Phương pháp sinh mổ

Mách nhỏ cách chăm sóc mẹ sau sinh mổ khi rời phòng hồi sức

Mách nhỏ cách chăm sóc mẹ sau sinh mổ khi rời phòng hồi sức: Những kiến thức chăm sóc mẹ sau sinh mổ khi chuyển từ phòng hồi sức (hậu phẫu) về phòng riêng ở bệnh viện hay nhà hộ sinh là rất quan trọng. Tham khảo bài viết để biết cách chăm sóc và giúp vết mổ của mẹ sau khi sinh nhanh chóng hồi phục.

Gia đình nên nhớ rằng việc chăm sóc mẹ sau sinh mổ sẽ vất vả hơn sinh thường một chút vì mẹ phải chịu một vết rạch lớn ở bụng lẫn tử cung thay vì vết rạch bên ngoài ở tầng sinh môn như các mẹ sinh thường.

Mẹ có thể trải qua những gì khi rời phòng hồi sức

Khi mẹ được di chuyển về phòng của mình, mẹ sẽ có thể trải qua những điều sau:

Nhiều kiểm tra hơn: Các y tá sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khoẻ của mẹ.

Gỡ ống thông tiểu: Việc này có thể được thực hiện chỉ một thời gian ngắn sau ca phẫu thuật sinh mổ của mẹ. Việc đi tiểu có thể sẽ gặp một chút khó khăn cho mẹ nên nếu mẹ vẫn không tiểu được thì ống thông tiểu có thể sẽ được gắn lại cho đến khi mẹ có thể tự đi tiểu.

Khuyến khích tập thể dục

: Trước khi mẹ bước ra khỏi giường, mẹ sẽ được khuyên nên cử động các ngón chân, bẻ cong bàn chân để làm căng các cơ ở bắp chân, duỗi bàn chân về phía cuối giường, và nằm xoay người qua lại. Mẹ cũng có thể thử các bài tập khác trên giường nữa. Những bài tập kiểu này có tác dụng giúp tăng cường sự tuần hoàn máu, đặc biệt là ở chân, ngăn chặn sự tắc nghẽn mạch máu. Mẹ hãy chuẩn bị tinh thần vì một số động tác có thể sẽ khiến mẹ thấy khó chịu, ít nhất là trong 24 giờ đầu tiên sau khi sinh mổ mẹ nhé.

Mách nhỏ cách chăm sóc mẹ sau sinh mổ khi rời phòng hồi sức

Cố gắng tập thể dục để tăng cường sự tuần hoàn máu sau sinh mổ mẹ nhé

Ngồi dậy trong khoảng từ 8 đến 24 giờ sau mổ: Với sự giúp đỡ của y tá chăm sóc sau sinh mổ, đầu tiên mẹ sẽ ngồi dậy trước (có thể dưới sự hỗ trợ của giường nâng đầu). Sau đó, mẹ sẽ chống bằng tay và xoay nhẹ hai chân về phía thành giường, đong đưa chân trong một vài phút. Mẹ sẽ được đỡ để bước xuống sàn một cách chậm rãi, tay vẫn vịn vào giường. Nếu mẹ thấy chóng mặt (đó là điều bình thường), thì hãy ngồi trở lại giường một chút. Sau đó, nếu thấy đỡ chóng mặt hơn, mẹ nên đứng vững trên sàn một vài phút nữa, rồi bắt đầu đi vài bước. Toàn bộ các bước này cần thực hiện thật chậm rãi, những bước đi đầu tiên có thể sẽ làm mẹ cực kỳ đau.

Mặc dù mẹ sẽ phải cần giúp sức trong vài lần đầu đi lại nhưng sự khó khăn này chỉ là tạm thời mà thôi. Thực tế, mẹ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình sẽ di chuyển dễ dàng hơn là người sinh thường qua ngã âm đạo đang nằm phòng bên cạnh. Thêm nữa là mẹ cũng sẽ có chút lợi thế hơn khi phải ngồi xuống so với các chị em sinh thường và bị rách hay có vết cắt tầng sinh môn.

Cơn đau lan đến vai: Cơ hoành của mẹ sưng lên do một lượng máu nhỏ tụ ở vùng bụng của mẹ có thể làm vai mẹ bị đau nhiều trong một vài giờ sau phẫu thuật. Mẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau trong trường hợp này.

– Mẹ sau sinh mổ có thể bị táo bón

Thuốc gây tê và việc phẫu thuật (kèm theo chế độ ăn uống bị kiêng cữ) có thể làm việc đại tiện của mẹ khó khăn hơn. Có thể sẽ mất một vài ngày để mẹ có thể đại tiện lần đầu sau sinh, và đó là điều bình thường.

Mẹ cũng có thể cảm thấy đau bụng đầy hơi (chướng khí) do táo bón. Các thuốc làm mềm chất thải, thuốc viên đạn trị táo bón (thuốc nhét hậu môn) hoặc các thuốc nhuận tràng nhẹ có thể được kê theo đơn để giúp đưa các chất thải ra ngoài, đặc biệt khi mẹ cảm thấy khó chịu về việc táo bón của mình.

Khó chịu ở vùng bụng

Vì các ống tiêu hoá của mẹ (đã tạm thời ngưng hoạt động khi phẫu thuật) bắt đầu hoạt động lại, các chất khí bị chặn lại có thể làm mẹ đau, đặc biệt khi chúng gây ra sức ép lên vết mổ sau sinh của mẹ.

