Nuôi con

4 sai lầm về chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên

Vị thành niên là giai đoạn quan trọng, do đó chế độ dinh dưỡng cho trẻ cũng được cha mẹ hết sức chú ý. Để con phát triển tốt, cha mẹ nên tránh 4 sai lầm thường thấy sau đây.

Sai lầm thứ nhất: Bỏ bữa, nhất là bữa sáng

Nhiều trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường bỏ bữa sáng khi đi học, đây là một trong những sai lầm về chế độ dinh dưỡng cần tránh. Nguyên nhân chính khiến trẻ không có một bữa sáng hoàn chỉnh là do thiếu thời gian. Cho đến khi trẻ ăn trưa tại nhà ăn của trường, tính đến thời điểm đó là đã liên tục 12, 14 tiếng hoặc hơn trẻ không ăn gì.

Việc bỏ bữa, nhất là bữa sáng sẽ khiến não không được cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết để tập trung, ghi nhớ, giải quyết vấn đề và xử lý thông tin. Bỏ bất kỳ bữa ăn nào trong ba bữa hằng ngày cũng sẽ làm giảm 1/3 khả năng nạp đủ lượng canxi cần thiết hàng ngày cho cơ thể.

4 sai lầm về chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên

Trẻ thường bỏ bữa ăn sáng là một trong những sai lầm về chế độ dinh dưỡng mà cha mẹ cần lưu ý

Cha mẹ nên làm gì? Dưới đây là một số gợi ý giúp cha mẹ khắc phục tình trạng trẻ bỏ bữa ăn sáng:

  • Chuẩn bị bữa sáng vào tối hôm trước. Tranh thủ rót nước cam ra ly trong khi đang chờ hâm nóng lại món ăn đã nấu sẵn, hoặc bất kì món gì hợp khẩu vị của trẻ. Một bữa sáng đủ dinh dưỡng cần cung cấp tối thiểu 300 Kcal.
  • Nếu thời gian eo hẹp, trái cây tươi kèm sữa chua ít béo hoặc không béo là đủ. Hoặc xay trái cây tươi với sữa tách béo để uống. Những món này đều có thể chuẩn bị từ ngày hôm trước và lưu trữ trong tủ lạnh.
  • Bánh nướng, bánh ngọt, bánh mì rất tiện lợi khi trẻ có thể vừa ăn vừa chuẩn bị đến trường. Có thể ăn bánh mì kèm với các loại bơ, mứt có nhiều chất dinh dưỡng, chẳng hạn như bơ đậu phộng.
  • Thức ăn còn sót lại từ bữa tối hoàn toàn có thể làm thành bữa ăn sáng cho trẻ.
  • Khi không có thời gian để ăn sáng tại nhà, hãy cho trẻ đóng gói để mang đi. Sự tiện dụng sẽ được ưu tiên hơn mùi vị trong trường hợp này. Một vài thực phẩm mẹ có thể lựa chọn để tham khảo: chuối, táo, quýt và các loại trái cây dễ mang theo khác; trứng luộc; bánh mì sandwich, các loại đậu, hạt và nho khô.

Sai lầm thứ hai: Ăn ngoài hàng quán

Có nhiều loại thức ăn mà trẻ dùng ở các hàng quán bên ngoài. 2/3 trẻ vị thành niên mua thức ăn tại trường, nơi thức ăn không phải lúc nào cũng ngon nhưng ít nhất đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Trẻ ở lứa tuổi này cũng dành nhiều thời gian đi ăn ở những cửa hàng thức ăn nhanh. Sự phổ biến của những cửa hàng thức ăn nhanh này là do họ cung cấp một nơi tụ họp bạn bè bình dân và hợp túi tiền, hơn là chất lượng món ăn.

Để đáp ứng nhu cầu ăn uống lành mạnh ngày càng tăng, ngành công nghiệp thức ăn nhanh đã mở rộng thực đơn thêm các món ăn ít béo, như rau trộn với nước xốt ít calo và sandwich gà nướng. Nhiều chuỗi cửa hàng hiện nay chiên khoai tây bằng dầu thực vật thay vì mỡ động vật. Dù có những cải tiến đáng khen ngợi này, nhưng thực tế 40% – 50% calories trong thức ăn nhanh là từ chất béo.

4 sai lầm về chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên hình ảnh 2

Sai lầm thứ hai là cha mẹ để các bé ăn ngoài hàng quán

Cha mẹ nên làm gì? Để có chế độ dinh dưỡng cho trẻ vị thành niên phù hợp, cha mẹ nên chia sẻ với con những mẹo nhỏ giúp con hạn chế tối thiểu lượng chất béo và muối nạp vào cơ thể khi đi ăn cùng bạn bè ở cửa hàng thức ăn nhanh, những mẹo đó có thể gồm:

– Không chọn phần ăn lớn. Thanh thiếu niên không cần phải từ bỏ những loại thức ăn nhanh mà mình yêu thích, trẻ chỉ cần phải hạn chế số lượng ăn vào. Ví dụ, thay vì chọn bánh hamburger pho mai lớn 3 lớp, hãy chọn bánh hamburger thường.

– Nếu phần ăn quá nhiều, không nhất thiết phải ăn hết trong một lần, hãy gói mang về.

