Sức khỏe

Tất tần tật về tác dụng của nước muối sinh lý và cách sử dụng

Tất tần tật về tác dụng của nước muối sinh lý và cách sử dụng. Nước muối sinh lý ngày càng trở nên thân thuộc hơn với con người. Đặc biệt khi môi trường ngày càng ô nhiễm dẫn tới căn bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng ngày càng hoành hành thì tác dụng của nước muối sinh lý lại trở nên hữu hiệu.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, liệu việc chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt nam có tốt hơn? Câu trả lời là có. Nhờ kinh tế phát triển mà chúng ta có điều kiện tiếp cận y học hiện đại, từ đó chữa trị được nhiều bệnh trước đây từng được coi là nan y như bệnh lao.

Cũng nhờ kinh tế phát triển mà người dân có thể mua thuốc dễ dàng hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn khác là môi trường Việt Nam cũng ngày càng trở nên ô nhiễm hơn. Ở các đô thị lớn, những bệnh liên quan đến đường hô hấp dường như đã quá phổ biến. Các triệu chứng sổ mũi, viêm họng, viêm xoang, ho (có và không có đờm), nặng hơn là cảm, cúm, viêm phế quản và viêm phổi những khi thời tiết chuyển mùa, từng bước trở thành bạn đồng hành của chúng ta, khiến sức khỏe chúng ta bị giảm sút.

Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng sổ mũi, viêm họng, viêm xoang ngay từ sớm và giảm các triệu chứng cảm lạnh, cúm thì điều đầu tiên chúng ta cần làm đó là giữ vệ sinh mũi họng cho sạch sẽ bởi sự tích tụ của dịch nhầy (vốn chứa nhiều vi khuẩn) sẽ khiến bệnh nặng hơn và kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Thêm vào đó, bạn có thể dựa vào tác dụng của nước muối sinh lý để phần nào hạn chế những ảnh hưởng xấu từ môi trường lên các thành viên trong gia đình. Cùng tìm hiểu tác dụng của nước muối sinh lý và cách sử dụng nước muối sinh lý bên dưới nhé!

Vậy nước muối sinh lý là gì?

Nước muối sinh lý có tên hóa học là Natri Clorid, được pha chế theo tỷ lệ 0,9%, tức 1 lít nước với 9 gam muối tinh khiết, là dung dịch đẳng trương có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể người.

Nước muối sinh lý có tính diệt khuẩn cao, mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, nhưng không phải là thuốc chữa bệnh. Nước muối sinh lý có thể được dùng một cách an toàn cho mọi lứa tuổi, kể cả em bé sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

Tác dụng của nước muối sinh lý trong việc rửa mắt, tai, mũi, họng và vòm miệng

– Khi được dùng cho mắt, nước muối sinh lý có thể được dùng hàng ngày, sáng và tối để nhỏ mắt, làm trôi các bụi bẩn, mầm bệnh, ngăn ngừa lây lan bệnh đau mắt đỏ… Trong trường hợp này, tác dụng của nước muối sinh lý là làm cho mắt đỡ bị khô và rát do dùng máy tính, xem tivi nhiều.

Khi dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, bạn nên dùng nước muối dành riêng cho mắt, có vẽ biểu tượng con mắt trên nhãn chai nước muối chứ không nên dùng nước muối sinh lý súc miệng để rửa.

– Khi nhỏ vào tai để làm sạch ráy tai do ô nhiễm không khí, tiếng ồn, chỉ cần 1- 2 giọt nước muối sinh lý để giúp làm mềm ráy tai trước khi ngoáy tai sẽ dễ làm sạch tai hơn rất nhiều. Nếu tai không quá bẩn và ngứa, bạn chỉ cần nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý, chờ 1-2 phút rồi dốc ngược nước muối sinh lý ra ngoài cũng có tác dụng làm sạch tai vô cùng hữu hiệu, có thể giúp tai đỡ bị ù giảm thính lực.

– Dùng cho mũi và họng:

Trước khi quyết định dùng các loại thuốc, bạn có thể làm sạch mũi và họng theo một cách vô cùng đơn giản là súc rửa bằng nước muối sinh lý. Tác dụng của nước muối sinh lý lúc này lại giúp làm sạch lớp vảy cứng đóng trong niêm mạc mũi, rửa trôi dịch nhầy có trong mũi và họng cũng như các loại bụi bẩn, phấn hoa khác bám vào.

