Nuôi con

Vì sao trẻ ganh tị với anh chị em ruột của mình?

Việc trẻ ganh tị và xích mích với anh chị em ruột của mình là điều thường thấy ở các gia đình. Một trong những nguyên nhân chính của việc này là giành tình yêu và thu hút sự chú ý của cha mẹ. Cùng tìm hiểu rõ hơn ở bài viết sau để có cách giải quyết mâu thuẫn giữa các con nhé!

Hầu như gia đình nào cũng từng xảy ra sự ganh đua giữa các anh chị em với nhau. Mặc cho cha mẹ cố tìm cách giải quyết mâu thuẫn và cố gắng giữ hòa khí trong gia đình, các con vẫn cãi nhau, tranh dành đồ chơi, trêu ghẹo hoặc đánh nhau. Những việc này là hoàn toàn bình thường.

Lòng ganh tị và sự xích mích giữa anh chị em ruột với nhau là một phần ký ức của tuổi thơ và cũng là điều cần thiết trong cuộc sống gia đình. Sự ganh đua có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Trẻ cùng giới tính, chung sở thích và bằng tuổi nhau có nguy cơ ganh đua nhiều hơn.

Trẻ ganh tị với nhau, nguyên nhân từ đâu?

Hầu như gia đình nào cũng từng xảy ra việc trẻ ganh tị với anh chị em ruột của mình. Nguyên nhân do đâu, chúng ta cùng tìm hiểu để có cách giải quyết tốt nhé!

Sự quan tâm chú ý

Một trong những nguyên nhân chính khiến các con ganh đua và tị nạnh nhau là việc giành tình yêu và thu hút sự chú ý của cha mẹ. Cha mẹ rất quan trọng với trẻ và trẻ không muốn chia sẻ với ai cả, đặc biệt là anh chị em ruột của mình. Cha mẹ càng bận rộn thì càng ít thời gian dành cho từng đứa con.

Khi một thành viên mới vừa chào đời, trẻ thấy mình mất vị trí “trung tâm của sự chú ý” và có thể trẻ sẽ khó chấp nhận điều đó. Hoặc đôi khi, sự chú ý của cha mẹ tập trung vào một trẻ đang bị ốm hay có nhu cầu đặc biệt (như là trẻ bị khuyết tật), điều này cũng làm cho những trẻ khác cảm thấy khó chịu. Trẻ sẽ cư xử không đúng đắn nếu cảm thấy mình bị bỏ rơi. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy có cách giải quyết mâu thuẫn giữa các con một cách khéo léo nhé.

Sự chia sẻ

Ở hầu hết các gia đình, anh chị em phải chia sẻ “tài sản” của mình cho nhau. Việc từ bỏ hoặc nhường một thứ đồ chơi ưa thích cho người khác có thể sẽ rất khó khăn với trẻ nhỏ. Và do đó, một số cuộc chiến tranh giành đồ chơi xuất hiện là do đây.

vi-sao-tre-ganh-ti-voi-anh-chi-em-ruot-cua-minh-hinh-anh1

Cuộc chiến tranh giành đồ chơi hay xuất hiện ở các anh chị em ruột

Tính cách của trẻ

Anh chị cả có thể bướng bỉnh trong khi em út thì hay im lặng và sống nội tâm. Sự khác biệt về tính khí có thể dẫn đến việc các con cãi nhau. Khác biệt về độ tuổi và giới tính cũng dẫn đến những xung đột tương tự như vậy.

Vấn đề công bằng

Trẻ em được ví như những luật sư tí hon, luôn đòi hỏi sự công bằng, bình đẳng và đấu tranh để có được những thứ trẻ nghĩ đáng ra thuộc về mình.

Đứa em có thể phàn nàn về chuyện chị gái được đi xem ca nhạc, trong khi mình phải ở nhà một mình; trong khi chị gái lại than rằng mình phải ở nhà trông em cả ngày mà không được đi chơi với bạn. Cảm giác đối xử không công bằng có thể khiến trẻ ganh tị và giận hờn các trẻ khác đấy.

