Mang thai tuần thứ 6, mẹ bầu vẫn nên theo khẩu phần dành cho một người mà thôi. Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo hấp thu được đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và biết được những loại thức ăn nào cần tránh trong thời gian mang thai.
>> Những thực phẩm mẹ nên ăn vào giai đoạn mang thai tuần thứ 7 và sự phát triển của bé yêu trong bụng mẹ
>> Tất tần tật mọi thông tin về sự phát triển của thai nhi theo tuần mẹ bầu cần nắm rõ
Sự phát triển của thai nhi 6 tuần tuổi
Ở thời điểm này thuộc quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, kích cỡ của bé khoảng chừng một hạt đậu xanh và cơ thể uốn cong hình chữ C. Tim của thai nhi 6 tuần tuổi đã bắt đầu đập với tốc độ khoảng 150 nhịp mỗi phút, tức là nhanh gấp đôi nhịp tim của mẹ cơ đấy.
Nếu có khả năng quan sát được bên trong cơ thể của chính mình, mẹ sẽ thấy bé con hiện sở hữu một cái đầu quá cỡ so với tỉ lệ thân hình. Các chi tiết trên khuôn mặt bé yêu của mẹ hiện đang dần hình thành, với các điểm tối sẫm chính là nơi sẽ trở thành đôi mắt, các hốc sau này là lỗ mũi và các chỗ lõm đánh dấu vị trí tai của bé.
Các đầu chi nhú ra, chính là các phần sẽ trở thành tay và chân của bé con, giờ lại càng rõ ràng hơn. Các mô xương và cơ cũng đang phát triển rồi đấy các mẹ.
Thêm vào đó, tuyến yên, là bộ phận có chức năng giải phóng các hormone, đang hình thành, cùng với cả phần còn lại của não bộ nữa.
Cuộc sống của bà bầu 6 tuần tuổi
Ở tuần thứ 6 của thai kỳ, dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy một người phụ nữ đang chính thức mang thai mới chỉ là hai vạch kẻ trên que thử thai mà thôi. Trong lúc sự phát triển của thai nhi 6 tuần tuổi với những biến đổi diệu kỳ đang diễn ra trong tử cung, mẹ có thể nhận thấy chính bản thân mình cũng có một vài thay đổi.
Tâm trạng dễ thay đổi. Nếu mẹ tự dưng thấy buồn rầu trong phút chốc rồi lại vui vẻ liền ngày sau đó thì cũng đừng lấy làm lạ vì những gì mẹ đang trải qua là hoàn toàn bình thường khi mang thai thôi nhé. Điều đó một phần là do sự thay đổi lên xuống thất thường của các hormone.
Nhưng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu mẹ cảm thấy hơi đa cảm, nếu xét đến việc cuộc sống của mẹ chắc chắn sẽ thay đổi ra sao.
Sợ mùi thức ăn. Tương tự như vài tuần trước đó, mẹ bầu vẫn sợ mùi của một số loại thức ăn. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể phụ nữ mang bầu nhằm bảo vệ thai nhi trước những thức ăn gây hại.
Mệt mỏi khi vận động. Những bài tập thể dục trước đây sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi, thở nặng nề. Vận động nhẹ hoặc kết hợp các bài tập vào những sinh hoạt hàng ngày để giúp mẹ giữ được thể trạng tốt hơn, tránh tăng cân quá mức. Vì tăng cân quá mức là điều bất lợi cho mẹ lúc sinh con.
Lưu ý cho mẹ mang thai 6 tuần
Do đa số quá trình phát triển quan trọng của thai nhi đều diễn ra từ khá sớm nên việc mẹ bầu chuẩn bị cho mình một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh ngay từ những ngày đầu mang thai (thậm chí trước đó) là rất cần thiết.
Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể thiết kế cho mình một thực đơn hợp lý hoặc xem xét liệu chế độ ăn uống của mình đã đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi hay chưa.
Và lưu ý đừng ăn cho 2 người. Mặc dù có thai là một việc rất đáng ăn mừng và mọi người thường có suy nghĩ rằng bà bầu nên cố gắng ăn càng nhiều càng tốt; nhưng thực chất việc mang thai sẽ không cho phép bạn ăn bất cứ thứ gì mà mình muốn đâu.
