Suy giãn tĩnh mạch chân khi mang thai là triệu chứng khá nguy hiểm. Tốt nhất, mẹ cần có chế độ ăn uống, rèn luyện và nghỉ ngơi thích hợp để phòng tránh bệnh ngay từ khi mang thai tháng thứ 2.
Chứng suy giãn tĩnh mạch thường tỉ lệ thuận với số lần mẹ sinh con!
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai thường do di truyền, nhưng không có nghĩa là mẹ không thể tránh được. Do đó mẹ cần chuẩn bị cho cả gia đình kiến thức và thói quen phòng tránh từ sớm ngay khi mang thai tháng thứ 2.
Chứng giãn tĩnh mạch thường xuất hiện lần đầu khi mẹ mang thai và ngày càng trở nên xấu đi trong những lần mang thai kế tiếp vì lượng máu trong cơ thể mẹ khi này tăng cao, gây áp lực lên các mạch máu. Áp lực này càng lớn hơn tại những mạch máu ở chân, do chúng còn phải chống lại trọng lực để đẩy máu ngược lên tim.
Thêm vào đó tử cung ngày càng to ra, ép xuống các mạch máu vùng xương chậu và sự sản sinh của các hormone làm mềm mạch máu tạo điều kiện lý tưởng cho suy giãn tĩnh mạch. Vì vậy, phần trăm các mẹ bị suy giãn tĩnh mạch chân khi mang thai thường nhiều hơn so với ở những vùng khác của cơ thể.
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là gì?
Các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch khi mang thai không khó nhận ra nhưng chúng thay đổi tùy mức độ nghiêm trọng từ khi mang thai tháng thứ 2 trở đi. Chân mẹ có thể đau ít hoặc rất nhiều, hoặc cảm thấy nặng chân, hoặc phù nề, hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Mẹ có thể thấy những mạch máu xanh dưới da, hoặc nổi lên từ quanh mắt cá chân lên đến vế đùi.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, phần da phía trên mạch máu có thể sưng, ngứa và khô (hãy nhờ bác sỹ chỉ định loại kem dưỡng ẩm thích hợp). Đôi khi, những huyết khối bề mặt (viêm mạch máu bề mặt do máu cục) có thể xuất hiện tại vùng bị suy giãn. Do đó, mẹ nên hỏi bác sĩ để có thể nắm chắc những triệu chứng suy giãn tĩnh mạch.
Làm gì để ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch khi mang thai?
Để phòng tránh suy giãn tĩnh mạch chân khi mang thai tháng thứ 2 mẹ nhớ lưu ý:
Ngồi hoặc đứng quá nhiều khiến máu không được lưu thông tốt, do đó mẹ nên tránh đứng hoặc ngồi quá lâu. Nếu mẹ không tránh được, hãy co duỗi cổ chân thường xuyên. Khi ngồi, tránh vắt chân / tréo chân, và hãy kê chân lên cao khi có thể. Khi nằm mẹ có thể kê gối dưới chân. Khi nghỉ ngơi hoặc ngủ, cố nằm nghiêng (sang trái hoặc phải) để hệ tuần hoàn hoạt động hiệu quả nhất.
- Tăng cân quá nhanh sẽ tạo sức ép lên hệ tuần hoàn vốn đã phải chịu nhiều áp lực của mẹ. Do đó hãy tăng cân chậm một cách có khoa học theo lời khuyên của bác sĩ mẹ nhé.
- Tránh mang vác nặng, vì có thể khiến các mạch máu phồng lên.
- Không dùng quá nhiều sức khi đại tiện. Ăn nhiều rau và chất xơ để tránh táo bón cũng như giúp ích cho hệ tiêu hoá của mẹ.
- Mang quần vớ mỏng sẽ giúp nâng đỡ các mạch máu của mẹ. Mang quần vớ mỗi sáng trước khi xuống giường, và cởi ra trước khi ngủ sẽ giúp chống lại sức ép của bụng và giúp các mạch máu chân đẩy máu lên dễ dàng hơn.
- Tránh xa những trang phục quá chật như thắt lưng hoặc quần chật, quần vớ hoặc vớ có phần lưng bó chặt… Đồng thời tránh mang giày cao gót mà hãy chọn giày đế bằng hoặc có gót thấp, lớn.
- Tập thể dục đều đặn như đi bộ nhanh hoặc bơi 20 – 30 phút. Nếu mẹ bị đau, hãy tránh các môn nặng như aerobics, chạy bộ, đạp xe và tập thể dục với tạ.
- Hãy ăn nhiều thức ăn chứa vitamin C để giúp mạch máu khỏe và co giãn tốt.
Từ khi mang thai tháng thứ 2 cho đến khi sinh, mẹ không nên thực hiện các phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch giãn mà hãy đợi đến vài tháng sau khi sinh. Trong hầu hết các trường hợp, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn sau khi sinh, thường là đến khi mẹ trở lại cân nặng trước khi mang thai.
Mẹ bị suy giãn tĩnh mạch chân có thể mắc phải những biến chứng nào?
Chứng giãn tĩnh mạch không chỉ có ở chân, làm chân mẹ đau và xấu, mà còn có thể xuất hiện ở cả vùng quanh cơ quan sinh dục (và cả vùng trực tràng; khi đó, nó được gọi là bệnh trĩ), với cùng lý do khiến mẹ bị giãn tĩnh mạch ở chân. Giãn tĩnh mạch ở vùng xương chậu được gọi là hội chứng xung huyết vùng xương chậu (pelvic congestion syndrome).
Các triệu chứng mẹ có thể gặp phải là: sưng âm hộ, đau kinh niên vùng xương chậu và/hoặc bụng dưới, kèm cảm giác sưng đau và tức ở vùng xương chậu và bộ phận sinh dục, đôi khi khiến mẹ bị đau khi quan hệ tình dục.
Mẹ có thể áp dụng các cách giúp giảm thiểu tình trạng giãn tĩnh mạch ở chân với trường hợp này, nhưng mẹ cũng hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và được tư vấn về những cách điều trị khác nhé.
>> Đau xương chậu khi mang thai – Nguyên nhân và dấu hiệu
>> Mang thai tháng thứ 2 – mẹ bị nổi mụn và khô da
- Murkoff, H, Mazel, S, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, New York (p.156 – 158).
- Giãn tĩnh mạch chân trong giai đoạn thai kỳ, phụ nữ cần chú ý. Đọc thêm tại: <http://webthaoduoc.com/thong-tin-suc-khoe/gian-tinh-mach-trong-giai-doan-thai-ky-phu-nu-can-chu-y-v131.html>. [Ngày 19 tháng 05 năm 2015]