Sức khỏe

Tìm hiểu về bệnh lồng ruột ở trẻ em

Bệnh lồng ruột ở trẻ em xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột khác gây tắc nghẽn ruột làm bé đau bụng. Nếu nghi ngờ trẻ bị lồng ruột, ba mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện bởi để càng lâu các đoạn ruột sẽ càng lồng sâu vào nhau, gây sưng và tắc nghẽn mạch máu, nhiễm trùng và nghiêm trọng hơn nữa là hoại tử.

Ba mẹ có bao giờ nghe nói đến bệnh lồng ruột ở trẻ em chưa? Chứng bệnh này có nguy hiểm gì không và làm thế nào để phát hiện ra các triệu chứng trẻ bị lồng ruột để kịp thời xử lý? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc của ba mẹ về vấn đề này!

Lồng ruột là gì?

Được biết đến từ 300 năm nay, lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột khác làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột và làm trẻ bị đau bụng. Khi trẻ bị lồng ruột, tĩnh mạch bị chèn ép, không thể lưu thông máu nên xuất hiện phù nề, niêm mạc ruột có thể bị tổn thương, chảy máu.

Tìm hiểu bệnh lồng ruột ở trẻ em

Phần ruột phía trên đoạn ruột lồng bị tắt

Bệnh lồng ruột ở trẻ em – Nguyên nhân chưa xác định

Hiện nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân của hiện tượng này. Theo kinh nghiệm dân gian, các bà các mẹ cho rằng nếu tung hứng trẻ nhiều sẽ dễ khiến trẻ bị lồng ruột, tuy nhiên, điều này y học cũng chưa có nghiên cứu để chứng minh.

Mùa hay xảy ra tình trạng lồng ruột nhất là lúc giao mùa, nhiều trẻ trước đó đã bị viêm nhiễm đường hô hấp, tai mũi họng. Các trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, trẻ bị tiêu chảy do virus thì nguy cơ trẻ bị lồng ruột sẽ cao hơn.

Theo bác sĩ Trí Đoàn (bệnh viện Victoria), trong thời gian ăn dặm, nếu bố mẹ thay đổi loại sữa trẻ đang bú đột ngột làm nhu động ruột trẻ thay đổi đột ngột cũng dễ gây ra lồng ruột. Vì vậy, khi cần thay đổi sữa, chế độ ăn và thức ăn, bố mẹ nên thay đổi từ từ, với liều lượng tăng dần để trẻ thích nghi.

>> Một số bệnh mạn tính ở trẻ em cha mẹ nên biết

Triệu chứng khi trẻ bị lồng ruột

Bệnh lồng ruột ở trẻ thường xảy ra với các trẻ từ 5-14 tháng tuổi (nhiều nhất ở trẻ từ 5 – 6 tháng), trẻ bụ bẫm, bú nhiều, có nhu động ruột hoạt động mạnh.

Trẻ đang chơi vui hoăc đang bú, đột nhiên khóc thét, bỏ chơi, bỏ bú, da tím tái là dấu hiệu ruột bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó trẻ tạm thời yên. thậm chí bú lại. Nhưng khi cơn đau tái phát, trẻ khóc từng cơn, ưỡn người hoặc đau gập chân về phía bụng, không bú được, nôn. Ban đêm, trẻ bị cơn đau đánh thức dậy, xoắn vặn người và cũng khóc từng cơn.

Tìm hiểu bệnh lồng ruột ở trẻ em hình ảnh 2

Đột nhiên khóc thét, bỏ bú có thể là những dấu hiệu đầu tiên trẻ bị lồng ruột

Vài giờ sau trẻ mệt lả, da xanh nhợt. Khoảng 6 – 12 tiếng sau, trẻ đi ngoài ra phân màu đen, nhầy và có máu. Nhìn trẻ thấy giảm sút rõ rệt: da tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng.

