Sức khỏe

Đừng xem thường hội chứng Reye ở trẻ em

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc Aspirin có liên quan đến hội chứng Reye ở trẻ em. Đây là hội chứng ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, gây tổn thương não, chức năng gan và thậm chí có thể gây chết người.

>> Các địa chỉ khám nhi khoa uy tín ở Hà Nội bố mẹ nên cập nhật ngay

Dấu hiệu nguy hiểm của hội chứng Reye ở trẻ em

Hội chứng Reye xảy ra phổ biến ở các bé từ 4-12 tuổi. Khi bị mắc hội chứng Reye ở trẻ em, mức đường trong máu của bé thường giảm trong khi nồng độ amoniac và nồng độ axit trong máu lại tăng lên. Đồng thời, kích thước gan có thể sưng to lên và hình thành nhiều cặn chất béo. Não cũng có thể bị phù nề, từ đó dẫn đến tình trạng co giật, động kinh hay mất ý thức. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, các triệu chứng sẽ khác nhau:

Ở các bé dưới 2 tuổi:

  • Tiêu chảy.
  • Thở nhanh.

Đối với các bé lớn và thanh thiếu niên:

  • Nôn mửa kéo dài hoặc liên tục.
  • Buồn ngủ hoặc hôn mê bất thường.

Ngoài ra, các bé có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu và triệu chứng khác như:

  • Bé dễ cáu kỉnh, hung hăng hoặc có các hành động thiếu lý trí.
  • Lú lẫn, mất định hướng hoặc ảo giác.
  • Cơ thể yếu ớt hoặc tê liệt ở tay và chân.
  • Co giật.
  • Hôn mê sâu.
  • Giảm nhận thức.

Đừng xem thường hội chứng Reye ở trẻ em

Mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay khi thấy bé có triệu chứng của co giật, động kinh hoặc mất ý thức.

Nếu bé vừa trải qua một đợt cúm hoặc thủy đậu, mẹ hãy để ý và đưa bé đến bác sĩ ngay nếu bé có các dấu hiệu như:

  • Nôn nhiều lần
  • Bé trở nên buồn ngủ một cách bất thường hoặc hôn mê
  • Có sự thay đổi hành vi một cách đột ngột.

Thuốc Aspirin và hội chứng Reye ở trẻ em

Hiện nay người ta vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Reye ở trẻ em. Tuy nhiên các nhà khoa học nhận thấy có một mối liên hệ giữa hội chứng Reye với việc sử dụng thuốc Aspirin và các thuốc có chứa Salicylate, hay một số loại thuốc OTC (thuốc không cần toa). Hội chứng này thường xảy ra khi bé đang bắt đầu hồi phục từ một bệnh do virus như cúm, cảm lạnh và thủy đậu.

  • Các trường hợp xảy ra với bệnh cúm, cảm lạnh thường gặp ở trẻ em 10–14 tuổi.
  • Các trường hợp xảy ra cùng với bệnh thủy đậu thường gặp ở các bé từ 5–9 tuổi.

Hiện nay, ngoài thị trường một số tên biệt dược của thuốc Aspirin là Aspirin 0,5g, Banegene 500mg, Aspegic, Aspan pH8.

Đừng xem thường hội chứng Reye ở trẻ em - hình ảnh 2

Thuốc Aspirin được cho là có mối liên hệ với hội chứng Reye ở trẻ em

Chẩn đoán hội chứng Reye ở trẻ em

Các triệu chứng của hội chứng Reye ở trẻ em thường bị chẩn đoán nhầm sang một số bệnh khác như viêm não, viêm màng não, bệnh tiểu đường, dùng thuốc quá liều, ngộ độc, đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), chấn thương đầu, suy gan hoặc suy thận, vì vậy, tùy vào độ tuổi, thể trạng sức khỏe của bé mà bác sĩ có thể cho làm một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm hóa học máu.
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) vùng đầu.
  • Sinh thiết gan.
  • Kiểm tra chức năng gan.
  • Kiểm tra amoniac huyết thanh.
  • Chọc ống sống thắt lưng.

Có cách nào phòng ngừa hội chứng Reye ở trẻ em không?

Nếu trẻ bị cúm, thủy đậu hoặc một bệnh do virus, hãy cho trẻ sử dụng các loại thuốc khác như acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin, Motrin IB) hoặc naproxen (Aleve) để giảm sốt cao hoặc giảm đau và lưu ý không nên cho trẻ sử dụng thuốc Aspirin. Tuy nhiên, đối với những trẻ có bệnh mạn tính như bệnh Kawasaki, có thể cần điều trị lâu dài với thuốc aspirin.

Đừng xem thường hội chứng Reye ở trẻ em - hình ảnh 3

Nếu cần điều trị bằng aspirin, mẹ hãy đảm bảo đã tiêm chủng vacxin đầy đủ cho trẻ, gồm hai liều vacxin thuỷ đậu và mỗi năm một liều vacxin cúm. Phòng ngừa hai bệnh do virus này có thể giúp ngăn ngừa hội chứng Reye ở trẻ em đấy mẹ ạ!

Điều trị hội chứng Reye ở trẻ em bằng cách nào?

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc phải hội chứng Reye, trẻ cần được nhập viện ngay lập tức. Mục đích của việc điều trị là làm giảm các triệu chứng của bệnh và hỗ trợ các chức năng sống của cơ thể (như thở và sự lưu thông máu). Nó cũng rất cần thiết trong việc hạn chế các tổn thương vĩnh viễn ở não do phù não. Bác sĩ có thể truyền cho trẻ một số dung dịch và thuốc qua đường tĩnh mạch như:

  • Chất lỏng và dung dịch điện giải. Truyền chất lỏng và chất điện giải nhằm cân bằng lượng muối, khoáng, chất dinh dưỡng trong máu.
  • Thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ lượng dịch dư thừa ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu, đồng thời cũng giúp làm giảm phù não.
  • Thuốc khử độc amoniac. Thuốc nhằm làm giảm lượng amoniac có trong máu.
  • Thuốc chống co giât. Sử dụng thuốc chống co giật nhằm kiểm soát các cơn co giật của trẻ.

Trong trường hợp trẻ bị khó thở hay đang trong tình trạng hôn mê sâu, trẻ có thể cần được đặt máy thở.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Reye Syndrome. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/Reyes-syndrome/basics/definition/con-20020083>. [Ngày 06 tháng 01 năm 2014]
  2. Reye Syndrome. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001565.htm>. [Ngày 06 tháng 01 năm 2014]
  3. What is Reye’s Syndrome. Đọc thêm tại: <http://www.Reyessyndrome.org/what.html>. [Ngày 06 tháng 01 năm 2014]
  4. Aspirin. Đọc thêm tại: < http://www.thuocbietduoc.com.vn/thuoc/thuoc-goc10.aspx>. [Ngày 03 tháng 08 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com