Nuôi con

Sự thay đổi về tính cách và nhận thức của trẻ mẫu giáo

Trẻ mẫu giáo (3 -5 tuổi) thay đổi về tính cách và nhận thức theo nhiều cách rất thú vị. Hãy xem những điều ba mẹ cần biết khi con trong độ tuổi này là gì nhé!

Các bé 3-5 tuổi đang ở giai đoạn mà cá tính, các kỹ năng, sở thích, năng lực, cảm xúc và ý nghĩ của bé tiếp tục bộc lộ và phát triển, bé sẽ thay đổi theo nhiều cách rất thú vị. Bé sẽ trở thành một người có suy nghĩ độc lập hơn nhiều với những tư tưởng rất rõ ràng về những gì bé thích và không thích, điều gì bé muốn đạt được, và ai là người bé thích ở cạnh hơn.

Bằng nhiều cách, cuộc sống với bé ở độ tuổi đi mẫu giáo sẽ trở nên sôi nổi hơn nhiều những năm trước đó; lý do là so với thời gian khi bé còn quá nhỏ, giờ bé có thể làm nhiều việc hơn, giao tiếp hiệu quả hơn, suy nghĩ trưởng thành hơn, và có khiếu hài hước hơn.

Nhưng tất nhiên là những nốt “thăng” cá nhân này cũng có thể được phối hợp với những nốt “trầm” chẳng hạn như sự nhút nhát, các cơn nóng giận và thậm chí là sụt giảm sự tự tin. Chính sự kết hợp của tất cả những đặc điểm tính cách này tạo nên con người đặc biệt và duy nhất của bé.

Trẻ mẫu giáo trở nên độc lập hơn

Trong thời kỳ này, bé có hai mong muốn mãnh liệt – tuy mâu thuẫn nhưng có tính chất bổ sung cho nhau – phát triển mạnh mẽ bên trong.

Một mặt, bé có khao khát tự nhiên bẩm sinh là có thể tự làm nhiều việc hơn cho bản thân mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bạn và khao khát này ngày càng mạnh hơn. Điều này xảy ra không những vì bé tiếp tục muốn được độc lập mà còn vì giờ đây bé tin tưởng rằng bé có khả năng tự đương đầu với khó khăn. Các kỹ năng về thể chất có tiến bộ cũng góp phần vào niềm tin này.

Mặt khác, bé vẫn cần có bạn bên cạnh bất cứ lúc nào bé muốn. Bạn là người chỉ dẫn cho bé, giúp đỡ bé, yêu thương bé và khiến bé thấy mình quan trọng và được trân trọng. Nói cách khác, bé vẫn mãi cần bạn là người bố, người mẹ của bé.

Thử thách dành cho bé là làm sao để cân bằng những xung đột tâm lý đó bằng cách cải thiện các kỹ năng tự lập (các năng lực thể chất và sự độc lập về cảm xúc) trong khi đó vẫn giữ liên kết tình cảm gần gũi với bạn.

Đôi khi điều này gây ra sự bối rối cho bé (và có thể gây khó chịu cho bạn), đặc biệt là trong những tình huống khi tham vọng của bé vượt xa khả năng, ví dụ, khi bé dũng cảm và tự tin tự mình leo lên nhà chơi, để rồi khóc thét lên và gọi bạn tới giúp vài giây sau đó khi bé nhận thấy mình bị mắc kẹt giữa đường.

Hoặc khi bé khăng khăng đòi tự mình mặc áo, rồi thì nước mắt ngắn dài khi bé nhận ra mình mặc áo ngược. Thật trớ trêu vì bạn sẽ nghĩ có lẽ sẽ dễ và nhanh hơn nếu để bạn làm mọi thứ cho bé.

Sự thay đổi về tính cách và nhận thức của trẻ mẫu giáo

Bé ở độ tuổi mẫu giáo sẽ độc lập hơn

Khả năng giao tiếp tốt hơn

Thời điểm này, khi nghe bé nói chuyện, ba mẹ thật khó mà tin được rằng bé từng không thể nói một từ hay cụm từ nào, câu nào.

Ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp của bé tăng lên với tốc độ chóng mặt trong thời gian này. Đó không chỉ là việc số lượng và phạm vi các từ mà bé dùng để diễn tả suy nghĩ và cảm xúc của bé tăng lên rất nhiều, mà còn nằm ở cách bé sử dụng các tính năng ngôn ngữ mới này, khiến bé trở nên thú vị hơn rất nhiều.

