Nuôi con

“Tâm sự” của một em bé 2 tháng tuổi

Sự phát triển trí tuệ cảm xúc và khả năng tương tác xã hội của trẻ sơ sinh sẽ biểu hiện bằng những hành động như: cười, khóc, la hét…

Trong giai đoạn tuổi này ba mẹ nên kiên nhẫn, không nổi nóng khi bé khóc hoặc có những phản ứng khó chịu cũng như luôn để ý đến các biểu hiện của bé để hiểu được bé muốn gì.

Câu chuyện về sự phát triển trí tuệ cảm xúc và khả năng tương tác xã hội của trẻ sơ sinh

Khi mới lọt lòng mẹ, não của tớ chỉ như một tờ giấy trắng. Tớ đã phải quan sát và học rất nhiều để có thể “giao tiếp” với mọi người đấy. Dần dần tớ biết cách thể hiện một vài hành động để mọi người hiểu được nhu cầu của mình như cười toe toét khi mẹ đùa, nhăn mặt khi ị, hoặc khóc khi đói nè.

Đến 2 tháng tuổi, ngoài lúc ngủ thì phần lớn thời gian tớ đều dành để quan sát và lắng nghe mọi người xung quanh

Rồi tớ phát hiện ra mình có thể cử động đôi môi bé xíu để “tám” với cả nhà. Tớ nói và cười nhiều hơn nhằm gây sự chú ý kêu gọi mọi người quan tâm và chơi với tớ.

Nhưng mà tớ hơi bị chảnh đó, vì không phải ai tớ cũng cười đùa đâu. Tớ chỉ cười với những người thân quen hàng ngày với tớ như mẹ, bố, ông, bà, anh. Đó là những người chăm bẵm tớ, cho tớ bú, ru tớ ngủ và chơi với tớ hàng ngày và tớ cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh họ. Vì thế tớ mới “nói chuyện”, cười đùa với họ.

Đối với người lạ, tớ chỉ nhìn họ chằm chằm để dò xét hay chỉ mỉm cười “xã giao” thôi. Thế ra ở độ tuổi này, tớ đã phân biệt người thân người lạ rồi đấy nhé. Vào khoảng 3 – 4 tháng tuổi, tớ bắt đầu bị hấp dẫn bởi những bạn bé cùng lứa tuổi. Khi nghe giọng cậu hàng xóm oang oang đâu đó, tớ sẽ cố gắng ngoáy đầu để tìm ngay.

Sự phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ sơ sinh, bạn có biết?

Bé học cách thể hiện cảm xúc như thế nào?

Tớ cũng khám phá ra mình là “trung tâm vũ trụ” của cả nhà nên mọi người sẽ bày trò cho tớ vui, vỗ về tớ, cho tớ ăn và làm cho tớ cảm thấy thoải mái nhất. Tớ thấy thật dễ chịu khi ai đó cười với mình và tớ cũng có thể cười đáp lại họ.

Hôm trước, hai bố con tớ chơi đùa với nhau rất vui, tớ cười nhiều ơi là nhiều. Còn khi mẹ bế tớ trên tay và nhìn tớ âu yếm thì tớ cũng nhìn lại mẹ lâu thật lâu. Bàn tay nhỏ xíu của tớ còn chạm vào gương mặt hiền lành của mẹ nữa. Tớ có thể nghe tiếng mẹ từ xa và nhìn quanh phòng để tìm mẹ.

Nhiều khi tớ nằm ì ra đó đợi mẹ cười trước rồi tớ mới cười theo và sau đó tớ sẽ bắt chước cách mẹ nói khi cười, mắt và miệng mẹ mở lớn hơn, thậm chí tớ thích bắt chước mẹ thè lưỡi ra nữa cơ đấy. Mỗi khi cho tớ ti no nê xong, mẹ để tớ nằm trong nôi, tự chơi một lúc rồi mẹ sẽ dỗ tớ ngủ. Mẹ luôn trò chuyện chơi đùa với tớ, không bao giờ ngó lơ mà luôn tập trung vào tớ nhìn mẹ.

Việc làm tưởng chừng đơn giản này lại là nền móng cho sự phát triển lòng tự trọng của tớ đấy. Lại có khi nằm một mình, tớ chơi với tay và chân của mình. Tớ đưa tay lên ngắm nghía hoặc có khi cầm chân cho vào miệng nữa cơ. Nhưng hễ mẹ đưa tay về phía tớ là tớ cầm lấy tay mẹ. Lúc mẹ lắc lắc cái lục lạc có chuông, tớ nghe tiếng leng keng và tìm kiếm nơi phát ra âm thanh ấy. Tớ vui vẻ chạm những ngón tay bé xíu của mình vào cái lục lạc xinh xinh ấy.

Vì biết mình được cả nhà cưng chiều nên nhiều lúc tớ làm nư dữ lắm. Khi trong người không được khỏe là tớ khóc oa oa, la hét hay chân tay quơ lung tung khiến bố mẹ lo lắng và phải tìm nguyên nhân xoa dịu cơn bộc phát của tớ. Thường chỉ khi nào tớ bệnh hay buồn ngủ hoặc đói bụng thì tớ mới quấy khóc thôi.

Những điều cần lưu ý về cảm xúc và khả năng tương tác của bé trong giai đoạn 1 đến 3 tháng tuổi

  • Bắt đầu phát triển nụ cười giao tiếp xã hội.
  • Thích chơi đùa với mọi người và bé sẽ khóc nếu bị ngừng trò chơi đột ngột.
  • Phản ứng và biểu cảm hơn với khuôn mặt và cơ thể.
  • Bắt chước một số động tác và biểu cảm của khuôn mặt.
  • Dễ dỗ dành hơn bởi những người thân quen
  • Ngậm các ngón tay
  • Có thể phân biệt người lạ và người quen nên cách giao tiếp của bé với người quen và người lạ hoàn toàn khác nhau.
  • Khóc là cách giao tiếp khi bé khó chịu, đói hay buồn ngủ.


  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA. Page 210
  2. PBS, Social and emotional development. Đọc thêm tại: <http://www.pbs.org/wholechild/abc/social.html>. [Ngày 20 tháng 7 nắm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com