Sức khỏe

Trẻ bị rối loạn gắn bó cần điều trị sớm!

Rối loạn gắn bó ở trẻ nhỏ được chẩn đoán bởi bác sĩ tâm thần nhi. Tiến trình chẩn đoán có thể bao gồm: quan sát trực tiếp mối tương tác của trẻ với cha mẹ hoặc người chăm sóc, thông tin chi tiết về hành vi của trẻ theo thời gian…từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp với từng bé.

Chẩn đoán rối loạn gắn bó có khó?

Sổ tay hướng dẫn chẩn đoán và thống kê bệnh tâm thần DSM – V đã đưa ra các tiêu chí chẩn đoán rối loạn phản ứng gắn bó ở trẻ nhỏ như sau:

  • Có hành vi thu rút cảm xúc đối với người chăm sóc. Tiêu chí này sẽ dễ dàng nhận ra khi trẻ gặp vấn đề khó khăn, buồn tủi nhưng hiếm khi tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc phản ứng tích cực đối với sự an ủi của người khác.

Trẻ bị rối loạn gắn bó cần điều trị sớm

Trẻ mắc rối loạn gắn bó thường không chấp nhận sự an ủi của người khác
  • Những vấn đề dai dẳng về cảm xúc và xã hội. Tiêu chí này có thể bao gồm ít phản ứng lại với người khác, không phản ứng tích cực với những tương tác, cáu gắt vô lý, buồn bã hoặc sợ hãi trong suốt quá trình tương tác với người chăm sóc.
  • Không có nhu cầu về tình cảm đối với người chăm sóc. Thay đổi liên tục những người chăm sóc chính là việc làm hạn chế cơ hội để định hình những gắn bó bền vững; hoặc môi trường chăm sóc làm giới hạn trầm trọng những cơ hội để định hình sự gắn bó của trẻ.
  • Không có chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ.

Ngoài ra, các nhà tâm thần nhi khoa sẽ thực hiện một đánh giá kĩ lưỡng và chuyên sâu để chẩn đoán rối loạn gắn bó, bao gồm:

  • Quan sát trực tiếp mối tương tác của trẻ với cha mẹ hoặc người chăm sóc.
  • Thông tin chi tiết về hành vi của trẻ theo thời gian.
  • Một số ví dụ về hành vi của trẻ trong một loạt các tình huống khác nhau.
  • Thông tin về các tương tác của trẻ với cha mẹ hoặc người chăm sóc, cũng như với những người khác.
  • Các câu hỏi về gia đình và hoàn cảnh sống từ khi trẻ sinh ra.
  • Đánh giá về khả năng làm bố mẹ, phong cách và khả năng nuôi dạy con cái.

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán loại trừ những nguyên nhân có thể khác, vì những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn gắn bó có thể giống với một số rối loạn khác, như:

  • Khuyết tật trí tuệ.
  • Rối loạn điều chỉnh.
  • Rối loạn phổ tự kỷ.
  • Các rối loạn trầm cảm.

Điều trị rối loạn gắn bó ở trẻ

Việc điều trị rối loạn phản ứng gắn bó ở trẻ nhỏ thường kết hợp nhiều phương pháp – như tư vấn, giáo dục việc nuôi dạy con cái – được thiết kế để đảm bảo đứa trẻ sẽ có được một môi trường sống an toàn, phát triển các tương tác tích cực với người chăm sóc.

Trẻ bị rối loạn gắn bó cần điều trị sớm hình ảnh 2

Việc điều trị thường kết hợp nhiều phương pháp để đảm bảo trẻ được sống trong môi trường an toàn và có sự tương tác tích cực với người chăm sóc

Đối với những trẻ lớn hơn, thuốc có thể được dùng để điều trị các tình trạng kèm theo như trầm cảm, lo lắng, hay tăng động thái quá, nhưng không có biện pháp nào chữa trị nhanh chóng rối loạn phản ứng gắn bó. Theo đó, các bác sĩ nhi khoa sẽ đề nghị một kế hoạch can thiệp bao gồm:

  • Liệu pháp gia đình. Đây là phương pháp điều trị điển hình các vấn đề về gắn bó dành cho cả trẻ mắc rối loạn và cha mẹ hoặc người chăm sóc của trẻ. Liệu pháp này bao gồm các hoạt động bổ ích giúp tăng cường mối liên kết, đồng thời giúp cho các bậc phụ huynh và những trẻ khác trong gia đình hiểu biết về triệu chứng của rối loạn cùng những biện pháp can thiệp đem lại hiệu quả.
  • Tham vấn tâm lý cá nhân. Nhà trị liệu có thể gặp cá nhân trẻ hoặc dưới sự có mặt của bố mẹ. Phương pháp này được thiết kế để trực tiếp giúp trẻ theo dõi những cảm xúc và hành vi của mình.
  • Liệu pháp chơi. Kỹ thuật này giúp trẻ học các kỹ năng thích hợp để tương tác với bạn cùng lứa và xử lý những tình huống xã hội khác.
  • Các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Các chương trình được thiết kế riêng biệt ở nhà trường có thể giúp trẻ học được các kỹ năng cần thiết để thành công trong học tập và xã hội khi trẻ đang phải giải quyết những khó khăn về hành vi và cảm xúc.
  • Các lớp kỹ năng nuôi dạy con cái. Nội dung chương trình giáo dục cho phụ huynh và người chăm sóc tập trung vào việc học về các rối loạn gắn bó cùng các kỹ năng nuôi dạy con cái cần thiết.

Trẻ bị rối loạn gắn bó cần điều trị sớm hình ảnh 3

Tham gia các lớp kỹ năng nuôi dạy con cái để điều chỉnh việc chăm sóc trẻ phù hợp hơn

Như vậy, với trẻ nhỏ, việc điều trị thường chỉ áp dụng vào người lớn (cha mẹ hoặc người chăm sóc), còn với trẻ lớn hơn, có thể áp dụng cho cả trẻ và gia đình trẻ. Và một điều quan trọng, phát hiện và can thiệp sớm lúc nào cũng cần thiết.
 




  1. Attachment Issues and Reactive Attachment Disorder. Đọc thêm tại: <http://www.helpguide.org/articles/secure-attachment/attachment-issues-and-reactive-attachment-disorders.htm>. [Ngày 7 tháng 9 năm 2015].
  2. Reactive Attachment Disorder. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/reactive-attachment-disorder/basics/definition/con-20032126>. [Ngày 7 tháng 9 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com