Sức khỏe

Những trường hợp không nên ăn gừng cần phải biết!

Ăn gừng nếu không để ý cẩn thận có thể gây nguy hiểm cho bạn và gia đình. Có một số trường hợp chống chỉ định khi dùng gừng và những tương tác bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng gừng đấy! Vậy bạn có biết khi nào thì không nên ăn gừng?

Tuy gừng được coi là an toàn cho hầu hết mọi người nhưng một số phản ứng phụ vẫn có thể xảy ra sau khi ăn gừng. Ở một số người tác dụng phụ nhẹ có thể bao gồm ợ nóng, đầy hơi, tiêu chảy, gây kích ứng miệng và khó chịu dạ dày nói chung. Một số phụ nữ cũng cho biết kinh nguyệt của mình nhiều hơn một chút trong khi dùng gừng để giảm triệu chứng đau bụng do hành kinh. Khi gừng được áp dụng cho da, nó có thể gây kích ứng da, gây mẩn ngứa ở da mặt hoặc một số người có da nhạy cảm.

Ngoài ra, có một số trường hợp không nên ăn gừng hoặc phải vô cùng thận trọng khi sử dụng gừng như:

Không nên ăn gừng thối vì có độc

Ăn gừng đã biến chất, gừng thối rất có hại cho cơ thể vì lúc này, chất Safrole có độc tính mạnh được sinh ra. Nếu đi vào cơ thể bị ruột hấp thu sẽ chuyển ngay vào gan dẫn đến ngộ độc gan, làm công năng của gan bị tổn hại. Vì vậy, tuyệt đối không ăn gừng thối hoặc gừng đã biến chất.

Không nên ăn gừng khi bị viêm gan

Chất cay có trong gừng tươi, và Safrole có trong gừng tươi biến chất có thể gây biến tính cho tế bào gan của người viêm gan. Từ đó dẫn đến rối loạn chức năng của gan. Người viêm gan ăn gừng tươi không những không thể sớm bình phục, ngược lại sẽ làm cho bệnh tình trở nên xấu hơn. Vì vậy, người viêm gan không nên ăn gừng tươi.

Khi nào thì không nên ăn gừng?

Không nên ăn gừng tươi khi bị viêm gan

Không nên ăn gừng khi bị rối loạn chảy máu, đang dùng thuốc chậm đông máu hay chống đông máu

Dùng gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nên bạn không nên ăn gừng khi bị rối loạn chảy máu.

Thuốc làm chậm quá trình đông máu (Thuốc chống đông/thuốc chống tiểu cầu) tương tác với gừng vì bản thân gừng có thể làm chậm quá trình đông máu. Nếu dùng gừng cùng với loại thuốc làm chậm quá trình đông máu có thể sẽ làm tăng nguy cơ bị thâm tím và chảy máu. Vì vậy, nếu bạn định dùng gừng khi đang sử dụng thuốc làm chậm quá trình đông máu, hãy trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc đang sử dụng và nếu bạn định dùng gừng thì không nên sử dụng quá nhiều, chỉ nên rắc chút ít trong món ăn để làm gia vị thôi nhé.

Một số loại thuốc làm chậm quá trình đông máu gồm aspirin, Clopidogrel (Plavix), Diclofenac (Voltaren, Cataflam,…), Ibuprofen (Advil, Motrin, …), Naproxen (Anaprox, Naprosyn,…), Dalteparin (Fragmin), Enoxaparin (Lovenox) , heparin, warfarin (Coumadin), Phenprocoumon (một loại thuốc chống đông máu hay dùng ở châu âu),…

Thận trọng khi ăn gừng nếu bạn bị bệnh tiểu đường

Gừng có thể làm giảm lượng đường trong máu của bạn. Vì vậy, nếu bạn đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, bạn có thể kiểm tra với bác sĩ hiệu quả của gừng trong việc giảm đường trong máu của bạn ra sao, từ đó giảm lượng thuốc sử dụng để tránh lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp.