– Cứ ăn theo sở thích, nhưng hạn chế các gia vị gây béo trong khả năng có thể, ví dụ như:

  • Mua bánh hamburger mà không lấy pho mai, tương cà, xốt mayonnaise và các loại xốt khác.
  • Thay vì ăn bánh hamburger, trẻ hãy thay thế bằng sandwich gà nướng không sốt mayonnaise.
  • Ăn pizza rau củ thay vì xúc xích và các loại thịt khác.
  • Yêu cầu để nước xốt dành cho rau trộn riêng để tự nêm nếm và quyết định nên bỏ vào bao nhiêu.
  • Biết cách từ chối khi nhân viên bán hàng tư vấn thêm các loại kem, pho mai, rau thơm và thịt xông khói vào phần ăn.
  • Chọn ăn phần thịt nạc thay vì phần thịt mỡ.

Sai lầm thứ ba: Đồ ăn vặt

Thanh thiếu niên hấp thu 1/4 lượng calories hàng ngày từ đồ ăn vặt. Để con có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ nên kiểm soát việc này bằng cách không mua các loại đồ ăn vặt mặn, nhiều chất béo và tương tự thế về nhà.

Cha mẹ nên làm gì? Trữ sẵn những đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe. Hầu hết, trẻ ăn vặt theo thói quen, chứ không phải vì đói bụng. Khi trẻ vào bếp tìm kiếm đồ ăn vặt trong lúc ti vi đang chiếu quảng cáo, nếu bếp có sẵn những đồ ăn vặt ít béo, ít đường, ít muối, đó sẽ là những thứ trẻ sẽ lấy ăn. Ngày nay, những đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe có vị không khác gì những đồ ăn vặt gây hại. Do đó, để cân bằng chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ đừng sử dụng những sản phẩm không có giá trị dinh dưỡng như kẹo, bánh và nước ngọt có ga nữa. Ban đầu có thể cha mẹ sẽ gặp phản kháng từ trẻ về việc cắt giảm này, nhưng nếu trẻ hiểu được những món bánh, kẹo và nước ngọt đó sẽ thỉnh thoảng vẫn được ăn khi có dịp, hòa bình sẽ được lập lại trong gia đình.

4 sai lầm về chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên hình ảnh 3

Hãy trữ những đồ ăn vặt lành mạnh trong tủ lạnh và những nơi trẻ dễ nhìn thấy

Một số loại thức ăn vặt tốt cho sức khỏe mà cha mẹ có thể trữ sẵn trong nhà như:

  • Bánh quy giòn không muối
  • Khoai tây nướng
  • Bắp rang (không bơ)
  • Rau câu
  • Trứng luộc
  • Sữa chua, sữa chua đông
  • Nước ép, sinh tố trái cây
  • Các loại hạt không ướp muối
  • Ngũ cốc không đường
  • Phô mai ít béo
  • Nho khô, mận khô, mơ khô
  • Đậu nành
  • Hạt hướng dương, hạt bí
  • Sữa tách béo
  • Thịt sấy
  • Socola đen.

Bước cải tiến cao hơn đó là trữ sẵn trái cây tươi trong nhà. Cà rốt, dâu tươi, dưa hấu cắt miếng, và các loại trái cây, rau củ ưa thích khác được cất trong tủ lạnh, sẽ có điều khác biệt xảy ra khi điều này được thực hiện. Trẻ thường lười gọt trái cây mặc dù đó là những trái cây trẻ ưa thích, tuy nhiên, khi mọi thứ đã được để sẵn trên đĩa, nó sẽ được ăn ngấu nghiến.

4 sai lầm về chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên hình ảnh 4

Trữ sẵn trái cây tươi đã làm sạch trong tủ lạnh để hình thành thói quen ăn vặt lành mạnh cho trẻ

Sai lầm thứ tư: Ăn uống quá độ

Ăn uống quá độ khiến chế độ dinh dưỡng của trẻ thiếu cân bằng, từ đó gây nhiều tác hại cho sức khỏe của trẻ, ví dụ như béo phì, tăng cân,… Nhiều sinh viên năm nhất tăng khối lượng cơ thể một cách ngạc nhiên sau một năm học xa nhà. Nguyên nhân việc này có thể do áp lực và căng thẳng học tập từ môi trường mới mà phần lớn là do nhớ nhà, cộng với điều kiện tiếp xúc với thức ăn không giới hạn. Nhiều quán ăn trong ký túc xá, trong trường học và khu vực gần đó có thể phục vụ 24/24. Một lý do khác là cha mẹ không ở bên cạnh để la rầy, nhắc nhở trẻ.

Cha mẹ nên làm gì? Không thể làm gì nhiều ngoài việc động viên con ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều. Cha mẹ có thể đóng gói và gửi cho trẻ các đồ ăn vặt và các thức ăn khác tốt cho sức khỏe để trẻ có thêm động lực cải thiện chế độ dinh dưỡng cũng như cách ăn uống hợp lý hơn.




Nguồn đọc thêm
1.26 best healthy snacks. Đọc thêm tại: <http://www.bodybuilding.com/fun/26-best-healthy-snacks.html>. [Ngày 29 tháng 8 năm 2015].
2.Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 396 – 400.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com