Chăm sóc bà bầu

Khám phá sự phát triển của thai nhi theo tuần

Quá trình phát triển của thai nhi từ một cái trứng bé tí tẹo đã dần hình thành 1 em bé hoàn chỉnh thực sự là 1 điều tuyệt diệu. Mẹ có tò mò về sự phát triển của thai nhi theo tuần? Bé sẽ lớn lên từng ngày thế nào? Và mẹ cần làm gì để bé luôn khỏe mạnh? Hãy cùng điểm qua vài thông tin sau nhé!

>> Có dịch vụ tra cứu phòng khám sản khoa này rồi các mẹ bầu khỏi lo lắng khi đi khám thai nữa nhé!

Lúc mang thai, mẹ có thể cảm thấy đầy thích thú và xúc động khi nghĩ đến việc em bé đã lớn đến mức nào rồi ở trong bụng mình. Từ nhịp đập đầu tiên của tim bé, đến cái ngày bé sẵn sàng để bước ra thế giới bên ngoài, sau đây là những mốc thời gian quan trọng mà bé yêu của mẹ sẽ trải qua trong khi vẫn cư trú ở tử cung (dạ con) của mẹ.

Tất nhiên là quá trình phát triển của thai nhi theo từng tuần trong bụng mẹ là khác nhau, nên dưới đây chỉ là quy tắc tổng quát cho sự phát triển của thai nhi theo tuần mà thôi.

Tam cá nguyệt đầu tiên

Sự phát triển của thai nhi tuần 1
Đối với hầu hết phụ nữ, sẽ rất khó để phát hiện mình mang thai trong tuần đầu tiên, thậm chí là tuần thứ 2. Thực sự thì lúc này mẹ vẫn chưa mang thai đâu; Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa vẫn sẽ tính tuần đầu của thai kỳ bắt đầu kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối của mẹ. Lý do là vì thường khó mà biết được chính xác thời điểm rụng trứng của mẹ, và vì vậy mà cũng không biết được khi nào thì trứng được thụ tinh bởi tinh trùng.

Trong tuần đầu tiên của thai kỳ, em bé vẫn chưa xuất hiện trong tử cung của mẹ nhưng mẹ đừng lo vì con sẽ nhanh chóng thành hình thôi.

Sự phát triển của thai nhi tuần 2
Thực sự thì lúc này em bé còn chưa tồn tại, nhưng mẹ sẽ rụng trứng vào đầu tuần 2. Nếu có một tinh trùng xâm nhập, trứng sẽ được thụ thai trong vòng 12 – 24 giờ sau đó. Đây là một sự gặp gỡ sinh học đơn giản nhưng lại là khởi nguồn cho một chuỗi những quá trình ngày càng phức tạp và kết quả là một sinh mệnh mới nếu mọi việc đều diễn ra tốt đẹp.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh1