Các từ ngữ và các câu hỏi được bé sử dụng để thách thức và khám phá thế giới xung quanh. Nếu bé muốn biết thêm, thì bé cứ đặt câu hỏi, dù bạn có tâm trạng thảo luận chi tiết với bé hay không; sự huyên thuyên không ngừng của một đứa trẻ bốn tuổi lắm lời có thể làm bạn mệt mỏi và việc đưa ra những giảng giải mà bé tìm kiếm sẽ chiếm thời gian của bạn hơn trước đây rất nhiều.

Con bạn cũng có thể tường thuật lại chính xác hơn những gì bé trải qua khi không ở cùng bạn. Các cuộc đối thoại giữa bạn và bé bắt đầu có những đặc điểm giống giữa những người trưởng thành với nhau và bạn có thể bắt đầu tranh luận với bé khi không có sự đồng tình.

Những câu từ bé hay dùng ở độ tuổi này thường là “Không”, “Con không muốn làm”, và “Vì sao con không được làm việc đó?”; vì vậy, hãy chuẩn bị tinh thần sống với một đứa trẻ có khả năng và sẵn sàng nói lên những suy nghĩ của bé. Những kỹ năng giao tiếp phức tạp này cũng phản ánh sự hiểu biết tốt hơn của bé về thế giới xung quanh và về những mối quan hệ với mọi người trong thế giới của bé.

Sự thay đổi về tính cách và nhận thức của trẻ mẫu giáo hình ảnh 2

Khả năng giao tiếp và hiểu biết của bé về thế giới cũng tăng lên rất nhiều

Thích mở rộng kết bạn

Các mối quan hệ bạn bè giờ đây bắt đầu trở nên quan trọng đối với bé. Bé muốn có thật nhiều bạn và được nhiều người yêu mến, dù bé có thể không có các kỹ năng xã hội cần thiết để đạt được mục tiêu này.

Bé lúc này đang ở độ tuổi mà bọn trẻ học cách hợp tác khi chơi với nhau, san sẻ đồ chơi, và chơi các trò có luật chơi, đặc biệt là khi chúng gần đến tuổi đi học, nhưng bé cũng có thể gặp khó khăn với việc này. Một số trẻ cởi mở và dễ kết bạn hơn những trẻ khác.

Một trong những điểm đặc trưng của các mối quan hệ đồng trang lứa ở độ tuổi này là chúng thường khá mong manh – một người bạn bé chơi thân vào tuần trước có thể chỉ còn là một ký ức bị lãng quên vào tuần kế tiếp.

Và vì các bé trong độ tuổi đi nhà trẻ không phải lúc nào cũng giỏi giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình, những cuộc cãi nhau vặt vãnh là phổ biến thậm chí giữa những người bạn. Vậy nên, đời sống xã hội của một trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ có thể đầy thăng trầm.

Một phương diện xã hội khác thường bộc lộ ra là sự nhút nhát, như khi bé bình thường vốn cởi mở bỗng nhiên “bị đơ” khi bé sắp bước vào dự bữa tiệc sinh nhật của đứa bạn thân. Trong phút chốc, bé khóc lớn và quả quyết không muốn vào trong với các bạn dù bé biết mặt hầu hết những đứa trẻ trong đó. Kiểu nhút nhát bất thình lình này là thường gặp nhưng may mắn là số lần xảy ra như vậy giảm đều qua một vài năm tiếp theo.

Sự thay đổi về tính cách và nhận thức của trẻ mẫu giáo hình ảnh 3

Trẻ mẫu giáo đang ở độ tuổi học cách hợp tác khi chơi cùng nhau

Tăng tự tin

Sự tự tin của bé là rất quan trọng vì nếu cảm thấy hài lòng với bản thân, bé sẽ có dũng khí để thử làm mọi việc ít nhất một lần. Con bạn sẽ có những trải nghiệm mới trong các mối quan hệ, trong việc học hỏi và giao thiệp mỗi ngày và bé cần có sự tự tin để xử lý chúng một cách hiệu quả.
Một đứa trẻ thiếu tự tin dễ bị thoái chí khi đối mặt với một việc gì mới vì bé có thể cảm thấy thử thách có vẻ không thể vượt qua. Nhưng khi đã vượt qua được thì đó là một cảm giác tuyệt vời.

