Sức khỏe

Tìm hiểu về bệnh thủy đậu ở trẻ em và cách điều trị

Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan, gây ngứa và xuất hiện mụn nước khắp cơ thể, ở trẻ em còn đi kèm với triệu chứng sốt nhẹ. Bệnh thủy đậu ở trẻ em dạng nhẹ có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên trường hợp nặng có khả năng xảy ra biến chứng và cần điều trị bằng thuốc kháng virus.

>> Giúp ba mẹ tìm kiếm các cơ sở điều trị bệnh thủy đậu ở Hà Nội nhanh nhất cho con

Phát ban – Triệu chứng điển hình của bệnh thuỷ đậu

Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) do virus varicella – zoster gây ra. Trước năm 1995, khi chưa có vacxin phòng ngừa thì bệnh thủy đậu là một trong những căn bệnh thường gặp, ảnh hưởng đến hầu hết trẻ dưới 9 tuổi. Triệu chứng của thủy đậu điển hình là phát ban. Đầu tiên, chúng có thể xuất hiện ở bụng, lưng, mặt sau đó lan ra khắp cơ thể như da đầu, miệng, cánh tay, chân và bộ phận sinh dục.

Trung bình mỗi lần phát ban trẻ có từ 250 – 500 đốm đỏ trên da, những đốm này xuất hiện thành cụm từ 2-4 ngày, sau đó phát triển thành những mụn nước, tiếp đó, những mụn nước này vỡ ra và để lại những vết thương hở, cuối cùng chúng đóng vảy tạo ra những vảy khô có màu nâu.

Tìm hiểu về bệnh thủy đậu ở trẻ em và cách điều trị

Phát ban là một trong những triệu chứng điển hình khi bé mắc bệnh thủy đậu

Trong một số trường hợp, bé vẫn có thể bị mắc bệnh thủy đậu mặc dù đã được tiêm ngừa vắc-xin phòng ngừa thủy đậu. Tuy nhiên, trong trường hợp này số lượng mụn nước sẽ ít hơn (chỉ dưới 30 nốt), bé cũng sẽ hồi phục nhanh hơn so với những người chưa được tiêm vắc-xin.
Ngoài ra, khoảng từ 1-2 ngày trước khi phát ban, bé có thể có một số dấu hiệu của bệnh thủy đậu như:

  • Sốt từ 38oC-39,4oC)
  • Nhức đầu
  • Chán ăn
  • Đau dạ dày
  • Đau họng
  • Cảm giác mệt mỏi.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em – Căn bệnh dễ lây lan

Bệnh thủy đậu có thể lây dễ dàng khi tiếp xúc với dịch tiết ra từ mụn nước hoặc qua đường hô hấp khi bệnh nhân thủy đậu ho và hắt hơi. Thậm chí là khi bệnh mới phát triển nhẹ cũng có thể lây lan. Bệnh thủy đậu bắt đầu có khả năng lây lan từ 1-2 ngày trước khi xuất hiện các mụn nước cho đến khi các mụn nước đóng vảy.

Hầu hết các trường hợp bệnh thủy đậu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi. Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường nhẹ tuy nhiên đôi khi cũng có một số biến chứng nghiêm trọng (đặc biệt đối với người lớn và trẻ lớn hơn) nên các mẹ phải cẩn thận đấy!

Trẻ dưới 1 tuổi có mẹ từng bị bệnh hay đã tiêm ngừa thủy đậu sẽ ít bị mắc bệnh này hơn vì đã có kháng thể từ mẹ truyền qua bảo vệ cho trẻ, hoặc nếu có mắc thì bệnh cũng sẽ không quá nghiêm trọng. Đối với trẻ có mẹ chưa từng bị bệnh thủy đậu hoặc mẹ không tiêm ngừa thủy đậu thì bé sẽ dễ mắc bệnh thủy đậu ở dạng nặng.

Những triệu chứng thủy đậu ở thể nặng thường gặp ở các bé bị suy giảm hệ miễn dịch do bệnh tật hay đang sử dụng các loại thuốc hóa trị và steroid.

Bé mắc bệnh thủy đậu, khi nào nên đưa bé đến bác sĩ?

Nếu mẹ không hiểu rõ về thuốc cũng như cách sử dụng thuốc an toàn thì cách tốt nhất là mẹ nên đưa bé yêu đến gặp bác sĩ để được tư vấn kĩ càng. Và mẹ cũng phải đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nếu bé xảy ra các triệu chứng sau:

  • Sốt kéo dài trên 4 ngày hoặc thân nhiệt tăng lên hơn 38,80C.
  • Ho hay khó thở.
  • Có một vùng phát ban bị rỉ mủ (chất dịch sền sệt, màu vàng nhạt), đỏ, sưng, nóng và gây đau.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Uể oải, buồn ngủ và không muốn thức dậy.
  • Đi lại khó khăn.
  • Trẻ bị lú lẫn.
  • Mệt mỏi và kèm theo nôn ói.
  • Cứng cổ.

Cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thủy đậu thông qua những dấu hiệu phát ban ở bé, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán như: xét nghiệm máu và kiểm tra kết quả mẫu cấy từ các vết thương để xác định rõ nguyên nhân. Việc dùng phương pháp nào điều trị bệnh thủy đậu sẽ phụ thuộc vào mức độ nhẹ hay nặng của bệnh.

Trường hợp nhẹ:
Hầu hết các bé khi bị thủy đậu thường ở dạng nhẹ, mẹ có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng bệnh thủy đậu như ngứa, sốt, cảm giác khó chịu đồng thời giảm nguy cơ biến chứng. Để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn khi điều trị tại nhà, mẹ có thể áp dụng những cách sau:

  • Cho bé nằm nghỉ ngơi
  • Uống nhiều nước (để tránh mất nước)
  • Mặc quần áo mát mẻ, màu sáng, chăn màn thoáng, tránh mặt vải thô, cứng, đặc biệt là đồ len để hạn chế cọ xát vào các mụn nước.
  • Cắt móng tay ngắn hoặc đeo găng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để tránh cho trẻ gãi, gây xước.
  • Ăn thức ăn mềm, nhạt, tránh ăn mặn và các loại thức ăn có tính axit cao như nước ép cam, bánh ngọt, đồ chiên, đồ rán, hành, tỏi, nấm, các loại gia vị, nước sốt, giấm….

Tìm hiểu về bệnh thủy đậu ở trẻ em và cách điều trị hình ảnh 2

Tham khảo ý kiến bác sĩ và cung cấp cho bé chế độ dinh dưỡng hợp lý
  • Tắm nước ấm có thêm Baking soda (thuốc muối) hay bột yến mạch (mẹ có thể thử bằng cách cho một cốc bột yến mạch vào trong một cái vớ da sạch, buộc chặt và để trong bồn tắm khi xả nước vào bồn). Sau khi tắm có thể sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ để làm mềm và dịu da.
  • Tránh tiếp xúc nhiệt độ và độ ẩm cao trong thời gian dài.
  • Không cho bé đi học trở lại cho đến khi các mụn nước đã đóng vảy hoặc bị khô lại hoàn toàn vì khi đó bệnh thủy đậu mới thực sự không còn khả năng lây nhiễm.

Ngoài ra, khi dùng thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Mẹ có thể sử dụng paracetamol để hạ sốt, nhưng tuyệt đối không sử dụng aspirin để tránh nguy cơ gây ra các biến chứng như hội chứng Reye (đây là hội chứng có thể dẫn đến suy gan và tử vong).
  • Những bé đang mắc bệnh thủy đậu không nên sử dụng Ibuprofen vì nó có thể gây nhiễm trùng thứ phát nghiêm trọng hơn.
  • Có thể cho trẻ sử dụng thuốc kháng histamine đường uống như Diphenhydranmine (Benadryl), tuy nhiên thuốc có thể có tác dụng phụ cho trẻ (như gây buồn ngủ).
  • Mẹ cũng có thể dùng kem như Calamine lotion (thuốc chống dị ứng) bôi cho trẻ để giảm ngứa. Nếu trẻ có vấn đề ở da như eczema (chàm) thì mẹ cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp với trẻ nhé.

Trường hợp nặng:
Trong trường hợp trẻ bị bệnh thủy đậu ở mức độ nặng và có khả năng gặp biến chứng cao sẽ được điều trị bằng các loại thuốc kháng virus như Acyclovir (Zovirax, Acirax Cream, Acyclovir Denk 200), Valacyclovir (Valtrex) và Famciclovir (Famcivir, Famcino). Tuy nhiên, liều lượng sử dụng những loại thuốc này tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe, mức độ nhiễm trùng và thời gian điều trị. Vì vậy, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em.

Phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ em bằng cách nào?

Tiêm ngừa thủy đậu là biện pháp phòng ngừa tốt nhất và hiệu quả đến 99% đấy mẹ ạ! Sau khi tiêm ngừa, vắc xin có thể ngăn ngừa căn bệnh này hoàn toàn hoặc nếu có mắc thì bệnh cũng sẽ không quá nghiêm trọng. Mẹ xem thêm: 18 bệnh dịch cần tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.




  1. Chickenpox. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/infections/skin/chicken_pox.html>. [Ngày 03 tháng 12 năm 2014].
  2. Chickenpox. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001592.htm>. [Ngày 03 tháng 12 năm 2014].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com