Sự phát triển của thai nhi tuần 3
Khi tinh trùng gặp trứng, sự thụ tinh xảy ra và bắt đầu sự hình thành của thai nhi – lúc đầu chỉ là một nhóm rất ít các tế bào. Trứng đã được thụ tinh được gọi là một hợp tử, nó di chuyển từ ống dẫn trứng xuống tử cung, nơi nó sẽ tiếp tục phát triển. Dù vậy, có khả năng mẹ vẫn chưa hề hay biết rằng mình đã có thai trong một vài tuần đầu.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh2
Sự phát triển của thai nhi tuần 4
Quả cầu nhỏ các tế bào được gọi là phôi nang – mà sau này sẽ là em bé – tách ra để tạo nên bánh nhau và phôi thai. Phần tủy sống (ống thần kinh) và não sơ khai sẽ phát triển, từ đó cho phép các cơ quan cơ thể của em bé bắt đầu thành hình. Các thể sơ khai của bánh nhau và dây rốn cũng sẽ bắt đầu làm việc và vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy đến em bé.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh3
Sự phát triển của thai nhi tuần 5
Cơ thể của bé yêu con mẹ lúc này có kích thước chỉ khoảng hạt mè, và thai nhi trông vẫn giống một con nòng nọc hơn là một con người. Trong thời gian đầu quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ đang diễn ra mạnh mẽ, phần ruột, tim và hệ thống tuần hoàn của bé cũng bắt đầu phát triển và chân tay bé cũng bắt đầu ló dạng. Và một điều mẹ nên biết là giờ mức hooc-môn hCG của mẹ đã tăng đủ cao để xác nhận “tin mừng” với cách thử thai tại nhà như dùng que thử thai.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh4
Sự phát triển của thai nhi tuần 6
Ở thời kỳ này, các chi tiết trên khuôn mặt bé như mắt và lỗ mũi đang bắt đầu thành hình. Các đầu chi trông cũng rõ ràng hơn, mô xương và cơ cũng đang dần được tạo nên. Trái tim bé bỏng của thai nhi bắt đầu đập đều đặn để bơm máu với tốc độ gấp 2 lần nhịp tim bạn.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh5
Sự phát triển của thai nhi tuần 7
Kích cỡ của bé giờ bằng quả việt quất, tức là gấp đôi tuần trước đấy. Ngay ở thời điểm này của quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, chẳng có gì phát triển nhanh hơn não bộ của bé ngoại trừ hai bầu ngực đang tê đau của mẹ cả. Thai nhi 7 tuần tuổi vẫn còn đuôi, đôi bàn tay và bàn chân bé xíu trông giống mái chèo hiện đang ló ra từ các chi.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh6
Sự phát triển của thai nhi tuần 8
Đến lúc này, đuôi phôi thai nhi đã sắp rụng rồi. Các cơ quan của bé con bắt đầu làm việc và các chồi vị giác cũng đang hình thành trên lưỡi bé. Thai nhi 8 tuần tuổi thậm chí còn có thể gập cong cổ bàn tay. Vì bé bắt đầu cử động được trong tử cung, mẹ có thể bị ốm nghén, khiến mẹ phải tức tốc chạy vào nhà vệ sinh đấy.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh7
Sự phát triển của thai nhi tuần 9
Kích cỡ bé khoảng quả nho. Bé yêu của bạn giờ đây đang bận rộn phát triển cơ, và bắt đầu có hình hài trông giống một người tí hon hơn, với mắt cá chân, các ngón tay và ngón chân. Vẫn còn quá sớm để biết được giới tính của thai nhi 9 tuần tuổi, nhưng các bộ phận sinh dục cũng đang bắt đầu hình thành.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh8
Sự phát triển của thai nhi tuần 10
Phôi thai trong bụng mẹ bây giờ đã chính thức là một bào thai, và bé có thể cử động các chi. Các cơ quan quan trọng của cơ thể bé như thận, ruột, não bộ và gan giờ đã hoạt động đầy đủ chức năng. Con của mẹ thậm chí còn bắt đầu có những móng tay, móng chân bé tí ti nữa đấy. Việc mà thai nhi 10 tuần tuổi phải làm ở tuần này là tích cực phát triển các xương và sụn.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh9
Sự phát triển của thai nhi tuần 11
Thai nhi 11 tuần tuổi gần như đã có hình hài đầy đủ. Bé phát triển tăng cả về chiều dài và sức mạnh, các xương của bé cũng bắt đầu cứng cáp hơn. Và dù vẫn còn quá sớm để mẹ có thể cảm nhận được nhưng hiện giờ bé đã có thể nấc cụt rồi đấy nhé!

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh10
Sự phát triển của thai nhi tuần 12
Não bộ của thai nhi 12 tuần tuổi tiếp tục phát triển, rèn luyện các khả năng phản xạ mới của bé. Con yêu của mẹ thậm chí còn vặn mình khi mẹ lấy tay chọc nhẹ ở bụng nữa đấy, dù mẹ khó có thể cảm thấy được điều đó vào giai đoạn này. Ngoài ra, bé còn có thể cong các ngón tay và chân, mắt và tai của bé gần như đã ở vào đúng vị trí sau cùng.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh11
Sự phát triển của thai nhi tuần 13
Các ngón tay bé xíu của thai nhi 13 tuần tuổi giờ có các vân tay, và các mạch máu cùng các cơ quan nội tạng của bé có thể thấy được qua lớp da mỏng manh. Nếu mẹ mang thai bé gái thì các buồng trứng của bé hiện có hơn 2 triệu trứng lẫn đấy nhé.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh12

