Nuôi con

Phương pháp kỷ luật không nước mắt: Phạt con không dùng đòn roi!

Có những cách dạy con, phạt con không dùng bạo lực mà vẫn giúp bé nhận ra lỗi và tránh mắc phải lỗi tương tự ở những lần sau. Đó là điều mà mekhonghoanhao muốn nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ – Phương pháp kỷ luật không nước mắt – mong muốn mang lại một cái nhìn mới trong việc giáo dục và nuôi dạy con.

Đảm bảo hình phạt: Công bằng và hợp lý!

Dù trẻ có ngoan đến đâu thì cũng có lúc trẻ vi phạm những nguyên tắc mà ba mẹ đã đặt ra và bạn quyết định phạt con. Nhưng cách phạt con thế nào là điều quan trọng, phạt nhẹ nhàng nhưng con hiểu và tự giác thay đổi thay vì khiến con tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần!

Hãy nhớ, nếu bạn đã cảnh cáo trẻ rằng “Nếu con còn làm vậy lần nữa, con sẽ bị phạt” thì hãy thực hiện hình phạt khi trẻ lặp lại lỗi đó. Nếu bạn không làm đúng như vậy, trẻ sẽ nhận ra bạn chỉ nói suông, từ đó làm ngơ mỗi khi bạn cảnh báo.

Vì vậy bạn phải đảm bảo những hình phạt dành cho trẻ là công bằng (con đáng bị phạt như vậy), hợp lý (không quá hà khắc nhưng phù hợp với mức độ vi phạm) và bạn thực sự có thể thực hiện được.

Đừng mềm lòng khi trẻ bắt đầu mếu máo!

Với phương pháp kỷ luật không nước mắt. Đừng bao giờ dọa để trẻ lại một mình và bỏ đi. Tại sao ư? Điều này không chỉ sẽ khiến trẻ đau khổ mà bạn còn đang tự làm khó mình khi không thể thực hiện lời đe dọa được.

Hãy nói cho trẻ hình phạt là gì nếu trẻ không vâng lời. Cảnh báo trẻ trước, ví dụ “Nếu con làm vậy thêm lần nữa, mẹ sẽ cất không cho con chơi đồ chơi nguyên ngày hôm nay.” Nếu trẻ làm ngơ và vi phạm chính xác điều bạn vừa cấm, bạn sẽ nói “Mẹ đã nói nếu con làm vậy lần nữa, mẹ sẽ lấy đồ chơi. Và tại vì con vừa vi phạm, mẹ sẽ lấy đồ chơi của con hết ngày hôm nay. Mẹ thương con, nhưng con hư nên mẹ phải phạt.” Điều này sẽ thiết lập mối liên kết giữa hành vi của trẻ và hậu quả bị phạt.

Đừng mềm lòng đổi ý chỉ vì trẻ bắt đầu mếu máo khóc khi nhận ra mình sắp bị phạt. Dĩ nhiên bạn vẫn có thể ôm con và an ủi con để làm dịu ý nghĩ mình sắp bị phạt, nhưng trong hầu hết các trường hợp, bạn nên thực hiện chính xác những gì mình nói với con.

ky-luat-khong-nuoc-mat-phat-con-khong-dung-don-roi-hinh-anh1

Đừng mềm lòng khi trẻ bắt đầu mếu máo khóc

Khen và phạt con cũng cần đúng lúc, đúng cách!

Phương pháp kỷ luật không nước mắt chỉ thật sự hiệu quả khi bạn khen và phạt con đúng lúc, đúng cách. Bạn cũng nên ý thức được rằng việc phạt con sẽ không có hiệu quả nếu bị trì hoãn. Nghĩa là nếu trẻ sai quấy nhưng một lúc lâu sau mới bị phạt hoặc ngày hôm sau mới bị phạt, trẻ sẽ không nhớ là vì sao mình bị phạt nữa. Ví dụ nếu chiều đi làm về, bạn mách bố rằng buổi sáng trẻ hư này nọ, trẻ sẽ không nhớ. Hình phạt nên xảy ra càng sớm càng tốt ngay sau khi trẻ phạm lỗi.

Hãy nghĩ kỹ về cách bạn quản lý con trong một tuần. Nếu bạn nhận thấy mình phạt con nhiều hơn thưởng, hay cảm thấy mình phạt con thường xuyên quá, hãy điều chỉnh theo hướng ngược lại. Quá nhiều hình phạt sẽ tạo thành vòng xoáy khiến cả bạn và con đều khổ sở.

Áp dụng những cách thưởng và phạt có ý nghĩa với con, chứ không phải với bạn. Để làm được, bạn cần hiểu con và biết con yêu ghét những gì để tìm ra cách thưởng cũng như cách phạt con không dùng đòn roi hiệu quả nhất.

Chỉ cấm túc khi trẻ thật sự hiểu rõ nguyên nhân mình vi phạm!

Cách dạy con tuân theo phương pháp kỷ luật không nước mắt này có thể được áp dụng cho bất kỳ trẻ nhỏ nào như một trong những cách cải thiện hành vi của trẻ.

ky-luat-khong-nuoc-mat-phat-con-khong-dung-don-roi-hinh-anh2

Phương pháp kỷ luật không nước mắt – Phạt con không dùng roi vọt

Bạn bắt trẻ ngồi ở một chỗ nào đó cố định (một cái ghế chẳng hạn) và trẻ chỉ ngồi yên trong một lúc (thường cứ mỗi tuổi là 1 phút), và không được làm gì để giải trí cả. Trước khi cấm túc trẻ, bạn hãy cho trẻ biết phải làm gì hoặc không được làm gì để tránh bị cấm túc và bạn sẽ cảnh báo con một lần trước khi phạt, để cho con một cơ hội sửa đổi.

Việc cấm túc nên được áp dụng song song với những cách khuyến khích hành vi tốt khác, và chỉ nên được áp dụng khi trẻ hiểu rõ nguyên nhân vì sao mình bị phạt. Tránh cấm túc trẻ chỉ vì trẻ không ngoan một cách chung chung vì như vậy bố mẹ chưa phạt con đúng cách đâu: bé phải hiểu mình bị phạt vì lý do gì thì mới nhớ mà không tái phạm trong lần sau chứ!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

Richard Woolfson, 2015, Your preschooler bible, 2nd edtion, Octopus Publishing Group, UK, page 131-132

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com