Sức khỏe

Bệnh tự kỷ ở trẻ em và dấu hiệu nhận biết

Bệnh tự kỷ ở trẻ em là một dạng rối loạn phát triển thần kinh, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi. Những bé mắc bệnh tự kỷ sẽ gặp vấn đề về kỹ năng giao tiếp, hòa nhập xã hội và khả năng diễn đạt cảm xúc.

Tự kỷ, còn được gọi là rối loạn tự kỷ, là một thể nặng nhất trong rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Rối loạn này có thể xảy ra ở mọi chủng tộc, mọi nhóm người và rối loạn ở mỗi người có sự khác biệt rất lớn về biểu hiện cũng như mức độ. Khả năng mắc bệnh tự kỷ ở trẻ nam thường cao gấp 4 lần so với trẻ nữ.

Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh tự kỷ ở trẻ em

Bệnh tự kỷ ở trẻ em là một dạng rối loạn phát triển thần kinh và những bé mắc chứng tự kỷ sẽ gặp nhiều vấn đề trong kỹ năng giao tiếp, hòa nhập xã hội và diễn đạt cảm xúc. Những dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện từ lúc ấu thơ và sẽ kéo dài trong suốt quãng đời của bé.

benh tu ky o tre em va dau hieu nhan biet hinh anh

Bệnh tự kỷ ở trẻ em là một dạng rối loạn phát triển thần kinh

Bệnh tự kỷ ở trẻ em xuất hiện ngay những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi. Dưới đây là một số triệu chứng, dấu hiệu trẻ bị tự kỷ mà cha mẹ có thể tham khảo:

  • Không chỉ tay vào những đồ vật để bày tỏ sự hứng thú (ví dụ, không chỉ tay vào máy bay đang bay ngang qua).
  • Không nhìn vào đồ vật đang được người khác chỉ vào.
  • Gặp rắc rối trong các mối quan hệ hoặc không có một sự quan tâm nào cả đối với người khác
  • Tránh nhìn vào mắt người khác và thường có xu hướng thích ở một mình.
  • Gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc người khác và thể hiện cảm xúc của bản thân.
  • Không thích được ôm hoặc chỉ ôm khi bé muốn.
  • Tỏ ra thờ ơ khi mọi người nói chuyện với bé, nhưng bé lại phản ứng với những tiếng động khác.
  • Bé có thể rất quan tâm đến mọi người, nhưng lại không biết làm cách nào để nói chuyện, chơi đùa hay tương tác với người khác.
  • Lặp lại các từ mà người khác nói với bé, hoặc cứ lặp đi lặp lại các từ hay cụm từ khó hiểu thay vì nói ngôn ngữ bình thường (ví dụ, một người hỏi “Con ăn cơm chưa?”, bé sẽ lặp lại cụm từ “con ăn cơm chưa” thay vì trả lời câu hỏi như những trẻ khác)
  • Gặp khó khăn khi muốn diễn tả các nhu cầu của bản thân thông qua từ ngữ hay hành động.
  • Không chơi các trò chơi sắm vai (ví dụ, bé không thể giả vờ đút cho búp bê ăn)
  • Có các hành động lặp đi lặp lại (ví dụ, xếp khối gỗ liên tục)
  • Gặp rắc rối trong việc thích nghi nếu như thói quen bị thay đổi.
  • Có phản ứng bất thường khi cảm nhận mùi, vị, hình dáng, tiếng động và khi sờ vào bất kỳ đồ vật nào (ví dụ, người bình thường hít một hơi dài khi ngửi thấy mùi bánh nướng thơm lừng và bịt mũi để không ngửi thấy mùi hôi của bãi rác, nhưng trẻ tự kỷ hít ngửi các mùi này như nhau)
  • Mất một số kỹ năng có được trước đó (ví dụ, không nói được những chữ mà bé từng nói trước đó).

Thật khó để xác định những vấn đề về tâm sinh lý và những dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ em trong những năm đầu đời. Các triệu chứng tự kỷ của bé khi còn rất nhỏ có thể bị cha mẹ bỏ qua vì nghĩ đó là biểu hiện bình thường ở trẻ mà thôi. Nhưng điều này sẽ khiến bé gặp khó khăn về giao tiếp xã hội và ảnh hưởng đến sự tự tin của bé khi lớn lên.

Do vậy, cha mẹ cần tinh ý và sớm nhận biết những triệu chứng tự kỷ từ những năm đầu đời để tìm được phương pháp điều trị thích hợp, tránh những ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp, diễn đạt của bé sau này. Nhưng nguyên nhân là gì? Để tìm được câu trả lời thích hợp, cha mẹ tham khảo thêm bài Tìm hiểu nguyên nhân mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Cũng như tìm hiểu thêm về cách chẩn đoán và điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ:
Chẩn đoán bệnh tự kỷ ở trẻ em
Điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em bằng cách nào?



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Autism fact sheet. Đọc thêm tại:<http://www.ninds.nih.gov/disorders/autism/detail_autism.htm>. [Ngày 5 tháng 8 năm 2015].
  2. Autism spectrum disorder. Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/ncbddd/autism/facts.html>. [Ngày 5 tháng 8 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com