Nuôi con

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ – Phân biệt chứng hoảng loạn ban đêm và ác mộng

Cùng là dạng rối loạn giấc ngủ, nhưng chứng hoảng loạn ban đêm và ác mộng ở trẻ có gì khác nhau? Hãy cùng tìm hiểu làm cách nào để giúp bé có giấc ngủ ngon hơn nhé.

Chứng sợ hãi ban đêm hay hoảng loạn ban đêm xảy ra khi bé giật mình trong đêm và hoảng sợ mặc dù vẫn ngủ. Giống như gặp ác mộng, đây cũng là một dạng rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, chúng lại là hai sự việc khác nhau. Xem thêm bài Rối loạn giấc ngủ – Chứng sợ hãi hay hoảng loạn ban đêm

Về mặt biểu hiện:

  • Cơn ác mộng là một giấc mơ đáng sợ và bé có thể bị thức giấc trong sợ hãi, bé cũng có thể khóc. Ác mộng có thể bắt đầu từ sau khi bé được 1-2 tuổi và có thể xảy ra ở người lớn nữa.

Roi loan giac ngu o tre Phan biet chung hoang loan ban dem va ac mong hinh anh 1

Ác mộng là một dạng của rối loạn giấc ngủ

 

  • Chứng hoảng loạn ban đêm thì có nhiều biểu hiện đặc biết ấn tượng và có thể làm cha mẹ rất hoang mang lo sợ khi chứng kiến như: bé bật dậy mở mắt và hoảng sợ, khóc tu tu, đấm đá, run rẩy, ra đầy mồ hôi và thở rất nhanh, có khi còn hét váng lên. Dạng rối loạn giấc ngủ này bắt đầu xảy ra muộn hơn, thường khi bé được 4 tuổi trở lên.

Thời gian diễn ra:

  • Cơn ác mộng thường xảy ra trong giai đoạn ngủ mơ, mắt chuyển động nhanh (REM).
  • Chứng hoảng loạn ban đêm thường xảy ra sau khi bé ngủ thiếp được 2-3 tiếng đồng hồ. Đó là giai đoạn ngủ mà mắt bé không chuyển động nhanh (Non-REM), ngủ sâu hơn. Nó không phải là giấc mơ, mà là các phản ứng sợ hãi đột ngột xảy ra trong quá trình chuyển tiếp từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của giấc ngủ.

Roi loan giac ngu o tre Phan biet chung hoang loan ban dem va ac mong hinh anh 2

Chứng sợ hãi/hoảng loạn ban đêm cũng là một dạng rối loạn giấc ngủ

Bé có ngủ lại được không?

  • Cơn ác mộng: Do bé có thể nhớ hoặc kể lại được những gì hoặc một số những sự kiện xảy ra trong cơn ác mộng nên một số bé khó ngủ lại vì sợ hãi và lo lắng.
  • Chứng hoảng loạn ban đêm: Thường bé ngủ lại được ngay trong vòng 60 phút và chẳng nhớ gì về nó vào khi thức dậy ngày hôm sau cả

Mẹ có thể làm gì để giúp bé?

  • Cơn ác mộng: Đánh thức bé dậy và ôm ấp bé, làm bé yên tâm, có thể giải thích cho bé đó chỉ là giấc mơ. Nói chuyện với bé về giấc mơ, hoặc những áp lực tâm lý bé có thể đang gặp phải. Nếu có thể, mẹ nên hạn chế cho bé xem ti vi trước khi đi ngủ.
  • Chứng hoảng loạn ban đêm: Việc cho bé uống thuốc thường không cần thiết. Mẹ chỉ cần tránh cho bé không ngã, va phải vật cứng để bị thương trong khi đang bị hoảng loạn trong đêm là được. Có thể cho bé ngủ sớm hơn bình thường 30 phút để bé đỡ mệt mỏi hơn, sẽ đỡ xảy ra hoảng loạn ban đêm hơn. Mẹ không nên đánh thức trong khi bé đang giật mình và hoảng loạn, chỉ cần chờ cho nó qua đi thôi. Nếu mẹ cố đánh thức trẻ dậy trong lúc này, bé sẽ bối rối, rất lâu mới có thể ngủ lại được. Hầu hết các bé khi lớn hơn sẽ không còn gặp phải vấn đề rối loạn giấc ngủ này nữa.

Do ác mộng và hoảng loạn ban đêm chỉ là hiện tượng của rối loạn giấc ngủ và không có liên quan đến việc biểu hiện cảm xúc ở trẻ nên cha mẹ không nên quá lo lắng và hoang mang. Tuy nhiên, nếu bé thường xuyên gặp ác mộng về một chuyện, đó có thể chính là nỗi sợ hãi có sẵn ở bên trong bé đấy. Nếu cả 2 sự việc này diễn ra trong thời gian dài và lặp lại, cha mẹ cần cho bé đi bác sĩ khám bệnh.




  1. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA (page 409-410)
  2. http://kidshealth.org/parent/medical/sleep/terrors.html [Ngày 19 tháng 11 năm 2014]
  3. Night terrors and nightmares. Đọc thêm tại: http://www.nhs.uk/conditions/night-terrors/Pages/Introduction.aspx.  [Ngày 19 tháng 11 năm 2014].
  4.  Night Terrors. Đọc thêm tại: http://www.webmd.com/sleep-disorders/night-terrors.  [Ngày 19 tháng 11 năm 2014].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com