Sức khỏe

Tìm hiểu hội chứng ăn bậy ở trẻ em

Những bé mắc hội chứng ăn bậy (một rối loạn ăn uống) thường xuyên thèm và ăn các đồ vật không phải thức ăn như: bụi bẩn, đất sét, các mẩu vụn sơn màu, thạch cao, kem đánh răng, xà phòng,… Hành vi này được xem là không phù hợp với độ tuổi hay giai đoạn phát triển của bé (bé lớn hơn 18 – 24 tháng).

Hội chứng ăn bậy là gì?

Rất nhiều bé trong độ tuổi nhỏ thường cho những thứ không phải thức ăn vào miệng. Theo tự nhiên thì các bé rất hay tò mò về môi trường xung quanh, thậm chí bé có thể ăn cả đất bẩn trong những hố cát khi bé đang chơi.

Tuy nhiên, với những bé có chứng ăn bậy (Pica), bé sẽ vượt ra khỏi sự tò mò khám phá thế giới xung quanh thông thường. Khoảng từ 10 – 30% các bé từ 1 – 6 tuổi mắc chứng ăn bậy, đặc trưng bởi việc đòi ăn và thèm ăn những thứ không phải thức ăn, kéo dài từ một tháng trở lên.

Triệu chứng

Những bé mắc chứng ăn bậy thường xuyên thèm và ăn các đồ vật không phải thức ăn như: bụi bẩn, đất sét, các mẩu vụn sơn màu, thạch cao, phấn, bột bắp, bột giặt, bột nở, bã cà phê, tàn thuốc lá, các đầu diêm cháy, phân, nước đá, keo dán, tóc, nút quần áo, giấy, cát, kem đánh răng, xà phòng,…

Hội chứng ăn bậy là một rối loạn về ăn uống có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe trầm trọng như nhiễm độc chì, thiếu máu do thiếu sắt.

Dấu hiệu cảnh báo chứng ăn bậy ở trẻ em bao gồm:

  • Bé lặp đi lặp lại việc ăn những đồ vật không phải thức ăn, bất chấp những nỗ lực để hạn chế việc này, trong khoảng thời gian từ một tháng trở lên.
  • Hành vi này được xem là không phù hợp với độ tuổi hay giai đoạn phát triển của bé (bé lớn hơn 18 – 24 tháng).
  • Hành vi đó không phải là một phần của nghĩa vụ tôn giáo, dân tộc và văn hoá.

Tìm hiểu hội chứng ăn bậy ở trẻ em

Những bé mắc chứng ăn bậy thường xuyên thèm và ăn các chất, các đồ vật không phải thức ăn

Nguyên ngân do đâu?

Vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể của chứng ăn bậy, nhưng có một số tình trạng và tình huống nhất định có thể làm gia tăng nguy cơ mắc chứng này ở bé, như là:

  • Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu sắt hay thiếu kẽm có thể gây ra một số cảm giác thèm ăn nhất định (tuy nhiên, những đồ vật không phải thức ăn thường không cung cấp những khoáng chất còn thiếu trong cơ thể bé).
  • Suy dinh dưỡng: Đặc biệt là ở những nước kém phát triển – nơi có nhiều bé mắc chứng ăn bậy thường ăn đất hoặc đất sét.
  • Những yếu tố văn hóa: Trong một số gia đình, tôn giáo hoặc nhóm người thì hành vi ăn những thứ không phải thức ăn là một bài học mà các bé bắt chước làm theo.
  • Bị cha mẹ bỏ rơi, thiếu sự giám sát hay thiếu thốn lương thực: thường được thấy ở trẻ có những vấn đề về phát triển trong hoàn cảnh nghèo đói.
  • Các vấn đề về phát triển: như chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, các khuyết tật về phát triển khác hay những bất thường về não bộ.
  • Tình trạng sức khỏe tâm thần: như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và tâm thần phân liệt.

Việc ăn những chất liên quan đến đất như đất sét hay bụi bẩn là một dạng của chứng ăn bậy – tên là “chứng ăn đất” (geophagia) – có thể gây ra tình trạng thiếu sắt. Một giả thuyết để giải thích cho chứng ăn đất này là do trong một số nền văn hóa, ăn đất sét hoặc bụi bẩn có thể giúp làm giảm buồn nôn, kiểm soát tiêu chảy, tăng tiết nước bọt, loại bỏ độc tố, thay đổi mùi cơ thể và vị giác.

Tìm hiểu hội chứng ăn bậy ở trẻ em hình ảnh 2

Chứng ăn bậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Một số bé thích thưởng thức hương vị và kết cấu của đất sét, bụi bẩn hay những chất không phải thức ăn khác, và các bé ăn chúng như là một phần của thói quen hàng ngày. Chứng ăn bậy cũng có thể là một hành vi nhằm đáp ứng lại sự căng thẳng.