Bắt chước

Trẻ học cách giải quyết vấn đề và cách phản đối dựa trên những gì cha mẹ làm. Do đó, nếu vợ chồng bạn thường xuyên cãi nhau, lớn tiếng, thậm chí là dùng bạo lực với nhau khi giải quyết một chuyện gì đó thì trẻ sẽ bắt chước theo để áp dụng với anh chị em của mình.

Mặt tích cực và tiêu cực khi trẻ ganh tị với anh chị em ruột của mình

Giữa anh chị em không chỉ có ganh đua mà còn có tình bạn. Trẻ có thể coi anh chị em của mình là bạn bè, một người để tâm sự, bảo vệ lẫn nhau. Nhờ giao tiếp với anh chị em trong nhà, trẻ học cách giao tiếp với thế giới bên ngoài. Khi lớn lên, trẻ sẽ có chung nhiều kỉ niệm và kí ức, những điều mà trẻ sẽ mang theo suốt cuộc đời mình.

Bên cạnh đó, chuyện ganh đua giữa các bé cũng có mặt tốt của nó. Chính những lúc như thế, trẻ sẽ tìm cách để chứng minh bản thân mình vượt trội hơn so với người khác, đòi quyền lợi cho bản thân và bộc lộ những khía cạnh khác nhau trong các mối quan hệ của con người. Ngoài ra, trẻ cũng học được cách bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, bảo vệ bản thân và tìm ra giải pháp từ việc tranh luận.

Về mặt xấu, sự tự tin của trẻ có thể bị xúc phạm nếu như trẻ thường xuyên bị làm cho căng thẳng, bị xem thường, bị bắt nạt bởi chị gái hoặc anh trai của mình. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ thấy mình vô giá trị, không được yêu thương. Nếu trẻ thường bị đánh đập, sức khỏe của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, nếu việc ganh đua vượt quá giới hạn và không có cách giải quyết tốt thì mỗi thành viên và cả gia đình đều bị ảnh hưởng.

vi-sao-tre-ganh-ti-voi-anh-chi-em-ruot-cua-minh-hinh-anh2

Việc ganh đua nhiều khi cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ đấy cha mẹ ạ

Tìm sự hỗ trợ chuyên nghiệp nếu xung đột quá nghiêm trọng

Nếu xung đột giữa anh chị em quá nghiêm trọng thì cần tìm đến nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp. Hãy tìm sự giúp đỡ nếu xung đột:

  • Rất nghiêm trọng có thể ảnh hưởng  đến hạnh phúc gia đình
  • Tạo ra một mối nguy hiểm thực sự, gây tổn hại về thể chất của bất kỳ thành viên nào trong gia đình
  • Tổn thương đến lòng tự trọng hay hạnh phúc của một thành viên nào đó trong gia đình
  • Có thể liên quan đến những vấn đề khác, chẳng hạn như trầm cảm

Khi trẻ lớn dần thì việc ganh đua cũng giảm, vì các em bắt đầu có nhiều mối quan tâm bên ngoài gia đình hơn. Tuy nhiên, ở nhiều gia đình thì sự ganh đua không giảm đi do trẻ lớn có khả năng lý luận và khỏe hơn nên gây hấn nhiều hơn. Tuy vậy, nỗ lực của bạn để trẻ có thể hợp tác là vô cùng quan trọng đấy.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Sibling Rivalry. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/parenting/guide/sibling-rivalry>. [Ngày 30 tháng 9 năm 2015]
  2. Sibling Rivalry. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/parenting/guide/sibling-rivalry?page=2>. [Ngày 30 tháng 9 năm 2015]
  3. Sibling Rivalry. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/positive/family/sibling_rivalry.html#>. [Ngày 30 tháng 9 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com