Nuôi con

Khi con nuôi bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên

Nếu bạn từng nhận con nuôi và khi con đến tuổi vị thành niên chắc hẳn con bạn sẽ rất tò mò và muốn biết về bản thân và nguồn gốc của mình. Việc thiếu hoặc không biết thông tin về nguồn gốc gia đình có thể làm cho trẻ cảm thấy bất an.

Những khó khăn khi con nuôi bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên

Hình thành bản sắc và phát triển sự độc lập là hai nhiệm vụ phát triển chính trong giai đoạn tuổi vị thành niên. Trong giai đoạn này, trẻ từ 12 – 18 tuổi thường tìm tòi để trả lời cho những câu hỏi đại loại như “Tôi là ai?”, “Niềm tin và giá trị của tôi là gì?” trong quá trình hình thành bản sắc riêng của mình. Sự độc lập và tính trách nhiệm có thể gây thích thú cho trẻ, nhưng cũng kèm theo đó là sự sợ hãi, vì có thể cho trẻ cảm giác không an toàn khi tách khỏi gia đình. Một đứa trẻ là con nuôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn so với những trẻ khác trong giai đoạn tuổi vị thành niên này.

Khi con nuôi bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên

Những đứa con nuôi ở tuổi vị thành niên sẽ rất muốn biết về cha mẹ thật sự của mình

Trẻ là con nuôi phải tìm hiểu về những điều giống và khác của trẻ với cha mẹ nuôi, người thân và cộng đồng. Cuối cùng trẻ sẽ xác định được những giá trị, niềm tin, con đường học tập và nghề nghiệp cũng như mong đợi về bản thân. Bên cạnh đó, trẻ ít gắn bó với gia đình mà gắn bó nhiều hơn với các bạn đồng trang lứa, thường đào sâu các mối quan hệ bạn bè và bắt đầu có các mối quan hệ tình cảm.

Với những trẻ là con nuôi, trẻ sẽ có hai gia đình (mặc dù trẻ có thể chưa từng gặp bố mẹ ruột của mình). Trẻ có thể cảm thấy mình bị mất một phần bản sắc và mong muốn biết về bố mẹ ruột. Việc thiếu hoặc không biết thông tin về gia đình có thể ngăn cản trẻ biết về một số đặc điểm mà gia đình cha mẹ ruột có. Nếu trẻ không biết mình thuộc dân tộc nào, hay dân tộc của trẻ khác với bố mẹ nuôi, trẻ sẽ cảm thấy không hoàn toàn thuộc về gia đình hay cộng đồng đó.

Trẻ cũng bắt đầu độc lập hơn khi trẻ đến tuổi vị thành niên. Trẻ có thể sợ hãi khi rời xa sự an toàn của gia đình (ra ngoài học, sống 1 mình…). Sự chia tách có thể khiến trẻ có cảm giác như bị bỏ rơi lần nữa. Một số trẻ sẽ thích nghi bằng việc độc lập, cứng rắn và trưởng thành hơn. Nhưng cũng có những trẻ không thích thú lắm khi phải xa nhà, dù là trong một thời gian ngắn ngủi.

Hoàn cảnh khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau. Trẻ từng bị lạm dụng hay bỏ rơi sẽ mất nhiều thời gian để thích nghi với sự độc lập và học những kỹ năng mới. Những trẻ vị thành niên mới được nhận nuôi cần thời gian để thích nghi và gắn bó với gia đình mới trước khi độc lập.

Hỗ trợ con nuôi bằng cách nào?

Hình thành bản sắc và phát triển sự độc lập là những điều mà trẻ hướng tới trong giai đoạn tuổi vị thành niên và đôi lúc trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình đạt tới 2 mục tiêu này. Cha mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau để giúp trẻ phát triển tốt hơn, đặc biệt khi trẻ là con nuôi:

  • Chỉ ra sự tương đồng giữa bạn và con nuôi: Cảm giác mình giống cha mẹ nuôi có thể củng cố sự gắn bó của trẻ với gia đình. Điều này cũng khiến trẻ cảm thấy an toàn khi bước vào thế giới người lớn. Ngoài ra, cha mẹ có thể tìm những hoạt động, sở thích chung để củng cố sự tương đồng giữa hai bên.
  • Đưa ra những giới hạn phù hợp, rõ ràng trong khi vẫn chấp nhận sự độc lập của trẻ: Hãy để trẻ trải qua giai đoạn phát triển của thanh thiếu niên bình thường và giúp con khẳng định sự độc lập trong khi vẫn tiếp tục nuôi nấng và hướng dẫn trẻ.