Sự tự tin của bé thay đổi nhiều và có thể cực kỳ dễ bị tổn thương. Hôm nay bé có thể cho bạn thấy bé có thể tự mặc quần áo, nhưng ngày mai lại khăng khăng mình không thể làm được nếu bạn không giúp. Hoặc có thể bé nhảy nhót hăng hái và vui vẻ trong nhà nhún cho đến khi đột nhiên bé đòi ra khỏi đó vì sợ bị thương. Bé có thể cố tránh những việc khó khăn do lo sợ không làm tốt chúng được.

Tuy vậy, bé càng đạt được nhiều thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống thì sự tự tin của bé sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Tăng học hỏi

Nhiều trẻ học các kỹ năng đọc và nhận biết con số từ sớm một cách tự phát. Chúng có thể nhận ra tên mình được viết ra và có thể hoàn thành các phép cộng rất đơn giản. Những trẻ khác cần nhiều sự hỗ trợ hơn để làm được điều này. Mỗi trẻ có tốc độ học hỏi khác nhau.

Tuy nhiên, bất kể năng khiếu tự nhiên của con bạn là gì, việc học chữ và con số vào những giai đoạn đầu sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc đời của bé.

Sự thay đổi về tính cách và nhận thức của trẻ mẫu giáo hình ảnh 4

Giúp con làm quen với chữ và số ngay từ nhỏ

Khi bé lớn lên và phát triển nhanh trong suốt những năm trước khi đi học, sự ảnh hưởng của những thay đổi này sẽ trở nên ngày càng rõ ràng hơn. Cách bé đối phó với những ảnh hưởng đó sẽ có tác động đến kiểu người mà bé trở thành.

Nếu có thể hình thành được một nền tảng cảm xúc vững chắc trong giai đoạn này của cuộc đời, bé sẽ vững vàng, tự tin, và sẵn sàng tâm lý để bắt đầu đi học.

Kiểm soát cảm xúc

Việc kiểm soát các cảm xúc và phát triển sự nhạy cảm với cảm xúc của những người khác (“trí tuệ xúc cảm”) sẽ là một cuộc đấu tranh liên tục diễn ra bên trong bé. Bé con của bạn vốn đã quen với việc bày tỏ bất cứ điều gì bé muốn vào bất kỳ lúc nào bé thích. Khi còn rất nhỏ, bé khóc khi muốn được cho ăn mà chẳng hề nghĩ gì đến ai cả. Khi bắt đầu chập chững biết đi, bé ăn vạ khi không được làm những gì bé muốn.

Nói cách khác, bé trút các cảm xúc hết ra tại thời điểm chúng nảy sinh, mà không cố gắng kiềm chế chúng hay nghĩ ngợi gì đến việc chúng có tác động thế nào đến những người xung quanh. Giờ đây, điều đó đã thay đổi.

Ví dụ, bé sẽ thấy rằng bạn bè tránh xa bé khi bé mất bình tĩnh, hoặc rằng bạn nổi giận khi bé không làm những gì được yêu cầu. Kết quả là bé sẽ cố gắng nhiều hơn để kiểm soát được các cảm xúc của mình – dù một số trẻ gặp khó khăn trong việc này.

Cơn giận của một đứa trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ có thể dễ dàng tiến triển mạnh lên đến lúc bùng nổ. Bé ăn vạ khi sự giận dữ dâng trào đến mức bé không còn kiểm soát được. Mặc dù hầu hết các trẻ kiềm chế được cơn giận một cách hiệu quả ở thời điểm bắt đầu đi học; vào thời điểm này, một đứa trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đang điên tiết có thể là một vấn đề khá nan giải đối với bất kỳ ai.

Không có gì phải nghi ngờ rằng một đứa trẻ có khả năng kiểm soát hiệu quả mọi cảm xúc của mình (tích cực và tiêu cực) và bày tỏ sự cảm thông với các cảm xúc của người khác thường có nhiều trải nghiệm sống thú vị hơn.

Một đứa trẻ có ít khả năng kiểm soát cảm xúc dễ gặp những thái cực cảm xúc gây mệt mỏi. Bạn sẽ nhận thấy có những lúc bé cố gắng giữ kiểm soát vì dù bé muốn làm và nói chính xác những gì bé muốn, nhưng bé vẫn thành công trong việc chế ngự những cảm xúc mãnh liệt của mình.




  1. How Children Develop During the Preschool Years. Đọc thêm tại: < http://extension.missouri.edu/p/GH6122>. [Ngày 26 tháng 12 năm 2015].
  2. Richard Woolfson, 2015, Your preschooler bible, Octopus Publishing Limited, 2nd edition, page 14 – 16.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com