Mong con

Bạn đã thực sự biết mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?

Cần chuẩn bị gì trước khi mang thai có lẽ là thắc mắc của nhiều cặp vợ chồng đang muốn có em bé. Với 12 điều được gợi ý dưới đây, hi vọng cả mẹ và bố sẽ chuẩn bị thật tốt để cho ra đời một bé con thông minh và khỏe mạnh. Xem ngay nào!

Chuẩn bị gì trước khi mang thai để mẹ tròn con vuông nhỉ?

1. Khám sức khỏe tổng quát

Để trả lời cho câu hỏi: Cần chuẩn bị gì trước khi mang thai mình đã tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề này. Nhờ được bác sĩ tư vấn cùng sự chia sẻ của những người có kinh nghiệm xung quanh, mình hiểu rằng, sức khỏe của bà mẹ trước và trong khi mang thai rất quan trọng.

Hơn nữa, bác sĩ còn tư vấn cho mình biết những loại thuốc nào nên tránh xa trong giai đoạn này, thời hạn tiêm chủng của mình ra sao, cân nặng, chế độ ăn uống, thói quen hàng ngày của mình nên như thế nào,… để có thể đảm bảo được sức khỏe tốt nhất chuẩn bị trước cho khi mang thai.

Bạn đã thực sự biết mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai

Chuẩn bị gì trước khi mang thai? Khám sức khỏe tổng quát trước cái đã nè!

Đầu tiên, bác sĩ kiểm tra chiều cao, cân nặng của mình để biết chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) của mình có đạt chuẩn không, từ đó giúp mình điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp cũng như biết được cần chuẩn bị gì trước khi mang thai. BMI được tính như thế nào thì chắc hầu hết phụ nữ tụi mình đều thuộc nằm lòng rồi ấy!

12 dieu can chuan bi truoc khi mang thai hinh anh 2

Công thức tính BMI

Thật may là chỉ số BMI của mình vào khoảng 20,5 nghĩa là cơ thể mình hoàn toàn bình thường. Nếu BMI<18,5 là cơ thể bạn bị gầy, BMI>25 là bạn thừa cân, và >30 là béo phì rồi.

Bạn biết không, cơ thể người mẹ gầy ốm hoặc thừa cân đều không tốt cho việc mang thai. Nếu mẹ quá béo sẽ có rất nhiều biến chứng trong quá trình mang thai như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, sinh khó,… và con sinh ra có thể dị tật dị dạng, con to, hạ đường máu khi sinh, sang chấn…

Còn nếu cơ thể mẹ quá gầy thì cả hai mẹ con sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, dễ bị hư thai, sinh non, bé sinh ra nhẹ cân, suy dinh dưỡng, không thông minh, làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh (thai chết lưu và trẻ sơ sinh chết trong tuần lễ đầu tiên sau khi sinh được gọi là tử vong chu sinh),…

2. Chuẩn bị gì trước khi mang thai? Xét nghiệm máu

Bạn đã thực sự biết mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai hình ảnh 3

Cần xét nghiệm máu để chuẩn bị trước khi mang thai

Xét nghiệm máu trước khi mang thai là để kiểm tra:

  • Huyết sắc tố (hemoglobin) và tỉ lệ thể tích huyết cầu (hematocrit) xem mình có bị thiếu máu hay không.
  • Yếu tố Rh, xem bạn là Rh+ hay Rh. Nếu thử máu mình có kết quả là Rh–  và chồng là Rh+, mình sẽ cần được theo dõi cẩn thận trong thời gian mang thai sau này.
  • Khả năng miễn dịch với Rubella.
  • Khả năng miễn dịch với bệnh thủy đậu.
  • Khả năng mắc bệnh lao (Việt nam vẫn là nước còn có bệnh lao nên chúng mình vẫn phải kiểm tra lao).
  • Viêm gan siêu vi B (nếu bạn thuộc nhóm người có khả năng mắc bệnh này cao như nhân viên y tế hoặc bạn chưa từng được tiêm phòng, bạn sẽ bắt buộc phải kiểm tra. Tuy nhiên, nếu bạn cẩn thận thì vẫn nên xét nghiệm cho chắc, cẩn tắc vô áy náy mà).
  • Kháng thể Cytomegalovirus (CMV). Nếu xét nghiệm chỉ ra mình đang bị nhiễm virus này ư, không chỉ phải chữa khỏi hẳn bệnh, bác sĩ còn yêu cầu sau 6 tháng mới nên mang thai.
  • Bệnh Toxoplasmosis (Toxoplasmosis là bệnh do nhiễm kí sinh trùng Toxoplasma gondii có thể gây ra triệu chứng giống cúm). Đặc biệt nếu như bạn nào có nuôi mèo, thường ăn thức ăn sống hoặc làm vườn mà không đeo găng tay thì lại càng cần phải kiểm tra cẩn thận bệnh này, bạn nhé! Tuy nhiên, nếu xét nghiệm chỉ ra bạn đã miễn dịch với kí sinh trùng Toxoplasma gondii thì bạn sẽ đỡ lo lắng hẳn về việc gần mèo hay làm vườn trong quá trình mang thai sau này. Với những bạn chưa được miễn dịch với kí sinh trùng, bạn nên rất cẩn thận để tránh bị nhiễm trong thời gian mang thai bằng việc ăn thức ăn chín kĩ, uống nước sôi để nguội và tránh làm vườn hay tiếp xúc với mèo, thú cưng có ăn thức ăn sống hoặc đi chơi bên ngoài.
  • Chức năng tuyến giáp. Bệnh tuyến giáp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vì vậy các bạn nên đặc biệt lưu tâm, nếu như trước đây bạn nào đã từng gặp vấn đề về tuyến giáp hoặc gia đình bạn có thành viên từng mắc bệnh này.
  • Bệnh lây qua đường tình dục (STDs) như lậu, chlamydia, herpes, HPV, bệnh giang mai và HIV. Nếu bạn chưa tiêm vắc xin HPV và bạn định mang thai, bạn có thể tiêm phòng luôn.