Khi nào thì không nên ăn gừng? hình ảnh 2

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường thì hãy thận trọng khi ăn gừng nhé

Thuốc cho bệnh tiểu đường (thuốc Antidiabetes) tương tác với gừng: Gừng có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thuốc tiểu đường cũng được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu. Dùng gừng cùng với thuốc trị tiểu đường có thể gây ra lượng đường trong máu của bạn quá thấp. Do đó cần theo dõi lượng đường trong máu của bạn chặt chẽ và nếu muốn dùng gừng thì có lẽ liều lượng các thuốc tiểu đường của bạn cần phải thay đổi.

Một số loại thuốc dùng cho bệnh tiểu đường bao gồm Glimepiride (Amaryl), Glyburide (DiaBeta, Glynase PresTab, Micronase), Insulin, Pioglitazone (Actos), Rosiglitazone (Avandia), Chlorpropamide (Diabinese), Glipizide (Glucotrol), Tolbutamide (Orinase),…

>> Tuyệt chiêu phòng ngừa bệnh tiểu đường bằng lối sống lành mạnh

Bệnh tim, huyết áp cao nên cẩn thận khi ăn gừng

Thuốc chống huyết áp cao và thuốc điều trị bệnh tim có thể tương tác với gừng do gừng có thể làm giảm huyết áp tương tự như một số thuốc này. Dùng gừng cùng với các loại thuốc này có thể gây ra sụt giảm huyết áp quá thấp hoặc nhịp tim bất thường. Liều cao của gừng có thể làm trầm trọng thêm một số trường hợp bị bệnh tim.

Một số thuốc chống huyết áp cao và bệnh tim bao gồm Nifedipine (Adalat, Procardia), Verapamil (Calan, Isoptin, Verelan), Diltiazem (Cardizem), Isradipine (DynaCirc), Felodipine (Plendil), Amlodipine (Norvasc),…

>> Bệnh suy tim: Sớm nhận biết để điều trị kịp thời

Gừng có tính nóng nên chỉ hợp phong hàn cảm mạo

Gừng có tính nóng nên chỉ thích hợp với những người phong hàn cảm mạo, hoặc vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa, những người có thể tạng nhiệt hoặc đang có các chứng viêm nhiễm, những người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt, trúng nắng không nên dùng. Không dùng gừng lúc bị thủy đậu, âm hư. Gừng khô có tính nóng nên những người có thể tạng nhiệt hoặc đang có các chứng viêm nhiễm cũng không nên dùng.

>> Tắm và ngâm chân nước gừng cho bé bị sổ mũi

Có nên sử dụng gừng khi đang cho con bú?

Khi nào thì không nên ăn gừng? hình ảnh 3

Mẹ có nên dùng gừng khi đang cho con bú?

Hiện nay chưa có nghiên cứu nào xác nhận sự an toàn hoặc không an toàn của những mẹ ăn gừng trong khi cho con bú. Theo chuyên gia Hilary Jacobson của website Mobi Motherhood International, những mẹ từng bị mất máu đáng kể trong khi sinh không nên dùng gừng trong vài tuần đầu sau sinh do có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.

Nếu dùng liều cao thì các phản ứng phụ của gừng sẽ nghiêm trọng hơn, vì vậy bạn không nên ăn gừng nhiều hơn 5g/ ngày và luôn hỏi bác sĩ trước khi quyết định sử dụng các sản phẩm chiết xuất từ gừng trong điều trị bệnh dài hạn.




  1. Ginger. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-961-ginger.aspx?activeingredientid=961&activeingredientname=ginger>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2015]
  2. Lợi ích và công dụng của gừng. Đọc thêm tại: <http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=9243:gng-li-ich-ca-gng-cong-dng-ca-gng-cha-bnh-bng-c-gng-cai-hay-ca-gng-nhng-cach-s-dng-gng&catid=11:suc-khoe-va-benh-tat&Itemid=26>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2015]
  3. Ginger and ginger tea while breastfeeding. Đọc thêm tại: <http://www.momjunction.com/articles/ginger-and-ginger-tea-while-breastfeeding_00365770/>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2015]
  4. Fresh ginger and breastfeeding. Đọc thêm tại: <http://www.livestrong.com/article/265204-fresh-ginger-breast-feeding/>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com