Tam cá nguyệt thứ 2

Sự phát triển của thai nhi tuần 14
Chân mày và lông tóc của bé đang bắt đầu mọc ra và gương mặt cũng dần có khả năng biểu cảm. Ngoài ra, thai nhi 14 tuần tuổi còn có thể mút tay. Bộ phận sinh dục của bé con lúc này đã phát triển đến độ đôi khi có thể tiết lộ giới tính của bé qua ảnh chụp siêu âm. Tuy nhiên, mẹ hầu như chưa thể biết chắc chắn được.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh13
Sự phát triển của thai nhi tuần 15
Kích cỡ của bé hiện chừng một quả táo. Các mí mắt của thai nhi 15 tuần tuổi vẫn đang nhắm chặt nhưng bé con vẫn có thể cảm nhận được ánh sáng. Vậy nên, nếu mẹ rọi đèn pin vào bụng, bé sẽ dịch chuyển để tránh ánh đèn đấy.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh14
Sự phát triển của thai nhi tuần 16
Giờ đây bé con có kích cỡ bằng khoảng một quả bơ. Và bé đang sẵn sàng cho đợt phát triển mạnh mẽ tiếp theo. Những lá phổi nhỏ xíu của thai nhi 16 tuần tuổi đã bắt đầu hoạt động, hít vào và thở ra dịch ối, còn hệ thống tuần hoàn và đường tiết niệu của bé đều đã hoạt động với đầy đủ chức năng. Bên cạnh đó, thị lực (và cả lông mi) của bé cũng đang phát triển nhanh.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh15
Sự phát triển của thai nhi tuần 17
Thai nhi 17 tuần tuổi có thể cử động các khớp; khung xương trước đây có kết cấu sụn mềm giờ đã cứng thành xương. Dây rốn thì càng dày hơn và bền hơn. Không những thế, bé con giờ đang tập mút và nuốt để chuẩn bị sẵn sàng cho lúc bú mẹ hoặc bú bình sữa.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh16
Sự phát triển của thai nhi tuần 18
Giờ thì bé đã to bằng quả ớt chuông. Đây thực sự là một khoảng thời gian thú vị, khi ảnh chụp siêu âm trong một vài tuần tới có thể cho mẹ thấy bé đạp, gập các ngón tay, và cuộn tròn. Mẹ cũng có thể biết được giới tính khi thai nhi được 18 tuần tuổi.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh17
Sự phát triển của thai nhi tuần 19
Các giác quan của bé đang dần phát triển khi các phần não bộ chịu trách nhiệm cho vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác, và xúc giác ngày càng trở nên hoàn thiện hơn và bé có thể nghe thấy tiếng mẹ nói đấy nhé. Hãy trò chuyện, hát hay đọc sách cho bé nghe nếu mẹ muốn. Đầu thai nhi 19 tuần tuổi cũng bắt đầu có ít tóc và các thận bắt đầu sản xuất nước tiểu.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh18
Sự phát triển của thai nhi tuần 20
Lúc này thì bé đã lớn bằng quả chuối. Thai nhi 20 tuần tuổi đã có thể nuốt và hệ thống tiêu hóa của bé đang sản xuất phân xu, là chất nhầy nhớt tối màu mà bé sẽ thải ra khi đi tiêu lần đầu – hoặc là vào tã hoặc ngay trong tử cung lúc mẹ sinh.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh19
Sự phát triển của thai nhi tuần 21
Giờ thì bé đã lớn bằng củ cà rốt rồi. Cử động của thai nhi 21 tuần tuổi lúc này không còn yếu ớt mà đã trở thành những cú đấm, đạp với đầy đủ lực vào thành tử cung. Mẹ có thể bắt đầu nhận ra được kiểu hình bé con chuyển động khi trở nên quen thuộc hơn với hoạt động của bé.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh20
Sự phát triển của thai nhi tuần 22
Thai nhi 22 tuần trông rất giống một em bé sơ sinh với kích thước thu nhỏ. Các chi tiết trên gương mặt như môi và lông mày trông càng rõ rét hơn, nhưng loại sắc tố sẽ quyết định màu mắt của bé con thì vẫn chưa hiện diện.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh21
Sự phát triển của thai nhi tuần 23
Tại thời điểm này của quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, khả năng nghe của thai nhi 23 tuần tuổi đã phát triển đến độ bé có thể nhận biết được giọng mẹ ngay cả khi đổi giọng, bé con còn nghe được cả nhịp tim và tiếng sôi ùng ục của bụng mẹ luôn đấy. Mẹ có thể bắt bầu cảm thấy được cử động của bé quanh thời gian này, hoặc thậm chí có khả năng còn thấy được khi bé vặn mình nữa cơ.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh22
Sự phát triển của thai nhi tuần 24
Hiện tại thì kích cỡ của bé đã dài chừng quả bắp (ngô). Não bộ của bé đang phát triển rất nhanh, và các chồi vị giác cũng đã hình thành đầy đủ. Ngoài ra, phổi của thai nhi 24 tuần tuổi cũng đang phát triển nhanh chóng để chuẩn bị cho việc hít thở không khí khi bé chào đời.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh23
Sự phát triển của thai nhi tuần 25
Lớp da nhăn nheo của thai nhi 25 tuần tuổi giờ bắt đầu được lấp đầy bởi mỡ, khiến bé con giờ trông càng giống em bé sơ sinh hơn. Bé cũng bắt đầu có tóc với đầy đủ kết cấu, màu sắc.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh24
Sự phát triển của thai nhi tuần 26
Thai nhi 26 tuần tuổi của mẹ giờ đang hít nước ối vào rồi thở ra, việc này giúp phổi bé phát triển hơn. Không những thế, những động tác hít thở này cũng là một bước thực hành cần thiết trước khi bé lọt lòng và hít thở không khí lần đầu tiên.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh25
Sự phát triển của thai nhi tuần 27
Kích thước thai nhi 27 tuần tuổi cỡ chừng bông súp lơ (bông cải trắng). Não bộ của bé con chắc chắn đã hoạt động ở thời điểm này của quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Bé ngủ và thức dậy theo những khoảng thời gian đều đặn, mở mắt và nhắm mắt. Bé cũng thường có những cơn nấc cụt và điều này đối với mẹ có thể là khá thú vị.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh26