Khi con nuôi bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên hình ảnh 2

Bố mẹ giúp con khẳng định sự độc lập trong khi vẫn nuôi nấng và hướng dẫn trẻ
  • Cho con có tiếng nói trong việc đưa ra quyết định: Nếu trẻ cảm thấy mình được lắng nghe và tôn trọng, chúng sẽ chấp hành những quy tắc của gia đình. Đây là điều cực kì quan trọng với những trẻ từng sống trong những hoàn cảnh mà trẻ cảm thấy không có quyền hành gì cả.
  • Cho trẻ cơ hội tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa và những người trẻ tuổi cũng là con nuôi: Điều này giúp trẻ hiểu rằng chuyện mình là con nuôi cũng là bình thường. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm kiếm những nhóm hỗ trợ hay các chương trình hướng dẫn mà thành viên là những trẻ cũng là con nuôi và có chung nguồn gốc văn hóa, dân tộc như con nuôi của mình.
  • Xác nhận lại về vai trò của trẻ trong gia đình bạn: Khi trẻ rời khỏi nhà để sống ở đâu đó trong một khoảng thời gian (như đi học xa nhà), hãy cho con biết rằng bạn rất mong chúng về nhà thường xuyên, đặc biệt là những ngày nghỉ hay là ngày kỉ niệm của gia đình. Hãy giữ liên lạc thường xuyên với con qua email, điện thoại để nhắc nhở con rằng, mặc dù trẻ không sống cùng nhưng trẻ vẫn là một phần quan trọng của gia đình.
  • Nói với con về cha mẹ ruột của trẻ: Đây là một việc quan trọng trong giai đoạn phát triển này của trẻ. Hãy cởi mở và sẵn sàng giải thích cho con mọi điều bạn biết về gia đình gốc của trẻ, tùy thuộc vào hoàn cảnh, mức độ phát triển và khả năng đón nhận thông tin của con. Điều này sẽ giúp con bạn tránh những mộng tưởng thiếu thực tế, giảm bớt âu lo về lịch sử gia đình cũng như tin tưởng bạn. Nếu trẻ không có một mối quan hệ cởi mở với gia đình gốc thì hãy giúp trẻ hiểu rõ hơn về gia đình (như văn hóa, tôn giáo,…) Nếu có thể, hãy cho trẻ xem ảnh bố mẹ ruột của trẻ.
  • Làm một cuốn sổ cuộc đời: Nếu con bạn chưa có cuốn sổ hay những thứ tương tự để ghi lại lịch sử của cá nhân trẻ, những sự kiện quan trọng, những người quan trọng trong cuộc đời mình thì hãy giúp con tạo ra một cái như vậy.

Tìm kiếm hỗ trợ chuyên nghiệp nếu cần

Một đứa trẻ là con nuôi có thể có nhiều biến động về tâm lý, cảm giác mất mát, buồn bã có thể xuất hiện và tái xuất hiện trong cuộc đời trẻ. Nếu trẻ đến tuổi vị thành niên và có những dấu hiệu sau đây, bạn hãy tìm đến những nhà chuyên môn, nhà tâm lý để hỗ trợ trẻ:

– Cảm xúc hay tâm trạng thất thường:

  • Tức giận, buồn hoặc chán nản trong thời gian dài
  • Cực kì lo sợ hoặc lo âu
  • Thu mình hoặc mất năng lượng hoàn toàn

– Hành vi nguy hiểm hoặc không kiểm soát được:

  • Tự hủy hoại bản thân
  • Hoạt động tình dục nguy hiểm
  • Các rối loạn ăn uống
  • Lạm dụng hoặc sử dụng rượu và/ hoặc ma túy

– Có những vấn đề về mối quan hệ và quản lý cảm xúc:

  • Cực kỳ giận dữ hoặc gây hấn với các bạn
  • Căng thẳng trong tương tác với gia đình
  • Tránh né gia đình và bạn bè
  • Có những mối quan hệ bạn bè không phù hợp
  • Không có bạn bè (cô độc).


  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Parenting Your Adopted Teenager. Đọc thêm tại: <https://www.childwelfare.gov/pubPDFs/parent_teenager.pdf>.  [Ngày 12 tháng 7 năm 2015].
  2. Talking with Your Adopted Teen: It´s Possible and Important. Đọc thêm tại: <http://www.nacac.org/adoptalk/talkingwithteen.html>. [Ngày 4 tháng 8 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com