi còn chống đối nữa. Nhưng mẹ chẳng bao giờ phạt tớ vì điều đó đâu. Mẹ bảo: Mỗi bài học đều phải vui và thoải mái thì mới tiếp thu nhanh và sâu. Bạn Susu thì do bố mẹ nóng vội cho tập ngồi bô từ 17 tháng nên tập mãi bạn mới chịu ị bô và cứ khóc nhè hoài chứ chẳng nhanh như tớ và Bi đâu.

tap-cho-be-ngoi-bo-hinh-anh1

Tập cho bé ngồi bô

Theo dõi tớ trong một thời gian dài, mẹ luôn biết khi nào tớ cần ị. Mỗi đứa trẻ sẽ có cách thể hiện khác nhau khi muốn tiểu hay đại tiện và với sự tinh tế của mình, bố mẹ chúng mình sẽ biết đấy.

Khi tớ khoảng hơn 2 tuổi, tớ bắt đầu biết nhu cầu đi vệ sinh của mình dù chưa kiểm soát được chúng. Để khích lệ tinh thần tớ, mẹ mua một cái bô em bé xinh xắn, ngộ nghĩnh và nhiều màu sắc để tớ tập hằng ngày. Mẹ để cái bô ở vị trí cố định mà tớ có thể dễ dàng tìm thấy.

Ngày đầu tiên, mẹ để tớ làm quen “bạn mới” bằng cách cho tớ mặc nguyên quần áo ngồi lên bô như khi tớ ngồi xem phim với bố vậy. Những ngày sau đó cứ mỗi sáng tớ vừa dậy là mẹ cho tớ ngồi bô em bé còn mẹ thì ngồi trên bồn cầu cạnh tớ, mẹ còn khuyến mãi thêm con búp bê để tớ cầm chơi trong lúc ị nữa.

tap-cho-be-ngoi-bo-hinh-anh2

Tập cho bé ngồi bô vào mỗi buổi sáng

Ban đầu thì tớ chưa quen, nhưng sau đó tớ “đi” rất đúng giờ. Mẹ giải thích với bố là mẹ đang tập cho tớ quen với thời gian sinh học. Và rồi chuyện ấy trở thành thói quen lúc nào không hay luôn, cứ mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, tớ lại có nhu cầu “giải quyết nỗi buồn”.

tap-cho-be-ngoi-bo-hinh-anh3

Tập cho bé thói quen đi bô mỗi buổi sáng

Đại tiện vào sáng sớm rất tốt cho sức khỏe, vì chúng ta cần tống hết chất thải trong cơ thể ra trước khi nạp lượng chất mới. Thêm một điều nữa, nó không gây khó khăn khi bạn đến trường. Thử nghĩ mà xem, khi ở lớp, lúc mọi người đang ăn sáng, ăn trưa mà bạn lại cần phải ị thì bất lịch sự quá phải không.

Ngồi bồn cầu là bước tiếp theo sau khi tớ thành thục ngồi bô. Việc này không mất nhiều thời gian như lần đầu nữa. Nó chỉ khác là thay vì “bạn mới” là của riêng tớ thì nó là bạn của cả nhà. Thật ra ngồi bồn cầu cũng rất thú vị, nhất là khâu giật nước. Hí hí…Bây giờ chị cần mẹ kêu rất ngắn gọn và đơn giản khi tớ tỉnh dậy: ‘ị’ hay ‘tè’ là tớ chạy tót ra nhờ mẹ bế lên bồn cầu liền.

tap-cho-be-ngoi-bo-hinh-anh4

Cho bé ngồi bồn cầu sau khi bé đã quen với việc ngồi bô

Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh là điều mà bác sĩ khuyên bạn làm, dĩ nhiên là tớ chả dại gì mà lại để vi khuẩn có hại bám vào tay tớ đâu. Mẹ còn dạy tớ bài hát lúc rửa tay nữa đấy. Vừa rửa và vừa hát, khi tớ hát xong cũng là lúc rửa tay xong. Bạn nhớ đừng rửa qua loa nhé, nếu bạn cần, tớ có thể chỉ bạn bài hát để bạn canh thời gian khi rửa tay nhen.

tap-cho-be-ngoi-bo-hinh-anh5

Cho bé rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh

 

Tóm tắt:

  • Bé dưới 18 tháng tuổi không thể nhận biết khi nào phải đi vệ sinh nên việc tập cho bé ngồi bô sớm quá là không nên.
  • Tuổi tập ngồi bô là từ hơn 2 tuổi – 2 tuổi rưỡi tùy từng bé. Nếu thấy con khó chịu và quấy, mẹ nên đợi thêm 1 thời gian chứ không dọa, mắng, ép con làm con sợ và khó tập thói quen đi vệ sinh hơn.
  • Mẹ dạy trẻ từ vựng cho hành động cần đơn giản, ngắn gọn, chính xác như: ị (popo), tè (pipi). Ngôn ngữ em bé hoặc hình tượng trong trường hợp này không cần thiết vì bé cần biết đi vệ sinh là việc bình thường của cuộc sống, không cần bí mật, xấu hổ hay quá hí hửng và với việc hiểu nghĩa của từ, bé sẽ nói được với người lớn khi nào mình muốn đi vệ sinh.



  1. Fenwick, E, 2012, Baby Care (101 Essential Tips), trans TV Do, Phu nu Publisher, Hanoi
  2. Spock, B, Needlman, R, 2012, Baby and Childcare, 9th edn, Bookwell, Finland
  3. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com