Sự khó chịu này có khi sẽ tệ hơn khi mẹ cười, ho hay hắt hơi. Mẹ hãy hỏi bác sĩ hay y tá về một số biện pháp để giảm bớt sự khó chịu này mẹ nhé. Thuốc viên đạn trị táo bón có thể làm giải phóng các khí hơi trong bụng mẹ ra ngoài hoặc mẹ cũng có thể đi lại nhẹ nhàng dọc hành lang bệnh viện. Ngoài ra, mẹ có thể nằm về một phía hoặc nằm ngửa, đầu gối nâng lên, hít thở sâu trong khi tay giữ lên vết mổ để cảm thấy dễ chịu hơn.

Dành thời gian cho con: Mẹ sẽ được khuyên nên ôm ấp và cho con bú sữa mẹ càng sớm càng tốt để sữa nhanh về sau khi sinh mổ. Khi mẹ cho con bú, hãy đặt con lên một chiếc gối đè lên vết mổ của mẹ hoặc đặt con nằm bên cạnh khi bú hoặc bế con lên. Mẹ có thể tham khảo thêm cách cho con bú tại đây.

Mách nhỏ cách chăm sóc mẹ sau sinh mổ khi rời phòng hồi sức hình ảnh 2

Dành thời gian cho con

Với các quy tắc của bệnh viện và điều kiện kinh tế cho phép, mẹ có thể đặt một phòng riêng để bố có thể ngủ cùng với 2 mẹ con. Đây sẽ là một sự trợ giúp rất lớn về mặt tinh thần cho mẹ trong việc chăm sóc mẹ sau sinh mổ. Mặc dù vậy, đừng đặt phòng trước nếu mẹ không thật sự cần nó hoặc mẹ chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi.

Sinh mổ nên ăn gì để phục hồi nhanh?

Sau khi sinh mổ, mẹ trở lại chế độ ăn bình thường một cách từ từ. Trước kia, việc truyền tĩnh mạch cho các sản phụ trong vòng 24 giờ sau ca sinh mổ và hạn chế việc ăn thức ăn đặc mà chỉ nạp các chất lỏng (nước, nước cao đạm) trong 1-2 ngày sau là quy trình thường làm (ngày nay vẫn còn một vài bệnh viện và bác sĩ áp dụng).

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc cho các mẹ mới sinh mổ ăn thức ăn đặc sớm hơn có lẽ là một lựa chọn tốt hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sản phụ bắt đầu ăn trở lại sớm hơn (chỉ bắt đầu ăn dần dần vào khoảng bốn hoặc tám giờ sau khi sinh) sẽ đi đại tiện lần đầu sau sinh sớm hơn và thường có thể được xuất viện sớm hơn một ngày so với những người chỉ nạp chất lỏng.

Các quy trình thực hiện giữa các bệnh viện và các bác sĩ khác nhau có thể sẽ khác nhau. Tình trạng sức khoẻ của mẹ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định khi nào để ống tiêm truyền tĩnh mạch sẽ được rút ra. Mẹ cũng nên nhớ rằng việc bắt đầu ăn lại sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn: loãng trước, đặc sau. Mẹ sẽ bắt đầu với các chất lỏng, sau đó là những thức ăn mềm và dễ nuốt (ví dụ như những món tráng miệng làm từ rau câu) và cứ tiếp tục ăn đặc lên dần dần.

Tuy vậy, chế độ ăn của mẹ chỉ nên dừng lại ở các loại thức ăn ngọt dịu và dễ tiêu hoá trong ít nhất là vài ngày, và mẹ đừng bao giờ nghĩ đến việc lén ăn một cái bánh mì kẹp thịt rõ to đấy nhé. Khi mẹ bắt đầu ăn những thức ăn cứng bình thường trở lại, mẹ cũng đừng quên uống thật nhiều nước, đặc biệt là đối với trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ.

Tháo chỉ vết mổ sau sinh

Nếu chỉ may hoặc ghim kẹp vết mổ của mẹ không phải loại tự huỷ thì chúng sẽ được gỡ ra vào bốn hoặc năm ngày sau khi mổ. Quá trình này không quá đau, mặc dù mẹ có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu.

Khi các lớp băng được tháo ra, mẹ và người nhà hãy kiểm tra thật kỹ vết mổ cùng với bác sĩ hoặc y tá. Mẹ có thể hỏi bác sĩ khi nào thì vết mổ sẽ lành, những thay đổi nào là bình thường và những thay đổi nào cần phải có sự can thiệp của y khoa để có sự chuẩn bị trước.

Trong hầu hết các trường hợp, mẹ có thể về nhà khoảng 3 – 4 ngày sau khi sinh mổ. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải cẩn thận vì mẹ và bé con có thể cần đến sự giúp đỡ của gia đình trong việc chăm sóc vết mổ sau sinh hàng ngày. Mẹ và gia đình hãy sắp xếp để luôn có người ở bên cạnh chăm sóc mẹ trong một vài tuần đầu tiên, điều này là vô cùng cần thiết cho sự an toàn của cả mẹ lẫn bé con đấy.




  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 432 – 434.
  2. Recovering from a c-section. Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/0_recovering-from-a-c-section_221.bc?page=1>. [Ngày 31 tháng 10 năm 2015].
  3. Recovering from a C-Section. Đọc thêm tại: <http://www.lucieslist.com/postpartum/recovering-from-a-c-section/>. [Ngày 31 tháng 10 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com