Một ý kiến khác cho rằng chứng ăn bậy là một nét văn hóa của các nghi lễ tôn giáo nhất định, các bài thuốc dân gian, và những niềm tin vào thần thoại. Chẳng hạn như, một số người trong các nền văn hóa khác nhau tin rằng ăn đất sẽ giúp hòa quyện những yếu tố tâm linh kì diệu vào trong cơ thể họ.

Tuy nhiên không có một giả thuyết nào nêu trên có thể giải thích được mọi hình thức của chứng ăn bậy. Mỗi trường hợp cá nhân cần phải được điều trị riêng biệt để tìm hiểu điều gì thật sự đã gây nên tình trạng này.

Chẩn đoán chứng ăn bậy

Nếu nghi ngờ trẻ mắc chứng ăn bậy thì bác sõ sẽ cần làm một số xét nghiệm quan trọng để đánh giá xem bé có bị thiếu máu, tắc nghẽn đường ruột, hoặc độc tính tiềm tàng từ những chất mà bé ăn vào hay không. Nếu bé có triệu chứng thì bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát cho bé thông qua hỏi bệnh và thăm khám.

Các bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm, như chụp X-quang và xét nghiệm máu, để kiểm tra tình trạng thiếu máu, các độc tố hay các chất khác trong máu và quan sát tìm sự tắc nghẽn trong đường ruột. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra việc nhiễm trùng nếu có, gây ra bởi việc ăn những chất bị nhiễm vi khuẩn hay các vi sinh vật khác. Một đánh giá về thói quen ăn uống của trẻ cũng được làm kèm theo.

Tìm hiểu hội chứng ăn bậy ở trẻ em hình ảnh 3

Ngoài các xét nghiệm, bác sĩ còn có thể hỏi về thói quen ăn uống của trẻ nữa

Trước khi đưa ra chẩn đoán cho chứng ăn bậy, bác sĩ sẽ đánh giá sự hiện diện của những rối loạn khác – như chậm phát triển tâm thần, những khuyết tật về phát triển, rối loạn ám ảnh cưỡng chế – như là nguyên nhân của các hành vi ăn uống kì lạ. Và hành vi ăn bậy này phải kéo dài ít nhất 1 tháng thì mới đáp ứng được tiêu chí chẩn đoán chứng ăn bậy.

Điều trị chứng ăn bậy ở trẻ

Bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bạn quản lý và ngăn chặn những hành vi liên quan đến chứng ăn bậy, hướng dẫn bạn cách dạy cho bé về những món đồ ăn nào có thể ăn được và không ăn được. Các bác sĩ cũng sẽ phổ biến cho bạn những cách để không cho bé ăn những đồ vật không ăn được mà bé thèm (ví dụ, dùng ổ khóa an toàn cho trẻ em và kệ cao để đồ, giữ các hóa chất gia dụng và thuốc ngoài tầm với của bé).

Một số bé sẽ cần phải được can thiệp về hành vi và gia đình có thể phải làm việc với một nhà tâm lý học hoặc một chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

Thuốc cũng có thể được chỉ định nếu hội chứng ăn bậy của bé có liên quan đến những vấn đề hành vi đáng lo ngại mà bé lại không đáp ứng hiệu quả với các liệu pháp hành vi.

May mắn là, chứng ăn bậy sẽ được cải thiện khi bé lớn lên; tuy nhiên, đối với những cá nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay phát triển thì chứng ăn bậy vẫn tiếp tục là một vấn đề. Việc điều trị liên tục và duy trì một môi trường an toàn là chìa khóa để kiểm soát tình trạng này.

Phụ huynh cần làm gì để can thiệp khi ở nhà?

Bạn có thể kiểm soát bé khi ở nhà bằng những hành động:

  • Dạy bé những chất an toàn có thể ăn được.
  • Đặt những đồ vật không phải thức ăn mà bé muốn ăn vào trong tủ có khóa hoặc để ở nơi ngoài tầm tay của bé.
  • Cung cấp cho bé một chế độ ăn cân bằng.

Phòng ngừa

Hiện vẫn chưa có cách nào cụ thể để ngăn ngừa chứng ăn bậy. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý những thói quen ăn uống của bé và giám sát chặt chẽ bé nếu bé hay đưa đồ vật vào miệng để có thể kịp thờp phát hiện chứng ăn bậy trước khi các biến chứng có thể xảy ra.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Pica. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/emotions/behavior/pica.html>.  [Ngày 7 tháng 8 năm 2015]
  2. Pica (Eating Disorder): Treatments, Causes, Symptoms. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/mental-health/mental-health-pica>. [Ngày 7 tháng 8 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com