Trẻ sơ sinh đầy bụng trong những ngày đầu mới sinh hoặc cũng có thể chấn thương trong quá trình mẹ vừa sinh nở đấy mẹ ạ. Bé nào được hỗ trợ kẹp Forcep trong quá trình sinh nở của mẹ có thể vẫn còn những vết đỏ hay xước trên mặt hoặc đầu nữa cơ. Mẹ nhớ để ý để chăm sóc trẻ sơ sinh cho phù hợp nhé.
Trẻ sơ sinh đầy bụng
Trong những ngày đầu sau khi sinh, khá nhiều trẻ sơ sinh đầy bụng và có biểu hiện bụng phình ra, đặc biệt sau khi được mẹ cho bú nhiều. Tuy nhiên giữa những cữ bú, bụng của bé lại khá mềm. Nếu thấy bụng trẻ sưng và cứng, đồng thời nếu trẻ không đi đại tiện hơn 1 hoặc 2 ngày hoặc bị ói, hãy đưa bé đi bác sĩ ngay.
Nhiều khả năng nguyên nhân gây ra vấn đề trẻ sơ sinh đầy bụng là do trướng hơi (trướng khí) hoặc táo bón, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề đường ruột nghiêm trọng hơn đó mẹ ạ.
Chấn thương nhẹ sau khi sinh
Bé bị chấn thương trong quá trình mẹ sinh nở là điều có thể xảy ra, đặc biệt nếu thời gian mẹ đau đẻ kéo dài hoặc bị sinh khó, hay do kích cỡ của bé quá lớn.
Một số bé hồi phục rất nhanh nhưng cũng có một số bé cần nhiều thời gian hơn. Chấn thương thường xảy ra nhất là bị gãy hay tổn thương một xương đòn, nhưng xương của bé sẽ nhanh chóng lành lại nếu cánh tay phía bị gãy được tương đối cố định. Sau vài tuần, trẻ sơ sinh có thể sẽ có vài cục u nhỏ xuất hiện chỗ bị gãy, nhưng mẹ đừng quá hốt hoảng, vì đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy xương mới đang hình thành để liền vết thương.
Bị yếu một vài nhóm cơ cũng là một trong các chấn thương khi sinh phổ biến, xảy ra trong quá trình đau đẻ bởi dây thần kinh liên kết cơ bắp bị chèn ép hoặc co giãn. Những cơ mặt, vai hay tay bị yếu sẽ trở lại bình thường sau vài tuần. Trong thời gian này, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách chăm sóc và tư thế bế bé để bé mau lành hơn.
Chấn thương do những dấu kẹp forcep ở trẻ sơ sinh
Khi những chiếc kẹp Forcep được sử dụng để giúp mẹ trong quá trình sinh em bé, chúng có thể để lại những vết đỏ hoặc thậm chí những vết xước trên mặt hoặc đầu trẻ sơ sinh – nơi bé bị chiếc kẹp kim loại này ấn vào da. Những vết này thông thường sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Thi thoảng một vài vết u xuất hiện ở khu vực này do những chấn thương tới mô dưới da nhưng rồi cũng sẽ biến mất trong khoảng 2 tháng.
Bất kỳ khi nào bố mẹ cảm thấy có gì bất thường với con mình như: chấn thương cơ thể, đầy hơi trẻ sơ sinh dù nặng hay nhẹ, bố mẹ hãy mang con tới bác sĩ để khám nhé, cẩn tắc vô áy náy mà.
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA. Trang 150 – 155.
- Infant and newborn care. Tham khảo tại: [http://www.gbhealthwatch.com/infantandnewborncare-details.php] [Ngày 25 tháng 8 năm 2015]