Sinh con

Xổ nhau thai – Một phần của quá trình sinh con

Xổ nhau thai (sổ nhau thai) và lấy màng nhầy ra khỏi tử cung người mẹ là giai đoạn cuối cùng của quá trình sinh con. Nhiều người cứ nghĩ chỉ cần em bé chào đời thì mẹ sẽ được thoải mái và quá trình sinh con kết thúc. Nhưng thật ra, mẹ còn phải kiên nhẫn trải qua giai đoạn xổ nhau thai nữa!

Sau khi sinh em bé, có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất đã qua và khoảnh khắc hạnh phúc nhất đã đến, phần còn lại phải làm bây giờ là hoàn tất bằng cách dọn dẹp tàn dư – xổ nhau thai.

Giai đoạn xổ nhau thai kéo dài bao lâu?

Trong giai đoạn cuối của quá trình sinh con (thường kéo dài từ 5 phút đến nửa tiếng hoặc hơn), phần nhau thai sau khi sinh này đã từng giúp nuôi dưỡng em bé trong bụng mẹ sẽ được đưa ra ngoài.

Điều gì diễn ra trong giai đoạn xổ nhau thai?

Bạn sẽ tiếp tục có các cơn co thắt nhẹ kéo dài khoảng 1 phút, dù có thể bạn không cảm thấy chúng (dù sao thì tâm trí bạn lúc này chỉ nghĩ đến bé yêu vừa chào đời mà thôi). Tử cung sẽ co bóp làm nhau thai tách khỏi thành tử cung và đẩy nó xuống đoạn dưới của tử cung hoặc vào trong âm đạo để có thể bị tống ra ngoài.

Bác sĩ sẽ giúp bạn đưa nhau thai ra ngoài bằng cách hoặc là dùng một tay nhẹ nhàng kéo đoạn dây rốn trong khi tay kia xoa bóp tử cung của bạn, hoặc sẽ dùng lực ấn xuống đỉnh tử cung và yêu cầu bạn rặn vào thời điểm thích hợp.

Bạn có thể được tiêm hoặc truyền tĩnh mạch Pitocin (oxytocin) để kích thích các cơn co thắt tử cung, làm xổ nhau nhanh hơn, giúp tử cung co lại và giảm chảy máu. Một khi nhau thai đã ra ngoài, bác sĩ sẽ kiểm tra để chắc chắn nó nguyên vẹn. Nếu không nguyên vẹn, bác sĩ sẽ thăm dò kỹ tử cung bạn bằng tay xem có phần nhau nào sót lại không và lấy ra hết những phần đó.

Bạn sẽ cảm thấy ra sao khi xổ nhau thai?

Sau tất cả mọi hoạt động chuyển dạ và sau khi sinh em bé xong, bạn có thể thấy hoàn toàn kiệt sức (hoặc ngược lại, cảm nhận một nguồn năng lượng mới tràn đầy). Nếu bạn không được ăn uống gì, có lẽ bạn đang rất khát và nếu thời gian chuyển dạ kéo dài sẽ khiến bạn rất đói. Một số phụ nữ cảm thấy lạnh vào giai đoạn này và tất cả đều có hiện tượng tiết sản dịch như đang trong ngày kinh nguyệt ra nhiều.

Sau các hoạt động chuyển dạ và sau khi sinh em bé, bạn có thể thấy hoàn toàn kiệt sức

Cảm xúc của bạn sau khi sinh em bé sẽ như thế nào?

Sự thật là mỗi người phản ứng theo cách hơi khác nhau, và phản ứng của bạn ra sao cũng là bình thường. Cảm xúc đầu tiên của bạn có thể là niềm hân hoan, nhưng cũng có thể chỉ là cảm giác nhẹ nhõm. Bạn có thể thấy hồ hởi và thích nói chuyện, hân hoan và phấn khích, một chút thiếu kiên nhẫn khi phải rặn đẩy nhau thai ra hoặc phải trải qua việc khâu lại tầng sinh môn do rạch hoặc bị rách trước đó, hoặc đang rất thích thú khi được ôm ấp con yêu trên tay (hoặc rất bối rối, hoặc cả hai) mà không hề để ý.

Bạn có thể cảm nhận sự gần gũi với chồng và mối liên kết tức thì với bé yêu mới chào đời của bạn. Hoặc (điều này cũng là bình thường) có thể bạn sẽ thấy có phần thờ ơ (tự hỏi “đứa trẻ lạ hoắc đang khụt khịt trên ngực mình là ai đây?”), thậm chí hơi bực bội – nếu việc sinh nở đã diễn ra một cách khó khăn (“thì ra đây là đứa nhỏ làm mình phải chịu đau đớn dữ vậy!”). Dù phản ứng của bạn lúc này như thế nào, bạn rồi sẽ yêu con rất nhiều, chỉ là đôi lúc cần có thời gian để làm quen với nhau mà thôi.




  1. Heidi Murkoff Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edition, Workman Publishing, USA. Page 396 – 397
  2. Third stage of labour. Tham khảo thêm tại: <https://www.nct.org.uk/birth/third-stage-labour> [Ngày 29 tháng 11 năm 2016]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com