Tam cá nguyệt thứ 3

Sự phát triển của thai nhi tuần 28
Ở thời điểm này của quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, bé dài chừng một quả cà tím lớn. Thai nhi 28 tuần tuổi có thể nhận biết được những tia sáng chói liên tục ở ngoài bụng mẹ, và thậm chí bé có thể còn quay đầu lại về phía những tia sáng đó. Các lớp mỡ đang hình thành và xương bé cũng gần hoàn thiện, dù vẫn còn mềm.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh27
Sự phát triển của thai nhi tuần 29
Ở thai nhi 29 tuần tuổi, không chỉ các cơ bắp mà hai lá phổi của bé cũng tất bật chuẩn bị để sẵn sàng hoạt động khi chào đời. Còn đầu bé thì cũng to lên hơn để có đủ chỗ cho não bộ đang phát triển.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh28
Sự phát triển của thai nhi tuần 30
Thai nhi 30 tuần tuổi giờ đang được bao phủ trong khoảng 700ml dịch ối, nhưng thể tích dịch ối sẽ giảm khi bé con lớn hơn và chiếm nhiều diện tích hơn trong tử cung của mẹ.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh29
Sự phát triển của thai nhi tuần 31
Lúc này thì bé yêu của mẹ đã lớn bằng quả dừa rồi đấy nhé. Thai nhi 31 tuần tuổi có thể quay đầu từ bên này sang bên khác. Một lớp mỡ bảo vệ được tích lũy dưới làn da bé, làm đầy cho chân và tay của bé con. Các giác quan của bé giờ cũng phát triển hơn.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh30
Sự phát triển của thai nhi tuần 32
Kích cỡ của thai nhi 32 tuần tuổi chừng khoảng củ đậu (củ sắn) lớn. Làn da của bé mềm mại và trơn mịn, và đầu thì có thể đã mọc đầy tóc rồi. Nếu mẹ đang mang thai bé trai thì các tinh hoàn của bé nhiều khả năng giờ đã di chuyển từ bụng xuống bìu đái.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh31
Sự phát triển của thai nhi tuần 33
Đến thời điểm này của quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, bé con có kích thước bằng khoảng quả dứa. Các mảnh xương sọ não của thai nhi 33 tuần tuổi chưa dính liền với nhau đâu, và vì thế mà chúng có thể dịch chuyển trong lúc đầu bé bị đè ép khi đi qua ống sinh. Những mảnh xương này sẽ không hoàn toàn hợp nhất đến tận khi bé đã trưởng thành đâu đấy.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh32
Sự phát triển của thai nhi tuần 34
Bé yêu của mẹ trông ngày càng mũm mĩm hơn, với các lớp mỡ được tích lũy nhằm giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể một khi bé chào đời. Nếu mẹ sinh non lúc này đi nữa thì tin tốt là 99% những thai nhi đã được 34 tuần tuổi có thể sống sót ngoài tử cung của mẹ, và đa số đều không gặp phải vấn đề lớn nào.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh33
Sự phát triển của thai nhi tuần 35
Giờ đây khi thai nhi được 35 tuần tuổi, trong tử cung của mẹ, mọi thứ đang được chuẩn bị sẵn sàng. Thận bé con đã phát triển đầy đủ, và gan của bé đã có thể xử lý một số chất thải rồi đấy.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh34
Sự phát triển của thai nhi tuần 36
