Sự kiện nổi bật

Tìm hiểu về bệnh viêm gan B và vắc xin viêm gan B

Bệnh viêm gan B là một loại viêm gan nghiêm trọng do virus viêm gan B gây ra. Vacxin viêm gan B rất an toàn và được sử dụng rộng rãi cho cả trẻ sơ sinh và người lớn để phòng ngừa bệnh. Vì vậy, vắc xin viêm gan B có trong lịch tiêm chủng mở rộng lẫn lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh tại Việt Nam.

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một loại bệnh viêm gan nghiêm trọng do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Đa số người trưởng thành bị nhiễm bệnh viêm gan B đều bình phục rất nhanh, kể cả khi các triệu chứng bệnh rất trầm trọng. Đây gọi là viêm gan B cấp tính. Viêm gan B cấp tính thường kéo dài không quá 6 tháng và một khi đã bị nhiễm bệnh, hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt được hết các virus viêm gan B trong cơ thể của bạn trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, viêm gan B cấp tính cũng có thể phát triển thành mạn tính. Những người mắc bệnh viêm gan B mạn tính, tức tình trạng bệnh kéo dài hơn 6 tháng, thậm chí cả đời và hệ miễn dịch không chống chọi nổi với các virus viêm gan B, sẽ có nguy cơ bị suy gan, ung thư và xơ gan rất cao. Thế nhưng trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi mới là những đối tượng dễ mắc bệnh viêm gan B mạn tính nhất; và thậm chí không phát hiện được bệnh trong vài chục năm tiếp theo mãi cho đến khi cá nhân mắc bệnh gan và suy giảm sức khỏe trầm trọng.

Cho đến nay, viêm gan B vẫn chưa có thuốc điều trị mà chỉ có thể phòng ngừa nhờ vắc xin viêm gan B. Do đó nếu đã bị nhiễm bệnh viêm gan B, bạn hãy cố gắng sinh hoạt cẩn thận hơn để tránh lây nhiễm virus viêm gan B cho người khác. Virus viêm gan B có thể lây nhiễm khi một cá nhân tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác trong cơ thể của người bị bệnh. Bạn có thể bị nhiễm virus viêm gan B nếu:

  • Quan hệ tình dục với người bị bệnh mà không dùng bao cao su hoặc các biện pháp bào vệ khác.
  • Dùng chung kim tiêm với người bệnh.
  • Xăm mình hoặc sử dụng các dụng cụ đâm chích chưa được tiệt trùng.
  • Sử dụng các vật dụng như dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh.

Virus viêm gan B còn lây qua đường từ mẹ sang con. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì đa số trẻ sơ sinh đều được tiêm ngừa bằng vắc xin viêm gan B.

Các triệu chứng của bệnh viêm gan B

Bạn có thể bị nhiễm viêm gan B mà không có triệu chứng gì đặc biệt. Các triệu chứng viêm gan B có thể có nhiều mức độ khác nhau và thường xuất hiện khoảng 1-4 tháng sau khi nhiễm bệnh, bao gồm: đau bụng, nước tiểu sậm màu, phân có màu nâu, sốt, đau nhức cơ, mất cảm giác ngon miệng, nôn mửa, người mệt mỏi và khó chịu, da và tròng mắt trắng có màu vàng.

Vắc xin viêm gan B

Loại vắc xin viêm gan B đầu tiên được giới thiệu vào năm 1981 bởi Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có nguồn gốc từ huyết tương người. Tuy nhiên loại vắc xin này đã bị ngưng sử dụng tại Mỹ từ năm 1990. Các vắc xin viêm gan B từ năm 1986 trở đi đều được chế biến từ các nguyên liệu nhân tạo và đạt hiệu quả cao hơn.

Loại vắc xin này rất an toàn và được sử dụng rộng rãi cho cả trẻ sơ sinh lẫn trẻ em dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, người trưởng thành, nhất là những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh viêm gan B cao cũng nên tiêm ngừa vắc xin viêm gan B.

