Vấn đề khác

Tìm hiểu ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

Bạn đã biết ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán ở Việt Nam chưa? Ngày Tết không chỉ là dịp để mọi người nghĩ dưỡng sau một năm dài làm việc vất vả mà ý nghĩa Tết Nguyên Đán ở Việt Nam còn là dịp để chúng ta trở về nguồn cội.

Tết Nguyên Đán là dịp để con người trở về cội nguồn

Dù có đi đâu xa, mỗi khi Tết sắp đến, trong lòng mỗi người chúng ta đều hướng về quê hương, nôn nao chờ ngày về quê để được đoàn tụ cùng gia đình. Tết Nguyên Đán là dịp để chúng ta nhớ về nguồn cội, gặp gỡ họ hàng, làng xóm, thắp nhang và thăm phần mộ của ông bà, tổ tiên để thể hiện sự thành kính của con cháu. Khi bước sang năm mới, chúng ta sẽ cho qua những chuyện buồn, những ganh ghét, giận hờn, mặc quần áo mới với quan niệm xua tan đi những muộn phiền năm cũ, chào đón một năm mới được may mắn và suôn sẻ. Có lẽ đó là ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.

Tìm hiểu ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

Nguyên Đán là dịp để con người trở về cội nguồn

Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước hết đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu, làm nghề gì đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết – Đó đã trở thành phong tục ngày Tết của người Việt từ xưa đến nay. “Về quê ăn Tết” không đơn thuần là khái niệm đi hay về, mà là một cuộc hành hương trở về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Tết Nguyên Đán là dịp để mỗi người xa xứ khi trở về được khấn vái, nhìn lại bàn thờ gia tiên, thăm phần mộ ông bà, giếng nước, mảnh sân nhà,…nơi đã gắn liền với tuổi thơ của mỗi người.

Và có lẽ chẳng thể nào quên được khoảnh khắc cả gia đình cùng nhau gói bánh chưng và thức trắng đêm quây quần bên bếp lửa để trông nồi bánh vào những ngày cuối năm, chắc hẳn sẽ chẳng thể quên được trong lòng những người xa xứ.

Tìm hiểu ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán ở Việt Nam hình ảnh 2

Gói bánh chưng ngày Tết – Kỷ niệm khó quên của những người xa xứ

Theo tập tục từ xưa, đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về trời để tâu việc trần gian, thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Ngày xưa dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghĩ việc sau lễ “Phất thức” (tức lễ rửa ấn, rửa triện). Ở cấp triều đình, trong lễ này có sự hiện diện của nhà vua, các quan đều mặc phẩm phục uy nghiêm. Không một văn bản nào được kiềm ấn, mọi pháp đình đều đóng cửa. Con nợ không thể bị sai áp, các tội tiểu hình không bị trừng phạt, tội nặng thì giam chờ đến ngày mồng 7 tháng giêng (lễ khai hạ) mới tiến hành giải quyết. Như vậy, Tết Cả (Tết Nguyên Đán) kéo dài từ ngày 23 tháng chạp (một tuần trước giao thừa) đến mồng 7 tháng giêng (một tuần sau giao thừa).

Tìm hiểu ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán ở Việt Nam hình ảnh 3

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam kéo dài từ ngày 23 tháng chạp đến mồng 7 tháng giêng

Tết Nguyên Đán – Tết của mọi nhà

Tết Nguyên Đán chính thức bắt đầu từ giao thừa. Giao thừa được xem là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con người giao hòa với thiên nhiên, Tổ tiên trở về sum họp với con cháu. Sau khi cúng giao thừa, cả nhà sẽ quây quần bên mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn, uống chén rượu mừng để cầu chúc một năm mới an hòa, thịnh vượng. Con cháu sẽ gửi những lời chúc đến ông bà, cha mẹ, và người lớn sẽ dành tặng những bao lì xì giấy đỏ xem như lời đáp trả và tặng may mắn cho con cháu.

Sau lễ giao thừa còn có tục đi đến đền chùa làm lễ sau đó hái một nhánh cây đem về gọi là hái Lộc, hoặc đốt một nén hương rồi đem về cắm trên bàn thờ gia tiên gọi là Hương Lộc. Mọi người tin rằng xin được Lộc của trời đất thần Phật ban cho thì sẽ làm ăn phát đạt quanh năm. Sau giao thừa người nào từ ngoài đường bước vào nhà đầu tiên là người “xông nhà”, là người “tốt vía” thì cả nhà sẽ ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn, vì vậy người xông nhà thường được chọn trong số những người bạn thân.

Tìm hiểu ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán ở Việt Nam hình ảnh 4

Hái lộc đầu năm để cầu mong năm mới được an hòa, thịnh vượng

Không biết ngày Tết của dân tộc xuất hiện từ bao giờ, nhưng những phong tục Tết cổ truyền Việt Nam đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân đất Việt. Tết Nguyên Đán là Tết của mọi nhà chứ chẳng phải riêng ai. Trong dịp Tết, mọi người dân Việt Nam sẽ được hòa mình trong không khí xuân vui nhộn, người người mặc áo mới, triệu triệu lời chúc được gửi đến nhau,.. chúng ta còn có thể hòa mình với những trò chơi, tục lệ vui trong dịp Tết,… những cành mai, cành đào, hay chậu quất khoe sắc đã trở thành một phần hình ảnh không thể thiếu của quê hương để mỗi người Việt Nam dù sống ở nơi đâu mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm nhớ nhung tha thiết. Làm sao có thể quên được những phiên chợ Tết rợp trời hoa!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Đọc thêm tại: <http://kynguyentravel.com/tin-tuc/giai-tri-xa-hoi/340-du-lich-tet-y-nghia-ngay-tet-nguyen-dan-cua-viet-nam.html>. [Ngày 12 tháng 12 năm 2014]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com