Sức khỏe

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em xảy ra khi lớp niêm mạc lót trong tai giữa bị viêm. Vậy nguyên nhân và triệu chứng là gì, các mẹ tham khảo bài viết bên dưới nhé!

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân, đây cũng là thời gian mà các bé yêu nhà mình dễ bị cảm lạnh hoặc cảm cúm đấy. Mặc dù bệnh viêm tai giữa không quá nguy hiểm tuy nhiên mẹ cũng nên đưa bé đi điều trị sớm.

 

benh-viem-tai-giua-o-tre-em-p1-hinh-anh1

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Bệnh viêm tai giữa là gì và nguyên nhân do đâu?

Viêm tai giữa (VTG) là bệnh viêm cấp tính ở lớp niêm mạc lót trong tai giữa.

 

benh-viem-tai-giua-o-tre-em-p1-hinh-anh2
Cấu tạo tai giữa

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thường xuất hiện sau khi bé bị cảm lạnh hoặc viêm mũi, họng vì lúc này sức đề kháng của bé còn yếu. Bệnh này khá phổ biến ở bé từ 6 tháng đến 3 tuổi và bé đi mẫu giáo nhà trẻ thì hay bị hơn bé ở nhà do bé tiếp xúc với nhiều vi-rút, vi khuẩn ở lớp hơn.

Các bé sơ sinh hay được nằm ngửa, bụng ngang bằng với đầu và tự cầm bình bú cũng dễ mắc bệnh viêm tai giữa do khi ăn sữa có thể chảy vào vòi tai.

Một nghiên cứu của Hội Nhi Khoa Mỹ cho thấy rằng các bé trai hay bị bệnh viêm tai giữa hơn các bé gái, gia đình có anh chị em bị viêm tai giữa hay bố mẹ hút thuốc cũng hay có con bị viêm tai giữa hơn các gia đình khác.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thường có những dấu hiệu sau:

  • Bé vài tháng tuổi thường kéo tai và khóc (đặc biệt vào lúc  bú, bởi vì bú và nuốt làm thay đổi áp suất trong tai giữa, gây đau đớn.)
  • Bé khó ngủ
  • Có dịch vàng lẫn máu hoặc mủ chảy ra từ tai bé, điều này có nghĩa là màng nhĩ đã bị thủng một lỗ nhỏ. Vết thương này thường tự lành mà không có biến chứng.
  • Tai bé có dấu hiệu không nghe rõ, nguyên nhân là do dịch mủ đọng phía sau màng nhĩ  làm cản trở sự truyền âm. Tuy nhiên đây chỉ là triệu chứng mất thính giác tạm thời, nó sẽ được phục hồi sau khi dịch được lấy sạch. Nếu mẹ cảm thấy thính giác của bé có dấu hiệu bất thường hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
  • Nhiễm trùng tai thường kèm theo nhiễm trùng đường hô hấp do đó sẽ thường có các triệu chứng như: ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.

Ngoài ra, bệnh viêm tai giữa ở trẻ em cũng có thể kèm theo một số triệu chứng khác như bé bị sốt, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt. Bố mẹ nên đưa bé đi điều trị sớm nếu nhận ra những triệu chứng của bệnh viêm tai giữa để tránh những ảnh hưởng liên quan đến thính giác của bé hoặc các biến chứng khác.

Khám và điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Khi bé có dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, mẹ nên đưa bé đi điều trị tại bệnh viện và phòng khám phù hợp.

  • Bác sĩ sẽ dùng kính soi tai để kiểm tra xem có chất dịch ở vùng tai giữa sau màng nhĩ hay không. Một dụng cụ đặc biệt gọi là Tympanometer hoặc bài kiểm tra Phản xạ thính giác (Acoustic reflectometry) để dò chất dịch ở tai giữa có thể được sử dụng.

 