Có vẻ rắc rối và phức tạp quá đúng không? Thế nhưng sự thật là chúng ta cần phải xét nghiệm tất tần tật những thứ trên để có thể điều trị kịp thời biết được mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai cho an toàn đấy!

3. Điều trị ngay một số bệnh

Thời điểm đặt ra câu hỏi cần chuẩn bị gì trước khi mang thai cũng là lúc mình cần phải điều trị dứt điểm những bệnh phụ khoa nếu lỡ mắc phải có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và mang thai như:

  • U xơ, u nang, bướu thịt tử cung hoặc khối u lành tính.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Viêm vùng chậu.
  • Viêm đường tiết niệu hoặc những bệnh viêm nhiễm khác như viêm âm đạo.
  • Bệnh lây qua đường tình dục.

Một vấn đề quan trọng nữa là nếu đang mang một số căn bệnh mạn tính như tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim mạch, động kinh,… thì chúng mình còn cần được sự cho phép của bác sĩ trước khi mang thai. Đặc biệt, có khi chúng mình còn phải được thăm khám và theo dõi liên tục trong suốt thời gian mang thai cho an toàn.

Một số bạn khác lại cần tạm thời ngừng uống một số loại thuốc nếu muốn có thai, kể cả việc ngừng một số loại thảo dược có nguồn gốc tự nhiên nếu bác sĩ yêu cầu nữa.

Lúc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai, bạn đừng quên cung cấp tất cả mọi thông tin về lịch sử mang thai, lịch sử khám bệnh (kể cả các bệnh về rối loạn chuyển hóa) cũng như các bệnh di truyền mà thành viên gia đình đã mắc phải cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ có sự tư vấn hợp lý, kịp thời không chỉ trong thăm khám điều trị mà trong cả chế độ ăn uống trước và trong khi mang thai, việc chăm sóc cho thai nhi khi mới chào đời.

Hiện nay cả ở Việt Nam và trên thế giới vẫn có một số bé bị bệnh di truyền dẫn đến tử vong ngay sau khi chào đời, ví dụ như một số bé bị rối loạn chuyển hóa sữa mẹ, mẹ không khám và biết trước nên vẫn cho con bú có thể gây tử vong cho con.

Đối với việc chiếu chụp X quang, hãy ngừng ngay nếu có thể. Trong trường hợp bắt buộc phải chụp X quang để điều trị và không còn cách lựa chọn nào khác, hãy trao đổi cẩn thận với bác sĩ chụp X quang ngay từ khi chúng ta có ý định mang bầu để giảm lượng bức xạ X quang xuống mức thấp nhất ở những vùng gần cơ quan sinh sản. Tại khá nhiều bệnh viện, bác sĩ thường cho bệnh nhân giữ 1 miếng bảo vệ những vùng gần cơ quan sinh dục trong khi chụp X quang là vì vậy.

4. Chuẩn bị gì trước khi mang thai nữa nhỉ? Đi khám răng nhé!

Vì việc mang thai sẽ ảnh hưởng đến răng miệng của mình, và ngược lại, nếu tình trạng răng miệng của mình không ổn thì cũng ảnh hưởng đến thai kì.

Bạn biết không, khi mang thai, cơ thể sẽ sản sinh ra các hoóc môn làm các vấn đề về răng và nướu trở nên trầm trọng hơn. Vậy nên răng miệng chúng ta cần được kiểm tra thật kỹ, bao gồm cả chụp X quang, trám răng, nhổ răng hay các tiểu phẫu khác trước khi mang thai.

