Sức khỏe

Cần phát hiện sớm rối loạn Tic ở trẻ em

Rối loạn Tic (Tic disorder) là một loại rối loạn hành vi, được định nghĩa như là sự sai lệch của những vận động không chủ ý.

1. Rối loạn Tic là gì?

Tic là những âm nói hoặc cử động của cơ thể, xảy ra đột ngột, nhanh và lặp đi lặp lại. Hành động này mang tính rập khuôn nhưng không ăn khớp với nhau. Đây là những hành động mà trẻ khó có thể cưỡng lại được, tuy nhiên trẻ có thể cố gắng kìm chế cử động hoặc phát ra âm thanh trong một khoảng thời gian.

Rối loạn Tic (Tic disorder) là một loại rối loạn vận động, được định nghĩa như là sự sai lệch của những vận động không chủ ý. Dù độ nặng của rối loạn khác nhau ở từng trẻ, rối loạn Tic có thể đi kèm bới nhiều rối loạn về thần kinh vận động khác.

2. Phân loại rối loạn Tic

Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) đã định nghĩa 4 dạng rối loạn Tic trong ấn phẩm 4 của Sổ tay hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê bệnh tâm thần (DSM – IV). Theo đó, các rối loạn được phân biệt với nhau theo 3 tiêu chí: độ tuổi khởi phát, thời gian kéo dài rối loạn, số lượng và độ đa dạng các triệu chứng Tic.

Rối loạn Tic nhất thời (còn được gọi là rối loạn Tic lành tính thời thơ ấu): Các tiêu chí chẩn đoán rối loạn này chỉ rõ ra rằng trẻ phải khởi phát triệu chứng trước 18 tuổi; các cử động tic phải diễn ra nhiều lần trong ngày – hầu như mỗi ngày – trong ít nhất 4 tuần nhưng không quá 12 tháng; trẻ không mắc hội chứng Tourette hay rối loạn Tic mãn tính.

Rối loạn Tic vận động hoặc phát âm mãn tính: Để đáp ứng tiêu chí chẩn đoán dạng rối loạn này, trẻ phải dưới 18 tuổi; các cử động tic xảy ra gần như mỗi ngày hoặc không liên tục trong khoảng thời gian hơn 1 năm, giai đoạn không có triệu chứng không kéo dài quá 3 tháng; và trẻ không mắc hội chứng Tourette.

Rối loạn Tourette (Hội chứng Tourette – hay TS): Đây được xem là dạng nghiêm trọng nhất trong 4 loại rối loạn tic. Các tiêu chí chẩn đoán trong DSM – IV đã chỉ ra rằng độ tuổi khởi phát của trẻ phải dưới 18 tuổi.

Các triệu chứng tic bao gồm đồng thời cả tic vận động và tic phát âm, dù không nhất thiết phải xảy ra cùng lúc; các cử động tic phải xảy ra nhiều lần trong ngày, gần như mỗi ngày hoặc trong những thời kì kéo dài hơn 1 năm, giai đoạn không biểu hiện triệu chứng không kéo dài quá 6 tháng; có sự biến đổi về số lượng, vị trí, mức độ nghiêm trọng, sự phức tạp và tần suất của các triệu chứng theo thời gian; và các triệu chứng này không do nguyên nhân từ ảnh hưởng của một chất nào đó (như chất kích thích) hoặc bệnh về hệ thần kinh trung ương.

Rối loạn Tic không đặc hiệu: Bao gồm tất cả những trường hợp không hội đủ tiêu chí để chẩn đoán cho bất kì dạng rối loạn Tic cụ thể nào.

Cần phát hiện sớm rối loạn Tic ở trẻ em

Rối loạn Tic ở trẻ em cần sớm nhận biết

3. Triệu chứng của rối loạn Tic

Đôi khi, rối loạn Tic có thể được biểu hiện bằng các vận động đơn giản hoặc phức tạp. Tất cả các cử động tic đều diễn ra một cách vô thức và hầu như trẻ không thể kiểm soát chúng.

Các loại Tic vận động
Tic vận động đơn giản chỉ bao gồm sự hoạt động của một nhóm cơ. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nháy mắt hoặc nheo mắt
  • Nhăn mũi
  • Cử động lưỡi, ví dụ như trẻ thè lưỡi ra ngoài
  • Xoay đầu hoặc giật đầu
  • Nhảy hoặc đúng lên ngồi xuống liên tục
  • Bẻ khớp ngón tay
  • Nhún vai

Tic vận động phức tạp gồm có những hoạt động của nhiều hơn 1 nhóm cơ hoặc được tạo thành từ một nhóm các tic vận động đơn giản. Tic vận động phức tạp thường chậm hơn, và giống như là trẻ cố ý thực hiện những hành động này.

Các Tic vận động phức tạp có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày của trẻ, nhưng thường không gây nguy hại gì. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nhăn mặt
  • Cúi người xuống chạm đất
  • Chỉnh thẳng quần áo
  • Cắn môi
  • Đập đầu
  • Chạm vào người khác hoặc những đồ vật khác
  • Những hành động hoặc cử chỉ khiêu dâm

Các loại tic phát âm
Tic phát âm đơn giản là khi trẻ tạo ra những âm thanh khi không khí đi qua mũi hoặc miệng của trẻ. Các triệu chứng bao gồm:

  • Ho
  • Lẩm bẩm
  • Sủa
  • Thở rít
  • Khụt khịt mũi
  • Ngáy
  • Tằng hắng

Tic phát âm phức tạp là khi trẻ nói ra những từ, cụm từ hoặc câu. Tic phát âm phức tạp có thể ảnh hưởng đến mạch nói bình thường của trẻ, hoặc đôi khi được nói ngay đầu câu như một dạng nói lắp. Các triệu chứng bao gồm:

  • Lặp lại một âm thanh, từ hoặc cụm từ
  • Sử dụng những từ ngữ thô tục, mích lòng, hoặc những từ hay cụm từ không được xã hội chấp nhận (thường ít gặp)

4. Nguyên nhân rối loạn Tic

Vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn tic, mặc dù có thể rối loạn này có liên quan đến phần não bộ điều khiển vận động.