Nếu bạn sử dụng nước muối sinh lý súc miệng hàng ngày sẽ có tác dụng vệ sinh răng miệng, vòm họng, sát khuẩn, hạn chế sự sinh sôi của các vi khuẩn có hại trong khoang miệng, giảm viêm họng.

Để bảo vệ mũi khỏi bị viêm, nước muối sinh lý cũng có tác dụng rất tốt. Tuy vậy, bạn nên chỉ dùng khi mũi có dấu hiệu tắc nghẹt, sụt sịt, nước mũi chảy nhiều, mũi có mủ xanh chứ không nên lạm dụng dùng hàng ngày khi bạn không bị làm sao. Nước muối sinh lý để làm sạch mũi sẽ giúp nước mũi, mủ không bị chảy vào họng, phế quản gây viêm nhiễm.

– Khi viêm răng miệng, viêm họng, đờm nhiều, miệng hôi, súc miệng bằng nước muối sinh lý có thể giúp bạn tạo môi trường khoang miệng sạch sẽ, nhanh khỏi bệnh hơn rất nhiều.

Tác dụng của nước muối sinh lý trong việc làm đẹp và làm sạch vết thương 

Bên cạnh tác dụng bảo vệ hệ hô hấp của chúng ta, tác dụng của nước muối sinh lý còn là một trong những giải pháp để trị mụn và tẩy tế bào chết nữa cơ. Chị em xem thêm bài: Nước muối sinh lý với da mụn

Làm sạch vết thương: Đây là tác dụng của nước muối sinh lý được nhiều người biết đến. Nước muối sinh lý có nồng độ muối thấp, ít gây xót như một số dung dịch sát khuẩn khác, nên nếu chẳng may bị chảy máu, bạn dùng nước muối sinh lý dội lên vết thương hở để rửa sạch bụi bẩn, vết máu… sau đó thực hiện các bước sơ cứu tiếp theo.

Bạn nên nhớ rằng bác sĩ khuyên dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) là để làm sạch vết thương, loại bỏ chất bẩn chứ không nhằm sát khuẩn. Nếu muốn sát khuẩn, bác sĩ sẽ cho dùng dung dịch sát khuẩn kèm theo, hoặc có khi không cho dùng kèm theo nếu không cần thiết.
Giải độc cấp tốc cho cơ thể: Nước muối sinh lý có độ mặn ít nên hoàn toàn có thể uống được. Nước muối sinh lý có tác dụng giải độc cấp tốc cho cơ thể trong trường hợp bị mất nước do tiêu chảy, do đổ mồ hôi nhiều, ngộ độc thực phẩm nhẹ… bằng cách uống hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch.
Tuy nhiên, nước muối sinh lý dùng để tiêm truyền phải chọn cẩn thận đúng loại dùng cho tiêm truyền chứ không phải là bất cứ loại nước muối sinh lý nào cũng có thể dùng được.
Về lý thuyết là như thế, tuy nhiên bạn cần biết rõ cách sử dụng và tác dụng của nước muối sinh lý nếu bạn không muốn rơi vào tình cảnh “lợi bất cập hại”.

Tất tần tật về tác dụng của nước muối sinh lý và cách sử dụng

Tác dụng của nước muối sinh lý khá hay, bạn cần biết để ứng dụng hàng ngày

Nước muối sinh lý nào được sử dụng để bảo vệ hệ hô hấp?

Hiện trên thị trường có hai loại nước muối sinh lý thường dùng phổ biến, bạn có thể mua về để bảo vệ hệ hô hấp cho cả gia đình:

  • Nước muối sinh lý xịt mũi: Giúp tạo độ ẩm cho đường hô hấp, hỗ trợ cho hệ thống làm sạch mũi tự nhiên.
  • Nước muối sinh lý nhỏ mũi: Nếu dùng dạng nhỏ giọt này thì cần lượng nước muối nhiều hơn dạng xịt. Để nhỏ thuận tiện, chúng ta cần dùng 1 ống bóp cao su hay bình neti (trông hơi giống bình pha trà, đầu vòi nhỏ). Đơn giản hơn, bạn có thể mua ngay tại bất kỳ hiệu thuốc nào những lọ nước muối sinh lý đã đóng chai sẵn theo hàm lượng 5ml, 10ml, 500ml, 1000ml tại các nhà thuốc để sử dụng.

Nếu muốn bạn có thể tự pha nước muối sinh lý tại nhà, nhưng nhớ là thực hiện đúng quy trình nhé. Xem cách làm nước muối sinh lý siêu đơn giản ở dưới đây:

>> Cách làm nước muối sinh lý đơn giản vô cùng

Hướng dẫn cách sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi và họng

Cách 1 – Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi:

Làm sạch mũi bằng cách xì/hỉ mũi hoặc dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý.