benh-viem-tai-giua-o-tre-em-p2-hinh-anh-1
Nếu bé có dấu hiệu mắc bệnh viêm tai giữa, mẹ cần đưa bé đến bác sĩ
  • Bác sĩ có  thể gắn một ống cao su lên kính soi tai và bóp nhẹ vào miếng cao su để nhẹ nhàng đưa không khí vào tai nhằm kiểm tra độ nhạy cảm và chuyển động của màng nhĩ.
  • Để điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, bác sĩ có thể sẽ cho bé thuốc kháng sinh dạng uống hoặc nhỏ tai tùy theo từng trường hợp và thuốc giảm đau. Sau một thời gian điều trị, cha mẹ nên cho bé đến tái khám để kiểm tra bé đã hết hẳn nhiễm trùng tai hay chưa.
    • Sau 2 ngày sau khi uống thuốc kháng sinh, nếu bé vẫn bị sốt và đau tai, bé có thể đã không còn nhạy cảm với loại kháng sinh này. Cha mẹ cần liên lạc với bác sĩ để đổi sang loại khác cho hiệu quả hơn. Nếu bé đã kháng nhiều loại thuốc, việc lấy dịch mủ trong tai làm xét nghiệm kháng sinh đồ để tìm danh sách thuốc phù hợp là cần thiết.
    • Một số bé sau 3 tuần điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em nhưng vẫn còn dịch trong tai giữa sẽ được các bác sĩ kiểm tra xem có thể có nguyên nhân nào khác hay không để xử lý triệt để hay để hết tự nhiên trong 3 tháng.
  • Khi bé cảm thấy khá hơn, mẹ thường có khuynh hướng cho bé ngừng sử dụng thuốc, điều này là không nên vì một số vi khuẩn đôi khi vẫn còn sót lại, chúng có thể nhân rộng lên và gây viêm nhiễm một lần nữa.
  • Nếu sau khi điều trị bằng thuốc mà bệnh viêm tai giữa của bé vẫn không được cải thiện hoặc bé  nghe không rõ, bác sĩ có thể hút hết dịch mủ và thực hiện tiểu phẫu gắn ống thông tai (Tympanostomy) vào màng nhĩ chỉ trong vòng 15 phút là xong để giúp bé:
    • Giảm áp suất trong tai giúp bé giảm đau tai trong khi bị viêm tai và có dịch mủ.
    • Thoát dịch trong vùng tai giữa bị viêm ra ngoài
    • Giúp thuốc nhỏ tai đi sâu vào trong tai giữa hơn.

Điều trị tạm thời tại nhà cho bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Trong thời gian bé điều trị bệnh viêm tai giữa, mẹ cũng có thể áp dụng các hướng dẫn dưới đây tại nhà để làm cho bé cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Nếu bé bị sốt cao, hãy giúp bé hạ sốt bằng cách: cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hay nước trái cây, nằm ở nơi thoáng mát hoặc đi lại nhẹ nhàng trong nhà…
  • Để hạ sốt, giảm đau cho bé, mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt, giảm đau đúng liều lượng với cân nặng và độ tuổi của bé như thuốc acetaminophen (trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi phải có chỉ dẫn của bác sĩ) hoặc Ibuprofen (trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi phải có chỉ dẫn của bác sĩ, trẻ nôn mửa hoặc toát mồ hôi quá nhiều trong khi uống phải được theo dõi cẩn thận đề phòng hại thận bé). Trong nhiều trường hợp, cân nặng được xem như thông tin chính để căn chỉnh liều lượng thuốc uống cho trẻ và chỉ sử dụng 1 loại thuốc chứ không kết hợp cả acetaminophone lẫn Ibuprofen cùng lúc.
  • Không nên cho bé uống aspirin, có thể làm bé mắc hội chứng Reye, ảnh hưởng đến não bộ của trẻ.
  • Đặt miếng gạc ấm (không quá nóng) lên tai bé để xoa dịu cơn đau (không nên dùng cho bé quá nhỏ, dễ bị bỏng/ phỏng)
  • Tuyệt đối không nên cho bé đi bơi trong thời gian điều trị cho đến khi tai khô hẳn.

Đó là những điều mẹ cần lưu ý khi bé đang trong thời kỳ điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, hi vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho các mẹ!




  1. Middle ear infection. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA
  2. Middle ear infections. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/infections/ear/ otitis_media.html#>. [Ngày 06 tháng 10 năm 2014].
  3. Ear infection (Middle ear). Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/causes/con-20014260>. [Ngày 06 tháng 10 năm 2014].
  4. Coi chừng bệnh viêm tai giữa ở bé nhỏ. Đọc thêm tại: <http://bachmai.gov.vn/ index.php?option=com_content&task=view&id=574>. [Ngày 06 tháng 10 năm 2014].
  5. How to ear tubes enter the ear. Đọc thêm tại: <http://www.healthline.com/health/ear-tube-insertion#Description3>. [Ngày 06 tháng 10 năm 2014].
  6. Ear Tubes. Đọc thêm tại: <http://www.pedsent.com/surgery/eartubes.htm>. [Ngày 06 tháng 10 năm 2014].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com