Bạn đã thực sự biết mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai hình ảnh 4

Chuẩn bị gì trước khi mang thai? Khám răng trước khi mang thai

5. Ngừng áp dụng một số phương pháp tránh thai

Trong lúc đang thắc mắc cần chuẩn bị gì trước khi mang thai, nếu bạn nào đang áp dụng một số phương pháp tránh thai, bạn có thể ngừng áp dụng được rồi đó. Với một số bạn sử dụng thuốc tránh thai (khống chế mang thai bằng hoóc môn), khá nhiều bác sĩ khuyên nên ngừng uống thuốc để các cơ quan sinh sản hoạt động tự nhiên trở lại ít nhất 2 chu kì kinh nguyệt rồi mới nên có thai.

Trong thời gian này, bao cao su được sử dụng bắt buộc trong việc phòng tránh thai. Sau 2 chu kỳ kinh nguyệt này, bạn có thể bắt đầu với việc theo dõi chu kì kinh nguyệt mới và thời điểm rụng trứng để quan hệ vợ chồng đúng hoặc sát ngày rụng trứng để tăng xác suất thụ thai.

6. Nạo hút thai không an toàn với nữ giới

Nạo hút thai có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh con sau này và hậu quả của quá trình nạo hút thai để lại thường là tắc vòi trứng, tổn thương dính ở cổ tử cung hoặc dính ở buồng tử cung gây khó khăn cho việc thụ thai và nặng hơn có thể gây vô sinh. Nếu trót có thai ngoài ý muốn hoặc sẩy thai, mình phải cân nhắc kĩ trước khi nạo phá thai.

Nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá thai, mình được khuyên nên đến những bệnh viện lớn để làm thủ thuật phá thai đối với những thai nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), như vậy sẽ ít biến chứng hơn là phá khi thai đã lớn.

7. Cải thiện chế độ dinh dưỡng và tập luyện

Mình cũng được khuyên nên có chế độ dinh dưỡng thích hợp để chuẩn bị trước khi mang thai bằng cách hạn chế ăn mỡ động vật, tăng cường ăn trái cây, rau xanh, sữa và chế phẩm sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt hoặc gạo ít xay xát, chất xơ hàng ngày, bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất cần thiết.

Bạn đã thực sự biết mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai hình ảnh 5

Mẹ bầu cần chuẩn bị gì trước khi mang thai nhỉ? Sao mà nhiều thứ quá huhu

Đầu tiên là việc bổ sung axit folic 2 tháng trước khi mình dự định thụ thai để hạn chế những vấn đề về ống thần kinh cho bé (spina bifida, preterm birth). Tuy axit folic có trong ngũ cốc nguyên hạt và rau xanh nhưng để dễ áp dụng, chúng mình có thể uống viên bổ sung chứa 400 mcg axit folic/ngày, ít nhất 10 mg vitamin B6/ngày để hạn chế việc nôn và buồn nôn, 15 mg kẽm để tăng cường khả năng thụ thai.

Đồng thời, mình được khuyên nên tạm thời ngừng uống các vitamin khác để tránh việc quá liều một số loại vitamin, gây không tốt cho thai nhi sau này.

8. Hạn chế những thói quen xấu và chuẩn bị trước về tài chính

Chúng mình cần tránh xa những thói quen xấu như thức khuya, hút thuốc lá, các chất gây nghiện (bồ đà, ma túy, cocain,…), uống bia rượu, giảm lượng cà phê xuống dưới 2 tách/ngày.

Ngoài việc cùng bác sĩ dinh dưỡng điều chỉnh lại một số chế độ ăn kiêng đặc biệt chúng ta đang áp dụng như ăn chay, low carb (ăn ít đường và tinh bột) … chúng ta cũng nên hạn chế tiếp xúc hóa chất, kể cả hóa chất tẩy rửa trong gia đình có hoạt tính cao, kim loại nặng (đặc biệt là chì) để khi mang thai, cả mẹ và bé đều sẽ thật khỏe mạnh.

Thế còn các chế độ luyện tập của chúng ta có bị ảnh hưởng một khi bạn quyết định mang thai không nhỉ? Tất nhiên là có rồi. Tuy luyện tập để có cơ thể khỏe mạnh là cần thiết, bác sĩ khuyên mình không nên: tập luyện quá đà, tắm hơi và cả đeo đai nhiệt để giảm cân nhanh trong thời gian này vì sẽ ảnh hưởng tới việc rụng trứng và thụ thai đó.

Ngoài ra, bạn có biết mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai nữa không? Đó chính là một nguồn tài chính ổn định để chào đón bé. Hay nhất là chúng ta không nên đổi việc làm trong thời gian này bởi sẽ có một số phức tạp nhất định cho việc mang thai hay nghỉ sinh sau này.