  1. Ngồi và nghiêng nhẹ đầu ra sau.
  2. Không để ống nhỏ giọt chạm vào mũi, nhỏ nước muối 1-3 giọt vào mỗi lỗ mũi. Nhớ giữ đầu nghiêng ra sau một lúc để các giọt nước muối lan rộng ra khắp mũi.
  3. Nếu một giọt nước muối trượt ra ngoài, bạn nhỏ lại một giọt khác. Bạn tuyệt đối không nên hít nước mũi vào họng trong lúc này.
  4. Bịt từng lỗ mũi và xì/hỉ mũi rồi lau sạch, lặp lại với lỗ mũi bên kia.
  5. Làm sạch và lau khô ống nhỏ giọt sau khi dùng trước khi đặt nó vào lại trong chai.
  6. Để tránh tình trạng lây lan nhiễm khuẩn có thể xảy ra thì mỗi chai chỉ nên dành cho một người dùng.

Cách 2 – Xịt nước muối sinh lý vào mũi:

Làm sạch mũi bằng cách xì/hỉ mũi hoặc dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý.

  1. Tháo nắp bảo vệ ống xịt
  2. Giữ chai thuốc ở thế thẳng đứng với ngón cái ở dưới đáy và ống phun ở giữa ngón tay trỏ và ngón giữa.
  3. Ngồi, cúi nhẹ đầu hơi nghiêng về phía trước rồi đưa ống phun vào lỗ mũi xịt lần lượt từng bên và thở nhẹ nhàng. Bạn tuyệt đối không nên hít nước mũi vào họng trong lúc này.
  4. Bịt từng lỗ mũi và xì/hỉ mũi rồi lau sạch, lặp lại với lỗ mũi bên kia.
  5. Tháo ra, làm sạch và lau khô ống phun sau khi dùng trước khi đậy nắp lại.
  6. Để tránh tình trạng lây lan nhiễm khuẩn có thể xảy ra thì mỗi chai chỉ dành cho một người dùng.

Tất tần tật về tác dụng của nước muối sinh lý và cách sử dụng hình ảnh 2

Làm sạch mũi bằng cách xì/hỉ mũi hoặc dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý

Cách 3 – Sử dụng nhiều nước muối sinh lý để rửa mũi:

  1. Chuẩn bị ít nhất 100 ml dung dịch nước muối sinh lý.
  2. Làm sạch mũi bằng cách xì/hỉ mũi hoặc dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý.
  3. Sử dụng một xi lanh để hút nước muối vào đầy ống. Giữ ống xi lanh nước muối ở thế thẳng đứng với ngón cái ở dưới cần đẩy và ống phun ở giữa ngón tay trỏ và ngón giữa. Nếu không dùng xi lanh, bạn có thể dùng bình neti đựng đầy nước muối vừa pha.
  4. Ngồi thẳng, cúi nhẹ đầu hơi nghiêng về phía trước rồi dùng ống xi lanh bơm hết nước muối vào từng lỗ mũi, nước muối sẽ chảy ra từ lỗ mũi bên kia. Hoặc không, bạn có thể ghé mặt nghiêng trên bồn rửa sao cho nước không chảy vào mồm/miệng và thở nhẹ bằng miệng, nghiêng đầu sang bên phải thì bơm nước muối vào lỗ mũi bên trái cho nước muối chảy ra từ lỗ mũi bên kia.
  5. Bịt từng lỗ mũi và xì/hỉ mũi rồi lau sạch, lặp lại với lỗ mũi bên kia. Tuyệt đối không hít nước mũi vào từ mũi xuống họng.
  6. Rửa sạch và lau khô ống xi lanh sau khi sử dụng.
  7. Để tránh tình trạng lây lan nhiễm khuẩn có thể xảy ra thì mỗi xi lanh chỉ dành cho một người dùng hoặc thay xi lanh mới sau mỗi lần sử dụng (nếu muốn).

>> Chia sẻ cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

>> Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đờm đặc

Tất tần tật về tác dụng của nước muối sinh lý và cách sử dụng hình ảnh 3

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý

Cách 4 – Hít nhiều nước muối sinh lý để rửa mũi và họng cùng lúc:

Theo bác sĩ nội khoa Lâm Hữu Hòa, đây là một phương pháp rất an toàn và hiệu quả trong việc điều trị các bệnh viêm xoang, viêm mũi, cúm kể cả viêm mũi dị ứng. Từ khi hít nước muối, trong hơn 4 năm nay bác sĩ không bị cảm, cúm lần nào, kể cả khi có dịch cúm khi bác sĩ phải khám cho các bệnh nhân cảm cúm.