Cân nặng của bé con đang tăng lên chừng 28g mỗi ngày. Thai nhi 36 tuần tuổi cũng đang rụng gần hết những lông tơ mềm mịn che phủ cơ thể, cùng với lớp chất gây (vernix casosa) – chất sáp màu trắng trước giờ vẫn bảo vệ cho làn da của bé cho đến tận bây giờ.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh35
Sự phát triển của thai nhi tuần 37
Khi thai nhi 37 tuần tuổi thì bé đã được xem là đủ tháng, và dường như sẽ không vấn đề gì nếu sinh bé ra trong tuần này. Tuy vậy, lý tưởng nhất thì bé con vẫn nên tiếp tục ở trong bụng mẹ thêm một vài tuần nữa để bé có cơ hội phát triển thêm chút nữa.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh36
Sự phát triển của thai nhi tuần 38
Đến thời điểm này của quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, tròng mắt của bé lúc này chưa hoàn toàn đủ sắc tố đâu nhé; vì vậy mà dù khi sinh mắt bé có màu nhạt, thì vẫn có thể trở nên đậm hơn cho đến khi bé được khoảng 1 tuổi đấy mẹ ạ.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh37
Sự phát triển của thai nhi tuần 39
Thai nhi được 39 tuần tuổi là đã đến hạn sinh và hoàn toàn sẵn sàng chui ra khỏi bụng mẹ để bước vào thế giới rộng lớn bên ngoài rồi. Tuy nhiên, nếu giờ mà bé vẫn chưa chào đời thì hầu hết các bác sỹ vẫn sẽ đợi thêm vài tuần nữa trước khi cho rằng bé quá ngày sinh.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh38
Sự phát triển của thai nhi tuần 40
Lúc này thì thai nhi đã được 40 tuần tuổi. Nếu đã qua ngày dự sinh rồi mà bé vẫn chưa chịu chui ra thì cũng không hẳn là mẹ đã bị trễ ngày quá đâu, đặc biệt khi mẹ tính ngày dự sinh chỉ dựa vào ngày của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Đôi khi, người phụ nữ rụng trứng muộn hơn dự tính.

kham-pha-su-phat-trien-cua-thai-nhi-theo-tuan-hinh-anh39
Nhưng nếu đến này dự sinh mà mẹ vẫn chưa chuyển dạ thì hầu như chắc chắn bác sỹ sẽ làm các xét nghiệm (chẳng hạn như siêu âm và đo NST để kiểm tra nhịp tim thai) nhằm đảm bảo rằng mẹ có thể an toàn tiếp tục thai kỳ.

Nếu quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ đã qua 41 tuần thì bé được coi là quá ngày sinh. Việc mang thai quá ngày dự sinh trên 2 tuần có nguy cơ khiến cả mẹ và bé gặp các biến chứng, vì vậy mà bác sỹ có thể sẽ bàn bạc với mẹ về việc kích thích chuyển dạ đấy.

Mời ba mẹ xem những thay đổi của thai nhi qua 40 tuần nè:

 



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Fetal development timeline. Đọc thêm tại: <http://www.babycentre.co.uk/a1050220/fetal-development-timeline>. [Ngày 26 tháng 05 năm 2016]
  2. Pregnancy Week By Week. Đọc thêm tại: <http://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/landing.aspx>. [Ngày 26 tháng 05 năm 2016]
  3. Fetal development week by week. Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/fetal-development-week-by-week>. [Ngày 26 tháng 05 năm 2016]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com