Bạn đã thực sự biết mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai hình ảnh 6
Nếu bạn chuẩn bị mang thai thì không nên đổi việc

9. Chọn loại cá nào ít chứa thủy ngân để ăn

Khi xác định định xem mình cần chuẩn bị gì trước khi mang thai, bạn cũng cần lưu ý đến việc ăn cá. Bạn có biết trong các loại cá như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá kình, cá ngừ có chứa nhiều thủy ngân không?

Thủy ngân, sau khi vào cơ thể chúng mình sẽ tích tụ rất lâu, truyền qua nhau thai đi sang thai nhi trong quá trình mang thai. Hàm lượng thủy ngân trong thai nhi ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh và não của em bé đó bạn.

Vậy thì để bổ sung omega 3, tụi mình có thể ăn gì đây? Cá cơm, cá trích, cá thu ảo, cá bống, cá hồi vân (cá hồi cỡ nhỏ, thường nuôi trong trang trại), cá hồi biển, cá mòi, cá thịt trắng. Những loại cá này mình được phép tiêu thụ đến 320 gam/ tuần hoặc nếu chán món cá, mình còn có thể chuyển sang ăn các loại hạt như hạt dẻ, hạt lanh, hạnh nhân để bổ sung nguồn axit béo omega -3. Những loại này đều chứa omega 3, rất tốt cho tim mạch và não bộ đấy.

10. Hạn chế dùng chất bôi trơn

Chất bôi trơn là trợ thủ đắc lực và là lựa chọn của rất nhiều cặp đôi vì nó có tác dụng rất lớn giúp cho các cặp đôi dễ thăng hoa và lên tới “đỉnh” khi ân ái. Tuy nhiên, nếu chúng mình đang muốn có thai thì cần hết sức lưu ý vấn đề này vì các hoạt chất trong gel bôi trơn có thể tiêu diệt tinh trùng trước khi các “chiến binh” này tiến gần đến buồng trứng do đó sẽ là rào cản cho kế hoạch sinh em bé.

11. Chuẩn bị gì trước khi mang thai? Tìm bác sĩ sản khoa phù hợp

Từ lúc này, chúng ta có thể tham khảo trước thông tin về bác sĩ sản khoa mình sẽ cần trong suốt thời gian chuẩn bị trước khi mang thai và trong thai kì từ bạn bè, người thân của mình và chủ động tìm hiểu trước xem mình có cảm thấy thoải mái khi bác sĩ này thăm khám hay không.

Việc tìm được bác sĩ mình cảm thấy tin tưởng rất quan trọng vì khá nhiều mẹ bầu thường lo lắng hơn bình thường rất nhiều.

12. Và cuối cùng, thư giãn đi nào

Như các cụ đã dạy, con cái là của trời cho. Vì vậy, chúng mình cần làm gì? hãy kiên nhẫn, thoải mái, thư giãn và không nôn nóng trong việc có con là được.

Một phụ nữ 25 tuổi khỏe mạnh thông thường mất khoảng 6 tháng để thụ thai, và sẽ mất thời gian dài hơn nếu phụ nữ lớn tuổi hơn và chồng nhiều tuổi hơn.

Chúng ta có thể gặp bác sĩ tư vấn nếu sau 6 tháng chưa thấy thụ thai, hoặc sau 3 tháng đối với các chị em trên 35 tuổi. Còn trong thời gian này, còn gì bằng việc vui vẻ tận hưởng khoảng thời gian yêu đương với chồng, phải không những bà mẹ tương lai?




  1. Seventeen things you should do before you try to get pregnant. Đọc thêm tại: < http://www.babycenter.com/0_seventeen-things-you-should-do-before-you-try-to-get-pregnan_7171.bc?page=1>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2014]
  2. Pregnancy: Preconception health. Tham khảo tại: <http://www.womenshealth.gov/pregnancy/before-you-get-pregnant/preconception-health.html>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2014]
  3. 6.Rh Factor Blood Test. Tham khảo tại: <http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/rh-factor/basics/definition/prc-20013476>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2014]
  4. CMV during pregnancy. Tham khảo tại: <http://www.babycenter.com/0_cytomegalovirus-during-pregnancy_1418404.bc>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2014]
  5. TORCHS Screen. Tham khảo tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003350.htm>.[Ngày 10 tháng 10 năm 2014]
  6. CMV infection. Tham khảo tại: <http://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/cytomegalovirus-infection/>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2014]
  7. Mercury levels in fish. Tham khảo tại: <http://americanpregnancy.org/pregnancy-health/mercury-levels-in-fish/>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2014]
  8. What affects your fertility? Tham khảo tại: <http://www.bbc.co.uk/science/0/21755753>.  [Ngày 19 tháng 04 năm 2013]
  9. Murkoff, H, Mazel, S, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, New York. Page 2-11.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com