Mẹ đảm

Xin đừng tự ý chạm vào con dù là vuốt má hay nựng yêu!

Thói quen của người lớn ở Việt Nam là hay hôn hít trẻ em, đó là cách thể hiện tình thương. Tuy nhiên chúng ta quên mất rằng, trẻ con cũng có quyền bất khả xâm phạm về mặt thân thể dù là một cái vuốt má hay nựng yêu. Do đó, bạn cần tôn trọng và hỏi ý kiến trước khi chạm vào con nít các bạn nhé.

– Cô vừa làm gì thế hả mẹ?
– Cô nựng yêu con đấy mà!
– Nhưng cô véo má con? Sao cô tự ý chạm vào con thế mẹ?

Bạn Ong rất băn khoăn hỏi tôi như thế! Đó là buổi trưa, có một cô bên nhãn hàng đưa sản phẩm qua nhà cho bố chụp bài quảng cáo, vì thấy bạn Ong dễ thương nên đã đưa tay ra vẹo má bạn mà không hỏi ý kiến bạn trước.

Nghe thực là quen thuộc phải không? hẳn trong số chúng ta ai cũng từng có ý nghĩ muốn véo má hay thơm lên khuôn mặt phúng phính của một em bé đáng yêu nào đó mà chúng ta gặp. Thế nên, tôi rất hay gặp tình trạng như thế này: mỗi lần đưa Ong đi sắm đồ, bạn ấy sẽ tự xách túi đồ đi tung tăng theo mẹ, điều này sẽ là “khá lạ” đối với đa số các cô chú bán hàng, nên khi bạn ấy đang đi, thể nào cũng có một cô lôi tay lại bảo: “ôi, bé xinh thế!” rồi vuốt má bạn 1 cái, hoặc có một chú giữ tay lại bảo: “cháu có gì đấy, chú xem nào!”, rồi tự ý mở túi đồ bạn đang cầm để săm soi…

Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, trẻ con cũng có quyền bất khả xâm phạm về mặt thân thể dù là một cái vuốt má hay nựng yêu. Những người đột nhiên nựng nịu, lôi Ong lại để thể hiện “sự thân thiện” ấy đều không hề biết được phép tắc cơ bản nhất của giao tiếp: chào trẻ, làm quen, hỏi ý kiến… do đó, họ cứ thế tuỳ tiện đưa tay ra như thể không học được cách kiểm soát vậy.

Tôi chỉ tự hỏi, chúng ta có bao giờ đi ra đường thấy một người đẹp trai, xinh gái mà dám lôi họ lại, vuốt má họ hay thơm lên má họ không? Chắc chắn là không vì chúng ta không muốn bị ăn tát bởi cách cư xử đường đột đó. Thế tại sao chúng ta lại cư xử tùy tiện với các bạn nhỏ? Có phải vì các bạn nhỏ “an toàn” và không có khả năng “cho chúng ta ăn tát”, đúng không?

Xin đừng tự ý chạm vào con dù là vuốt má hay nựng yêu

Đừng… đừng tự ý chạm vào con dù là vuốt má hay nựng yêu!

Tôi nhớ có một lần đưa Ong đi ăn, bàn ngồi cạnh là một cặp đôi đứng tuổi người nước ngoài. Họ thấy Ong thú vị nên rất muốn trò chuyện với Ong. Họ quay sang mỉm cười chào tôi trước, hỏi tôi xem họ có thể trò chuyện với Ong không. Sau khi tôi đồng ý, họ mới làm quen bằng những bước cơ bản nhất: con mấy tuổi, con tên gì, con có cái này hay thế, cô xin phép xem được không?… không phải là tôi so sánh người Việt với người nước ngoài nhưng những cái hay thì nên học. Học cách tôn trọng một em bé như một người độc lập có chính kiến.

Như cô bạn tôi, lâu ngày không gặp. Ong theo bố đi làm gặp bạn, bạn tôi rất nhã nhặn xin phép Ong cho bạn ấy ôm sau màn chào hỏi lúc ban đầu. Ong đã từ chối bởi với bé, bạn tôi vẫn là một người lớn xa lạ. Tôi luôn dạy con điều đó, ai muốn chạm vào con đều phải hỏi ý kiến bởi con cần được tôn trọng, bởi con là một con người dù trong dáng hình nhỏ bé, bởi con có chính kiến và quyền hạn của một con người.

Đó cũng là cách để tôi dạy cho con về việc phân biệt và cho phép người lạ tiếp cận con. Khi một ai đó buộc phải cân nhắc trong việc tiếp cận trẻ, nghĩa là chúng ta đã gia tăng khoảng cách an toàn cho chính con mình. Nếu ta cho phép người lạ tiếp cận con cái mình một cách dễ dãi, để con bị “xâm phạm” dễ dãi, nghĩa là chúng ta đang tạo tiền đề cho những nguy cơ khiến con bị người lạ xâm hại và dụ dỗ bắt cóc về sau.

Vì thế, dù biết rằng những sự việc xảy ra đột ngột rất khó tránh khỏi, nhưng tôi luôn dừng lại, rất nghiêm khắc nói với người đã đường đột chạm vào Ong rằng, xin hãy tôn trọng bạn nhỏ và xin đừng tùy tiện chạm vào người bạn ấy khi chưa hỏi ý kiến tôi. Tôi cũng đồng thời cúi xuống dặn con ngay trước mặt người đó: “Lần sau, con hãy nói với cô/chú, vui lòng xin phép khi muốn chạm vào người con!”.

Cho dù những người đó không hề có ý định “bắt cóc” bạn Ong, nhưng việc bị nhắc nhở sẽ giúp họ sẽ có ý thức hơn về sau. Cho dù không xảy ra điều tồi tệ, ít ra chúng ta vẫn có thể ngăn ngừa được nguy cơ lây bệnh từ người khác cho con cái mình. Tôi nhớ, bác sĩ Đoàn đã từng có lời nhắc nhở rất đáng yêu như thế này:

“Thói quen của người lớn ở Việt Nam là hay hôn hít con nít nhỏ, đó là cách thể hiện tình thương, tuy nhiên hành động này cũng có thể lây những bệnh lý đường hô hấp cho bé nhỏ. Do đó, nếu có thấy đứa bé dễ thương, các bạn có thể hôn… chân bé, hoặc hôn gió thôi nhé. Nếu hôn vào mặt trẻ, có khi ba mẹ bé cũng buồn mà không dám nói đó.”

Mong rằng chúng ta luôn nuôi con khoẻ!

Nguồn: Facebook của Uyên Bùi.


  • nghethuatamnhacsaigon.com

Facebook của Uyên Bùi.
https://www.facebook.com/yigiaochu/posts/10204947215109060

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com