Trong hai tam cá nguyệt tiếp theo, có thể bạn sẽ cần phải ăn nhiều hơn một tý nhưng ở tuần thứ 6 này mẹ bầu vẫn nên theo khẩu phần dành cho một người mà thôi. Tức là mẹ chỉ cần nạp vào một lượng khoảng 2.000 calories/ ngày – con số trung bình cho đa số phụ nữ.
Những thực phẩm mẹ bầu nên ăn khi mang thai ở tuần thứ 6
Khi mang thai tuần thứ 6, chế độ ăn của bạn nên bao gồm đầy đủ tất cả các nhóm thức ăn: ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt nạc và các chất béo tốt cho sức khỏe.
Trong tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ cần bổ sung vitamin và đặc biệt là acid folic (hay còn gọi là folate). Chất này giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
Bên cạnh việc sử dụng viên uống tổng hợp, mẹ có thể ăn thêm cam, các loại rau có màu xanh đậm, củ dền, bông cải xanh để bổ sung thêm khoáng chất này.
Canxi cũng là một khoáng chất quan trọng cần bổ sung trong thời gian này. Nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển xương, răng, tim, hệ thần kinh và cơ của bào thai. Mẹ nên dùng nhiều sản phẩm làm từ sữa ít béo để bổ sung thêm lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên sử dụng thêm các viên uống bổ sung vitamin loại dành riêng cho mẹ bầu để đảm bảo rằng bé yêu của mình được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu nhé!
Những thực phẩm nên tránh ăn khi mang thai ở tuần thứ 6
Mang thai sẽ đem đến cho bạn rất nhiều khoảnh khắc hạnh phúc, nhưng đồng thời mẹ cũng phải “hy sinh” khá nhiều thứ đấy.
Khi mang thai tuần thứ 6, mẹ bầu nên tránh ăn các loại thực phẩm sống như thịt, cá hoặc trứng chưa được nấu chín kỹ, sữa tươi chưa được tiệt trùng, thịt nguội, thịt xông khói và pho mát mềm.
Tất cả những thực phẩm kể trên đều có thể ẩn chứa một số mầm bệnh nguy hiểm nhất định. Mẹ vẫn có thể uống một chút trà hay café nhưng nên tránh tuyệt đối các loại đồ uống có cồn vì chúng có thể ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển của bé.
Thực đơn tham khảo cho mẹ bầu khi mang thai ở tuần thứ 6
Mẹ bầu nên ăn đầy đủ 3 bữa chính (không quá nhiều) và 3 bữa phụ một ngày để duy trì năng lượng và đường huyết một cách ổn định. Cố gắng đảm bảo kết hợp các loại ngũ cốc nguyên hạt với protein trong mỗi bữa ăn.
- Bữa sáng: mẹ có thể dùng bột yến mạch, trái cây và một cốc sữa ít béo.
- Bữa trưa: salad gồm các loại rau củ tốt cho tim mạch trộn với thịt gà nướng.
- Và bữa tối gồm mì ống với thịt bò và rau củ.
(Thực đơn trên tuy chưa thực sự phù hợp với đa số mẹ bầu Việt Nam, vì thế mẹ có thể tham khảo và biến tấu lại sao cho hợp lý nhất mà vẫn đảm bảo được những nguyên tắc cơ bản).
Đối với các bữa phụ, mẹ nên chọn sữa chua không đường với trái cây, cà rốt, cần tây, trái cây và các loại hạt sấy khô, bơ đậu phộng, các thanh ngũ cốc nguyên cám và phô mai ít béo.
Ba mẹ xem sự phát triển của thai nhi tuần thứ 6 nè:
- Diet When Six Weeks Pregnant. Đọc thêm tại: <http://www.livestrong.com/article/359364-diet-when-six-weeks-pregnant/>. [Ngày 01 tháng 04 năm 2016]
- Fetal Development – 6 Weeks. Đọc thêm tại: <http://www.babycentre.co.uk/6-weeks-pregnant>. [Ngày 01 tháng 04 năm 2016]