Khi về nhà sau khi khám, mặc dù bắt đầu có triệu chứng ớn lạnh, váng đầu và hắt hơi, bác sĩ chỉ cần hít (khoảng 1 lít) nước muối sinh lý, ngậm gừng tươi và vận động cho người nóng ran lên là trở lại bình thường.

Cách hít nước muối của bác sĩ như sau:

  1. Đứng trước bồn rửa mặt, đầu hơi cúi, đặt miệng bát nước muối vào dưới 2 lỗ mũi sao cho 2 lỗ mũi không ngập hẳn trong nước.
  2. Thở hết ra, sau đó hít cả không khí lẫn nước muối vào mũi. Không khí sẽ thấm nước muối, rửa sạch các hốc mũi rồi đi vào phổi. Nước muối sẽ hòa loãng dịch nhầy rồi đưa xuống miệng.
  3. Khi hít nước muối, nghe tiếng “hịt, hịt” là được.
  4. Thở ra và đồng thời nhổ nước muối ra ngoài. Hít, nhổ lặp lại cho tới khi hết nước muối trong bát.
  5. Lưu ý: Nếu không thở hết ra, còn đầy không khí trong phổi mà đã hít nước muối vào tiếp hoặc chỉ hít nước muối mà không lẫn không khí thì dễ bị sặc.
  6. Sau khi hít hết bát nước muối, các bạn cần nghiêng đầu sang hai bên, bịt lỗ mũi bên dưới, xì/hỉ vài lần cho sạch.

Cách 5 – Dùng nước muối sinh lý để súc họng:

Bạn ngậm vào miệng 1 ngụm nước muối rồi ngửa cổ ra phía sau. Há to miệng và kêu ka ka ka. Nếu mỏi miệng thì bạn ngậm miệng nghỉ một chút rồi lặp lại ka ka ka như trước.

Làm như vậy vài lần rồi nhổ nước muối đi ngậm 1 ngụm mới. Đều đặn 5-10 phút mỗi lần và mỗi ngày từ 2-6 lần để làm sạch các dịch nhầy, đờm trong họng. Việc này sẽ giúp bạn phòng tránh và chữa viêm họng nhẹ rất tốt.

Nhưng nếu bạn bị viêm họng nặng hơn thì bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân viêm họng và chữa trị dứt điểm hơn.

Tất tần tật về tác dụng của nước muối sinh lý và cách sử dụng hình ảnh 4

Dùng nước muối sinh lý để súc họng

Hy vọng với những thông tin hữu ích về tác dụng của nước muối sinh lý, cũng như cách sử dụng sẽ phần nào hạn chế những ảnh hưởng xấu từ môi trường lên các thành viên trong gia đình, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh. Hãy tận dụng ngay những tác dụng tuyệt vời của nước muối sinh lý này nhé!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. How to Get Your Nose to Stop Running With Allergies. Tham khảo tại: <http://www.wikihow.com/Get-Your-Nose-to-Stop-Running-With-Allergies>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  2. 5 Ways to Get Rid of a Runny Nose. Tham khảo tại: <http://www.coldeeze.com/blog/cold-eeze-news/5-ways-to-get-rid-of-a-runny-nose>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  3. Stuffy or runny nose – adult. Tham khảo tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003049.htm>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  4. Saline Nasal Sprays & Irrigation. Tham khảo tại: <http://www.med.umich.edu/1info/FHP/practiceguides/Rhino/saline.pdf>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  5. How To Make Saline Solution. Tham khảo tại: <http://chemistry.about.com/od/labrecipes/a/How-To-Make-Saline-Solution.htm>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  6. Saltwater Washes (Nasal Saline Lavage or Irrigation) for Sinusitis – Topic Overview. Tham khảo tại: <http://www.webmd.com/allergies/tc/saltwater-washes-nasal-saline-lavage-or-irrigation-for-sinusitis-topic>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  7. Is Rinsing Your Sinuses Safe?. Tham khảo tại: <http://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm316375.htm>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
  8. Cách rửa mũi phòng và chữa cúm, viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Tham khảo tại: <https://www.youtube.com/watch?v=tdbzD6kYtFk>. [Ngày 17 tháng 12 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com