Nếu cứ trong tình trạng này 24 giờ không xử trí gì, trẻ sẽ bị nôn liên tục, bụng trướng dần lên, da toàn thân lạnh, nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ, thở gấp, nôn, dấu hiệu ruột bắt đầu hoại tử. Lúc này mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc phòng khám ngay nhé!

>> Cách đối phó hiệu quả với các bệnh mạn tính ở trẻ em

Chẩn đoán bệnh lồng ruột ở trẻ em

Ngay khi nghi ngờ trẻ bị lồng ruột, gia đình nên mang trẻ đến bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa gấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh lồng ruột ở trẻ. Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để sờ nắn khối lồng. Đặc điểm khối lồng thường là hình ống, chắc, mặt nhẵn, đau khi ấn và nằm dọc theo vị trí của khung đại tràng.

Theo bác sĩ Huỳnh Thuận (bệnh viện Nhi Quảng Nam), lúc đầu, khối lồng thường ở góc gan, núp dưới bờ sườn bên phải nên khó phát hiện. Thời gian sau, khối lồng xuống thấp hơn và bụng bệnh nhân chướng lên, khi thăm khám trực tràng thấy có máu dính theo găng tay.

Hiện nay để xác định xem trẻ bị lồng ruột hay không bác sĩ có thể kiểm tra bằng hai phương pháp sau:

Phương pháp 1: X quang ổ bụng, chụp cắt lớp (CT), siêu âm ổ bụng

Tìm hiểu bệnh lồng ruột ở trẻ em hình ảnh 3

Chẩn đoán bệnh lồng ruột ở trẻ bằng phương pháp siêu âm ổ bụng

Do phương pháp siêu âm có thể chẩn đoán hiệu quả lồng ruột cũng như kết quả tháo lồng. Với các bác sĩ có kinh nghiệm cao, tỷ lệ chẩn đoán có thể chính xác đến gần tuyệt đối nên đây là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất.

Phương pháp 2: Sử dụng túi khí hoặc thụt bari

Tìm hiểu bệnh lồng ruột ở trẻ em hình ảnh 4

Thụt bari giúp chẩn đoán trẻ bị lồng ruột và giúp thông ruột cho bé nữa

Vừa soi X-quang vừa bơm hơi vào ruột với áp lực vừa phải hay bơm dung dịch lỏng chứa chất cản quang Barium từ hậu môn lên ruột để nhận diện các thay đổi trên thành ruột dễ dàng.

Những bước kiểm tra này không chỉ cho phép chẩn đoán mà còn khiến thông ruột với các trẻ. Nếu gia đình mang trẻ đến bệnh viện muộn khi các đoạn ruột lồng đã rất sâu, gây sưng và tắc nghẽn mạch máu, nhiễm trùng, hoại tử, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho trẻ.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Intussusception. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.
  2. Nhận biết bệnh lồng ruột ở trẻ. Đọc thêm tại: <http://kienthucykhoa.edu.vn/threads/nhan-biet-benh-long-ruot-o-tre-nho.627/>. [Ngày 15 tháng 10 năm 2014]
  3. Intussusception. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000958.htm>. [Ngày 15 tháng 10 năm 2014]
  4. Lồng ruột ở trẻ nhũ nhi. Đọc thêm tại: <http://www.benhviennhiqnam.com.vn/images/longruot.pdf>. [Ngày 15 tháng 10 năm 2014]
  5. Bệnh lồng ruột ở trẻ. Đọc thêm tại: http://www.victoriavn.com/nhi-khoa/benh-long-ruot-o-tre/293/438>. [Ngày 15 tháng 10 năm 2014]
  6. Intussusception. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/intussusception/basics/treatment/con-20026823>. [Ngày 15 tháng 10 năm 2014]
  7. Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí bệnh lồng ruột ở trẻ em. Đọc thêm tại: <https://www.youtube.com/watch?v=8Tc-1ElpOOQ>. [Ngày 15 tháng 10 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com