Nuôi con

Giúp trẻ giữ được cá tính khi hòa nhập với bạn bè

Khi bước vào tuổi vị thành niên, trẻ có rất nhiều thay đổi. Trẻ muốn thể hiện bản thân, thử nghiệm trong nhiều vai trò, dẫn đến chuyện được gọi là “nổi loạn”. Cũng trong độ tuổi này, trẻ bắt đầu có mong muốn hòa nhập với bạn bè hơn.

Hòa nhập với bạn bè – Mong muốn lớn nhất của trẻ vị thành niên

Nhóm bạn có vai trò rất quan trọng trong lứa tuổi vị thành niên. Nhóm bạn là thiên đường – nơi mà trẻ cảm thấy được chấp nhận và được thể hiện bản thân. Nhóm bạn có thể có những tác động tiêu cực hoặc tích cực lên trẻ. Và mặc dù trong giai đoạn này trẻ dành thời gian cho bạn bè nhiều hơn gia đình nhưng cha mẹ vẫn có thể giúp con hạn chế những tác động tiêu cực từ bạn bè.

Những trẻ vị thành niên ít bị ảnh hưởng bởi áp lực bạn bè thường có ba đặc điểm chính: tự kỉ luật (“Tôi không nên làm việc này, và nếu bố mẹ tôi biết được, tôi sẽ phải nhận hậu quả”), nền tảng đạo đức mạnh (“Tôi không nên làm việc này vì đó là việc sai trái”) và một lòng tự trọng cao. Tuy nhiên, cần có thời gian để trẻ hiểu được bản thân mình. Và từ giờ cho đến lúc đó, phần lớn là trẻ sẽ nhìn các bạn khác để phản ánh giá trị bản thân mình. Sự chấp nhận hoặc từ chối của các bạn có thể giúp trẻ trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” – câu trả lời này có thể theo hướng tốt hoặc xấu.

Vì vậy, nếu cha mẹ không muốn trẻ vị thành niên quá phụ thuộc vào cách nhìn của người khác và giảm bớt phần nào các tác động tiêu cực từ những nhóm bạn lên trẻ, cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển sự độc lập và lòng tự trọng. Đây cũng là cách giúp trẻ giữ được cá tính của mình khi hòa nhập với bạn bè.

Giúp trẻ giữ được cá tính khi hòa nhập với bạn bè

Cha mẹ giúp trẻ giữ được cá tính khi hòa nhập với bạn bè bằng cách giúp con phát triển sự độc lập và lòng tự trọng

Sự độc lập của trẻ vị thành niên

Dưới đây là một vài kế hoạch hữu ích để con bạn độc lập hơn, ít chịu ảnh hưởng từ bạn bè:

Nói với con về áp lực bạn bè. Áp lực từ bạn bè có thể làm hạn chế sự độc lập của trẻ vị thành niên, dẫn đến việc trẻ hành động để làm hài lòng bạn bè, trong khi trẻ có thể không cảm thấy thoải mái. Cha mẹ nên nói với con về những lợi ích của việc thể hiện bản thân, khuyến khích con phá vỡ ảnh hưởng của bạn bè để khám phá phong cách, hoạt động và hành vi thể hiện cá tính thật của mình.

Khen ngợi khi trẻ thành công. Nếu trẻ giỏi toán, giúp đội bóng giành chức vô địch trong giải bóng chuyền hoặc vẽ một bức tranh đẹp. Bằng cách tập trung vào thành công của con, bạn có thể khuyến khích trẻ tham gia vào những hoạt động mà trẻ thấy thú vị. Một đứa  trẻ có lòng tự trọng cao sẽ giữ vững cái tôi thật của mình hơn là làm hài lòng các bạn.

Khám phá sở thích và các hoạt động của con. Khuyến khích con tìm các cơ hội có thể giúp con phát triển năng khiếu, phù hợp với sở thích của con, ví dụ như: nếu có tính nghệ sĩ, trẻ có thể tham gia một lớp học nghệ thuật; nếu đam mê bóng đá, trẻ có thể thử tham gia vào các đội bóng ở địa phương. Bằng việc hướng dẫn con có những hoạt động phù hợp, cha mẹ đã khuyến khích trẻ nắm lấy cá tính của mình.

Cho trẻ quyền kiểm soát. Cha mẹ nào cũng muốn kiểm soát để đảm bảo cho con an toàn và được chăm sóc tốt. Ở tuổi vị thành niên, con bạn đã sẵn sàng để tự lo một phần nào đó cuộc sống của mình, lựa chọn các hoạt động, bạn bè và các cơ hội mà trẻ thích. Do đó cha mẹ hãy cho con một số quyền tự kiểm soát để trẻ tự do phát triển bản sắc của mình.

Cho trẻ tự đặt ra mục tiêu. Một trẻ có định hướng mục tiêu sẽ tập trung nỗ lực để tham gia các hoạt động và các cơ hội giúp trẻ đạt được mục tiêu đó. Khi con bạn muốn giành học bổng, được vào trường học trẻ muốn hoặc giỏi chơi bóng đá … thì những mục tiêu này sẽ giúp các em cùng lúc giữ được cá tính và đạt được mục tiêu.

Giúp trẻ giữ được cá tính khi hòa nhập với bạn bè hình ảnh 2

Để trẻ vị thành niên tự đặt mục tiêu và thực hiện nó là cách tốt để trẻ giữ được cá tính của mình

Để trẻ tự đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Cho trẻ không gian phát triển nghĩa là cho trẻ thêm các kĩ năng mà trẻ cần để độc lập, cho phép trẻ phạm sai lầm. Đây không phải là điều dễ dàng gì, nhưng đó là việc cần thiết vì nếu không cho trẻ vị thành niên tự đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, thì sau này các em sẽ khó lòng phục hồi sau những đau thương.

Khuyến khích con theo đuổi những hoạt động lành mạnh và làm cho con vui. Khi con bạn tìm kiếm những hoạt động tốt ngoài giờ học thì hãy để cho con tự lựa chọn những hoạt động mà trẻ cảm thấy hạnh phúc và thành công.




  1. How to Help Teens Embrace Their Individuality. Đọc thêm tại: <http://www.popsugar.com/moms/How-Help-Your-Teenager-Grow-Up-31165770>. [Ngày 24 tháng 7 năm 2015].
  2. How to Encourage Individuality in Your Teens. Đọc thêm tại: <http://everydaylife.globalpost.com/encourage-individuality-teens-1523.html>. [Ngày 24 tháng 7 năm 2015].
  3. Self Esteem, Individuality and Love for Teenagers. Đọc thêm tại: <http://www.chabad.org/blogs/blog_cdo/aid/1190943/jewish/Self-Esteem-Individuality-and-Love-for-Teenagers.htm>. [Ngày 24 tháng 7 năm 2015].
  4. Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 69 – 73.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com