Việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ 1 -2 tuổi chắc hẳn sẽ khiến bạn ngạc nhiên – Bé sẽ dần ghép được các từ để tạo 1 câu đơn giản khi trò chuyện. Và bạn sẽ không còn đoán mò liệu bé có khát nước không bởi bé sẽ nói “ Mẹ, nước…”. Mặc dù, bé phát âm chưa rõ nhưng cũng đủ để người khác hiểu đấy!
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 1-2 tuổi diễn ra như thế nào?
Trước 2 tuổi, trẻ hầu như đã hiểu được phần lớn những điều mà bố mẹ nói. Khi mẹ thông báo “Đến giờ ăn rồi con” trẻ ngừng chơi và chờ đợi, nhiều bé còn nhanh chóng leo lên ghế ăn nữa. Hay như khi bố mẹ nói bâng quơ “Ủa chiếc giày của mình đâu rồi ta?” trẻ nghe thấy sẽ hiểu và bò đi tìm giày cho bố mẹ.
Phản ứng nhanh nhạy này của trẻ sẽ khiến bố mẹ tự hỏi: bé thực sự hiểu, hay chỉ là do bố mẹ tự tưởng tượng ra?
Bố mẹ hãy yên tâm rằng đó không phải là tưởng tượng của bố mẹ đâu, bố mẹ cũng nên vui mừng vì những đặc điểm này chứng tỏ trẻ đang phát triển theo đúng trình tự.
Bé sau 1 tuổi bắt đầu có sự phát triển nhảy vọt về ngôn ngữ
Bước nhảy vọt về sự phát triển này đòi hỏi bố mẹ phải thay đổi cách trò chuyện với trẻ cũng như là ngôn ngữ và cách nói chuyện đối với mọi người xung quanh. Ví dụ như khi nói về những chủ đề mà bố mẹ không muốn bé biết, hãy điều chỉnh âm lượng cuộc nói chuyện chỉ đủ để 2 người nghe được, hoặc cũng có thể dùng cách phát âm từng chữ, chẳng hạn như: “Mình ghé siêu thị để mua K-E-M nhé?”.
Bên cạnh đó, trẻ ở độ tuổi này rất thích trò chuyện, và khi bố mẹ ngồi nói chuyện với chúng, chúng sẽ tỏ ra rất hào hứng và phản hồi lại rất nhanh bằng nhiều hình thức như vỗ tay, cười, nói bập bẹ ê a vài chữ,…
Bố mẹ thường cảm thấy trẻ ít nói và hay tự hát thật to những bài hát thiếu nhi để thu hút bé. Thật ra bố mẹ chỉ cần nói ít thôi nhưng nói chậm rãi từng từ một, sử dụng những từ ngữ đơn giản và đặc biệt là những câu ngắn, vì câu quá dài sẽ khiến bé không thể tiếp thu kịp.
Bố mẹ có thể bắt đầu bằng việc dạy cho trẻ biết chính xác tên của các bộ phận trên cơ thể như tay, chân, mặt, mũi, miệng, bụng, đầu gối,…Bằng những cách như vậy, bố mẹ có thể giúp trẻ giảm tối thiểu sự nhầm lẫn trong ngôn ngữ.
Những đặc điểm thể hiện sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ 1 tuổi
Đa số trẻ ở độ tuổi này có vốn từ ít nhất 50 từ và có thể đặt 2 từ gần nhau để hiểu 1 câu ngắn, mặc dù đôi khi không chính xác lắm. Thậm chí khi những bé có trí thông minh vượt trội thì cũng không nói nhiều cho đến năm 2 tuổi.
Các bé trai thì thường phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với các bé gái. Những từ đầu tiên bé nói thường là những từ ngữ quen thuộc và dễ phát âm như “ba, chó, cá, măm..”. Bố mẹ có thể là những người đầu tiên hiểu được những gì bé nói, bởi lẽ bé nói còn ngọng ngịu, chưa rõ.
Bố mẹ có thể là những người đầu tiên hiểu được những gì bé nói
Bố mẹ có thể đoán được con nói gì qua sự tiếp xúc thường xuyên với bé hoặc có thể đoán được điều trẻ muốn thông qua cử chỉ của trẻ.
Đặc biệt, bố mẹ nhớ đừng bao giờ chế nhạo trẻ khi trẻ nói sai. Bố mẹ có thể hỏi lại ý bé muốn nói gì và sửa phát âm cho bé bằng cách lặp lại 1 cách chính xác và chậm rãi từ mà trẻ muốn nói. Bằng cách kiên nhẫn như vậy, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ phát triển một cách nhanh chóng.
Ở 18-20 tháng tuổi: trẻ biết lắng nghe bố mẹ kể chuyện, nghe nhạc hoặc hiểu các chỉ dẫn bằng lời nói. Phân biệt âm thanh và bắt chước nói theo nhiều hơn.
Đến 2 tuổi: bé đã có thể xác định hành động, nhân vật trong sách và phân biệt người với người theo tên riêng.
- First Words: Child Language Development At 12-18 Months. Tham khảo tại: < http://www.talkingkids.org/2011/sd3x303/first-words-communication-at-12-18.html>. [Ngày 30 tháng 9 năm 2014].
- Baby milestones: talking. Tham khảo tại: <http://www.babycenter.com/0_baby-milestone-talking_6573.bc>. [Ngày 08 tháng 08 năm 2016].
- Baby talk a month by month timeline. Tham khảo tại: <http://www.parents.com/baby/development/talking/baby-talk-a-month-by-month-timeline1/ >. [Ngày 08 tháng 08 năm 2016]
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA. Trang 290 ebook.Page 300 sách 6th.