Rối loạn Tic thường xảy ra ở những người cùng gia đình, vì thế có thể có nguyên nhân do di truyền.

Các tình trạng sức khỏe cũng có thể góp phần gây ra rối loạn tic, dù không phổ biến. Một số các vấn đề về sức khỏe bao gồm:

  • Liệt não
  • Hội chứng Huntington
  • Tất cả các bệnh ảnh hưởng đến động mạch cung cấp máu cho não bộ

Rối loạn Tic cũng có thể là hậu quả của việc sử dụng thuốc, như cocaine hoặc amphetamine; hoặc khi ngưng sử dụng một số thuốc (còn gọi là triệu chứng thoái lui).

Đa phần rối loạn Tic diễn ra trong thời thơ ấu. Trẻ có thể trải qua những giai đoạn khá hơn và tệ hơn của bệnh. Đối với nhiều người, rối loạn Tic chỉ xảy ra tạm thời và thường có xu hướng cải thiện khi trẻ đến tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên.

Cần phát hiện sớm rối loạn Tic ở trẻ em hình ảnh 2

Rối loạn Tic cũng có thể là hậu quả của việc sử dụng thuốc, như cocaine

5. Chẩn đoán rối loạn Tic

Hỏi bệnh và khám bệnh
Các bác sĩ sẽ kiểm tra xem trẻ có tiền sử rối loạn Tic trong gia đình hay không, trẻ có từng được chẩn đoán mắc các rối loạn về phát triển hay tâm thần ở trẻ nhỏ không, gần đây trẻ có bị viêm họng hay có những nhiễm trùng tương tự hay không.

Việc khám thể chất giúp bác sĩ loại trừ những chẩn đoán có thể khác như chứng máy tay Sydenham – một rối loạn vận động tự giới hạn phổ biến nhất làm ảnh hưởng đến trẻ nhỏ từ 5 đến 15 tuổi; các dạng rối loạn vận động khác; các rối loạn co giật; viêm não; giang mai thần kinh; bệnh Wilson (một căn bệnh di truyền hiếm gặp khiến cơ thể tích tụ đồng); tâm thần phân liệt; ngộ độc carbon monoxide; nhiễm độc cocaine; tổn thương não do chấn thương; bại não hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt là chất kích thích và thuốc chống động kinh.

Các bác sĩ sẽ khó quan sát được hết những dấu hiệu tic trong buổi khám đầu tiên, do trẻ đã học được cách đè nén và che giấu chúng. Vì vậy, bác sĩ sẽ lên lịch hẹn theo dõi thăm bệnh, hoặc giới thiệu trẻ đến chuyên gia tâm thần hay thần kinh nhi để quan sát cẩn thận hơn.

Ngoài ra, có thể dùng một số phương pháp khác để phục vụ chẩn đoán như: băng ghi âm, băng video quay phim trẻ khi ở nhà hoặc trong một môi trường khác ít căng thẳng hơn.

Bảng kê tóm tắt tâm thần
Thường, các bác sĩ tâm thần nhi sẽ tiến hành Thang đo lượng giá mức độ Tic toàn cầu của Đại học Yale (YGTSS) trong suốt buổi phỏng vấn lượng giá và trong những buổi tái khám theo dõi để xác định xem rối loạn Tic cụ thể nào đang ảnh hưởng đến trẻ, xác định các rối loạn kèm theo nếu có, đánh giá mức độ triệu chứng tic và theo dõi khả năng đáp ứng của trẻ đối với chương trình điều trị.

Các xét nghiệm
Không có xét nghiệm nào để chẩn đoán các rối loạn tic, nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để loại trừ bệnh Wilson hay những rối loạn chuyển hóa khác, hoặc yêu cầu cấy trùng cổ họng nếu gần đây trẻ mới vừa bị viêm họng. Nếu các bác sĩ nghi ngờ trẻ có rối loạn PANDAS thì có thể yêu cầu xét nghiệm máu để đo mức độ kháng thể chống lại nhóm A Streptococci.

Các xét nghiệm hình ảnh
Các nghiên cứu hình ảnh không còn được thực hiện thường xuyên trên những trẻ nhỏ và vị thành niên mắc rối loạn Tic trừ khi bác sĩ nghi ngờ có chấn thương não, nhiễm trùng hay có bất thường về cấu trúc. Tuy nhiên các ảnh chụp MRI, chụp cắt lớp PET, và quét chụp cắt lớp vi tính bằng phát xạ photon đơn (SPECT) được các nhà nghiên cứu sử dụng để nghiên cứu não bộ của những bệnh nhân mắc hội chứng Tourette.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Tic Disorders. Đọc thêm tại: <http://www.minddisorders.com/Py-Z/Tic-disorders.html>. [Ngày 19 tháng 9 năm 2015].
  2. Tics. Đọc thêm tại: <http://www.healthofchildren.com/T/Tics.html>. [Ngày 19 tháng 9 năm 2015].
  3. Tics. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/Conditions/Tics/Pages/Introduction.aspx>. [Ngày 19 tháng 9 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com