Tìm hiểu về bệnh viêm gan B và vắc xin viêm gan B

Vắc xin viêm gan B rất an toàn và được sử dụng rộng rãi cho cả trẻ sơ sinh lẫn trẻ dưới 18 tuổi

Nhóm đối tượng này bao gồm:

  • Các nhân viên và chuyên gia làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.
  • Thanh niên hoặc những người thường xuyên quan hệ tình dục.
  • Những người có quan hệ tình dục đồng tính nam.
  • Có vợ/ chồng hoặc người thân trong gia đình bị nhiễm viêm gan B.
  • Những gia đình có ý định nhận con nuôi, cả trong nước lẫn nước ngoài.
  • Đi du lịch tại các quốc gia thuộc những khu vực có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao như châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, khu vực Thái Bình Dương, Đông Âu và Trung Đông.
  • Những người bị bệnh thận hoặc phải đeo máy chạy thận nhân tạo.
  • Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2.
  • Và bất cứ những người nào có công việc hoặc lối sống dễ bị nhiễm bệnh viêm gan B.

Độ an toàn và tác dụng phụ của vắc xin viêm gan B

Trung tâm Kiểm dịch Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số trung tâm y khoa nổi tiếng khác đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu khoa học để kiểm chứng mức độ an toàn của vắc xin viêm gan B và công nhận đây là một trong những loại vắc xin nhân tạo an toàn và hiệu quả nhất từ trước đến giờ. Kết quả nghiên cứu chưa từng ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh, xơ cứng rải rác hay rối loạn tâm thần nào sau khi tiêm ngừa vắc xin này.

Tuy nhiên, vắc xin viêm gan B cũng gây ra một số tác dụng phụ như đau nhức, sưng phồng hoặc nổi mẩn đỏ tại vết tiêm. Loại vắc xin này cũng được chống chỉ định đối với những người có tiền sử bị dị ứng hoặc phản ứng ngược với vắc xin viêm gan B trước đó.

Lịch tiêm vắc xin viêm gan B

Vắc xin viêm gan B luôn có sẵn tại các cơ sở y tế. Thông thường, một mũi vắc xin viêm gan B gồm có 3 liều tiêm. Ngoài ra, còn có một loại vắc xin chỉ có 2 liều tiêm dành cho thanh thiếu niên.

  • Mũi đầu tiên: có thể tiêm vào bất kỳ thời điểm nào.
  • Mũi thứ hai: ít nhất 1 tháng sau khi tiêm mũi đầu.
  • Mũi thứ 3: 6 tháng sau mũi đầu tiên.

Tiêm vắc xin viêm gan B ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh

Bệnh viêm gan B có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe cho bà mẹ và em bé có thể bị mắc bệnh này suốt đời. Do đó nên tiêm vắc xin này khi người mẹ có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao. Cho đến nay, chưa có ghi nhận nào cho thấy vắc xin viêm gan B ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai và cho con bú. Hơn nữa, đây là một loại vắc xin bất hoạt nên cũng không gây nguy hại nhiều đến sức khỏe của bé.

Những phụ nữ mang thai sẽ được xét nghiệm máu thường xuyên trong suốt thai kỳ để kiểm tra xem họ có bị nhiễm bệnh viêm gan B hay không. Nếu có thì em bé của các thai phụ này sẽ được tiêm ngay một liều vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều tiếp theo vào 1, 2 và 12 tháng tuổi và theo dõi thường xuyên trong suốt 12 tháng đầu đời. Trước đó, các bé còn được tiêm ngừa vắc xin HBIG để bảo vệ sức khỏe toàn diện hơn.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Hepatitis B vaccine. http://www.nhs.uk/conditions/vaccinations/pages/hepatitis-b-vaccine.aspx. [Ngày 24 tháng 12 năm 2015].
  2. Hepatitis B Vaccine. <http://www.hepb.org/hepb/vaccine_information.htm>. [Ngày 24 tháng 12 năm 2015].
  3. Hepatitis Health Center. http://www.webmd.com/hepatitis/hepb-guide/hepatitis-b-topic-overview. [Ngày 24 tháng 12 năm 2015].
  4. Hepatitis B. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/basics/definition/con-20022210. [Ngày 24 tháng 12 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com