Sức khỏe

Phân loại rối loạn lưỡng cực ở trẻ em và thanh thiếu niên

Rối loạn lưỡng cực được gọi bằng nhiều cái tên khác như: rối loạn hưng – trầm cảm, rối loạn tâm trạng lưỡng cực, và rối loạn cảm xúc lưỡng cực – đây đều là những thuật ngữ y khoa để nói về rối loạn này.

Rối loạn lưỡng cực gây ra những biến đổi về tâm trạng – có những lúc cực kỳ vui vẻ (hưng cảm) và những lúc buồn rầu chán nản (trầm cảm). Khi những trẻ mắc rối loạn này đang ở giai đoạn hưng cảm, trẻ sẽ trải qua những đợt cảm xúc ngắn và mạnh mẽ, hoặc cảm giác bị kích thích, cực kì hạnh phúc nhiều lần hầu như mỗi ngày. Trẻ tràn đầy năng lượng và rất năng động. Khi đến giai đoạn buồn chán cực độ, trẻ sẽ thấy buồn rầu và suy nhược.

Phân loại rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực được phân loại thành 4 dạng khác nhau:

  1. Lưỡng cực I
  2. Lưỡng cực II
  3. Rối loạn bệnh tâm thần theo chu kỳ
  4. Rối loạn lưỡng cực không điển hình

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đã phân tích rối loạn lưỡng cực thành 4 dạng này dựa vào sự biểu hiện triệu chứng của rối loạn khác nhau ở những người khác nhau. Khi bác sĩ xác định được người đó mắc rối loạn dạng nào thì họ mới có thể đáp ứng chương trình điều trị phù hợp với nhu cầu cụ thể của người đó.

Triệu chứng

Người mắc rối loạn lưỡng cực sẽ trải qua nhiều giai đoạn hưng cảm xen kẽ với những giai đoạn trầm cảm ở các thời điểm khác nhau. Đây không phải là những thời kì bình thường của những vui buồn mà ai trong đời cũng trải qua theo thời gian. Thay vào đó, những giai đoạn này là những thay đổi tâm trạng dữ dội hoặc nghiêm trọng giống như một con lắc đung đưa qua lại và ngày càng lên cao hơn.

Phan loai roi loan luong cuc o tre em va thanh thieu nien hinh anh 1

Người mắc rối loạn lưỡng cực sẽ trải qua nhiều giai đoạn hưng cảm xen kẽ với những giai đoạn trầm cảm ở các thời điểm khác nhau

Các triệu chứng hưng cảm bao gồm:

  • Lời nói và ý nghĩ thay nhau tuôn ra
  • Tràn đầy năng lượng
  • Giảm nhu cầu ngủ, nghỉ ngơi
  • Vui vẻ hoạt bát và lạc quan quá mức
  • Gia tăng các hoạt động thể chất và tinh thần
  • Dễ bị kích thích quá mức, có những hành vi gây hấn, và thiếu kiên nhẫn
  • Phán xét kém
  • Hành vi thiếu thận trọng như chi tiêu quá mức, vội vàng đưa ra quyết định và chạy xe lạng lách
  • Khó tập trung
  • Quan trọng hóa bản thân

Các triệu chứng trầm cảm bao gồm:

  • Suy giảm hứng thú với những hoạt động thường ngày
  • Tâm trạng buồn bã hay khó chịu kéo dài
  • Mất năng lượng, hay cảm thấy mệt mỏi
  • Cảm giác tội lỗi hay cảm thấy mình vô dụng
  • Ngủ quá nhiều, hoặc không thể ngủ được
  • Rớt hạng học tập và không thể tập trung được vào việc học
  • Không thể có được niềm vui
  • Chán ăn, hoặc ăn quá độ
  • Tức giận, lo lắng, ưu tư
  • Có những ý nghĩ về cái chết hoặc ý định tự tử

Phan loai roi loan luong cuc o tre em va thanh thieu nien hinh anh 2

Triệu chứng trầm cảm: tức giận, lo lắng, ưu tư…

Ở trẻ em và thanh thiếu niên, những giai đoạn hưng cảm và trầm cảm ngắn hơn nhiều so với người lớn. Thậm chí, trẻ có thể biểu hiện qua lại giữa hưng cảm và trầm cảm trong suốt cả ngày.

Các cơn hưng – trầm cảm diễn ra không thường xuyên và không thể đoán trước, hoặc chúng được liên kết với nhau theo kiểu cứ một giai đoạn hưng cảm thì luôn theo sau là giai đoạn trầm cảm, hoặc ngược lại. Thỉnh thoảng, các giai đoạn này diễn ra theo mùa, ví dụ trầm cảm vào mùa đông, và theo sau là hưng cảm diễn ra vào mùa xuân.

Giữa các giai đoạn, trẻ mắc rối loạn thường trở về với những hoạt động chức năng (hoặc gần như) bình thường. Tuy nhiên, với một số trẻ, có rất ít hoặc không có “giai đoạn nghỉ” nào giữa các chu kì rối loạn. Và những chu kì thay đổi tâm trạng này có thể đi từ chậm đến nhanh, với sự luân phiên nhanh chóng giữa hưng cảm và trầm cảm, tình trạng này diễn ra phổ biến ở phụ nữ, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.

Một số trường hợp người mắc rối loạn lưỡng cực có thể sử dụng rượu và ma túy vì nhờ chúng, họ sẽ tạm thời cảm thấy tốt hơn, nhất là khi tâm trạng họ đang dâng cao. Nhưng việc dùng rượu và ma túy có thể làm tổn hại đến họ. Việc lạm dụng chất gây nghiện thực tế làm cho các triệu chứng của rối loạn trở nên nặng hơn, đồng thời khó xác định chẩn đoán tình trạng của họ hơn.

Xem thêm: Nguyên nhân và chẩn đoán rối loạn lưỡng cực




  1. Bipolar Disorder. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/teen/your_mind/mental_health/bipolar.html>. [Ngày 27 tháng 9 năm 2015].
  2. Bipolar Disorder in Children and Teens. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/bipolar-disorder/tc/bipolar-disorder-in-childhood-and-adolescence-topic-overview>. [Ngày 27 tháng 9 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com