Nuôi con

Trẻ vượt qua nỗi đau khi mất người thân như thế nào?

Vượt qua nỗi đau khi mất người thân là việc rất khó khăn, đặc biệt là đối với một đứa trẻ. Trẻ có thể trở nên trầm cảm, thay đổi hành vi,…và đôi khi lạm dụng rượu bia để quên đi sự mất mát này.

Trẻ hiểu gì về cái chết?

Lúc 5 tuổi: Trẻ nghĩ cái chết là một giấc ngủ sâu, người ngủ cuối cùng rồi cũng sẽ tỉnh lại, giống như cô công chúa trong truyện Công chúa ngủ trong rừng.

Khi trẻ 7 tuổi: Trẻ tin rằng chỉ có ông, bà và những người lớn tuổi mới có thể bị bệnh và qua đời, những chuyện này sẽ không xảy ra với trẻ nhỏ hoặc cha mẹ của chúng.

Khi trẻ 12 tuổi: Trẻ đã nhận thức đầy đủ về cái chết như người trưởng thành, trẻ hiểu rằng cái chết có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào và với bất kì ai.

Trẻ sẽ phản ứng như thế nào với sự ra đi của người thân

Thanh thiếu niên thường cảm thấy đau buồn và khó vượt qua nỗi đau khi mất người thân hơn người lớn, đặc biệt là khi cha hoặc mẹ của các em qua đời.

Theo Thang đo các sự kiện thay đổi cuộc sống của thanh thiếu niên (ALCES) mà các chuyên gia về sức khỏe tâm thần dùng để xác định các sự kiện gây căng thẳng nhiều nhất ở thanh thiếu niên, cái chết của cha mẹ là nguyên nhân gây căng thẳng nhất ở trẻ, thứ hai là cái chết của anh chị em và theo sau là cái chết của bạn bè. Nguyên nhân là vì thanh thiếu niên rất nhạy cảm về cách mà mọi người nhìn trẻ, trẻ có thể cảm thấy vô cùng lúng túng khi bày tỏ sự đau buồn và cố gắng che giấu cảm xúc của mình.

Sự đau buồn có thể được thể hiện theo một trong những cách dưới đây:

  • Trầm cảm
  • Thay đổi cách ứng xử hoặc có những hành vi bốc đồng
  • Cách cư xử “hoàn hảo”
  • Suy giảm kết quả học tập
  • Từ chối đến trường
  • Uống rượu hay dùng ma túy để quên đi nỗi đau tinh thần

Trẻ vượt qua nỗi đau khi mất người thân như thế nào

Trẻ có thể lạm dụng các chất gây nghiện như là cách để vượt qua nỗi đau khi mất người thân

  • Tìm kiếm sự khuây khỏa qua việc quan hệ tình dục
  • Ăn quá ít hoặc quá nhiều
  • Ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Có các triệu chứng cơ thể bất thường.

“Trở nên bận tâm hơn về các triệu chứng cơ thể là một điều khá phổ biến. Khi người thân mất đi, một người có thể tự hỏi rằng liệu họ cũng có những vấn đề y khoa như vậy hay không”, bác sĩ Morris A.Wessel (Hoa Kỳ) giải thích.

Cũng theo bác sĩ Wessel, tất cả những than phiền về triệu chứng của cơ thể nên được xem xét kĩ càng. Có bằng chứng cho rằng trầm cảm và đau buồn kéo dài có thể ức chế hệ thống miễn dịch, do đó làm giảm sức đề kháng với các bệnh truyền nhiễm.

Khi người thân qua đời, một phản ứng khác của trẻ có thể làm cho cha mẹ hiểu nhầm rằng con đang đối mặt tốt với sự mất mát và vượt qua nỗi đau dễ dàng, đó là: không có phản ứng tiêu cực một cách rõ ràng với tất cả mọi chuyện.

Trong thực tế, trẻ có thể học tốt hơn hoặc đắm mình trong các hoạt động thể thao và sở thích riêng. Nguyên nhân thật sự là trẻ đang dùng cơ chế phòng vệ. Khu vực vô thức đang nỗ lực để chuyển đổi những cảm xúc mạnh mẽ của trẻ thành những hành động được xã hội chấp nhận. Và trẻ tập trung vào những việc mà các em cảm thấy thoải mái, như là một cách hiệu quả để kiểm soát cuộc sống đã bị đảo lộn.




  1. Donald E. Greydanus, M.D., FAAP, Editor-in-chief and Philip Bashe, 2003, Caring for Your Teenager, Bantam Books, USA
  2. Death and Grief. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/teen/your_mind/emotions/someone_died.html#>. [Ngày 21 tháng 7 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com