Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một việc làm rất quan trọng nhưng không phải bố mẹ nào cũng nắm được những nguyên tắc cơ bản giúp bé giảm bớt sự sợ hãi và đau đớn. Nếu mẹ nào chưa biết thì tham khảo nhé!
Theo các tổ chức y khoa việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ bảo vệ trẻ thoát khỏi nhiều chứng bệnh nguy hiểm. Thế nhưng, sự đau đớn khi đi tiêm chủng/ chích ngừa đôi khi sẽ biến thành nỗi ám ảnh, khiến trẻ sợ hãi những lần tiêm chủng/ chích ngừa sau đó. Dưới đây là một số cách đơn giản nhưng hiệu quả mà bố mẹ có thể thực hiện để giúp trẻ đỡ đau.
1. Bố mẹ cần giữ bình tĩnh khi đi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh
Thực sự mà nói, mỗi khi đưa bé đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng, nhìn kim tiêm đâm vào làn da non nớt của bé và bé khóc ré lên, đôi khi mình và bà ngoại còn lo lắng và sợ hãi hơn cả bé nữa. Bà ngoại nhà mình cứ đưa cháu đi tiêm lần nào là bà khóc, cháu khóc trông đến thê thảm.
Thế nhưng bạn có biết rằng cảm xúc của bố mẹ hoàn toàn có thể lây sang bé? Một đứa trẻ dù chỉ mới vài tháng tuổi cũng có thể cảm nhận được sự lo lắng và sợ hãi của bố mẹ. Vậy nên, nếu mẹ tỏ ra lo lắng khi nhìn thấy kim tiêm, bé cũng sẽ phản ứng như thế. Ngược lại, nếu mẹ bình thản, coi như một việc làm bình thường, bé sẽ bình tĩnh hơn nhiều.
Ngày nay nhiều các ông bố mang con đi tiêm thay cho vợ vì đàn ông có thể là người bình tĩnh hơn đấy!
2. Dùng sản phẩm gây tê khi tiêm chủng
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những sản phẩm có thể giúp bé giảm đau khi tiêm chủng/ chích ngừa như kem, xịt gây tê chẳng hạn. Một số bố mẹ cho bé uống paracetamol trước và sau khi tiêm để giảm đau, tuy nhiên có một số nghiên cứu cho rằng hành động này có thể làm giảm hiệu quả của vacxin. Ở Việt nam, hầu hết các bố các mẹ đều không cho con uống hay sử dụng thuốc giảm đau trong khi đi tiêm.
Dùng sản phẩm gây tê khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh là không cần thiết!
3. Hãy đặt bé ở tư thế thoải mái khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh
Bé luôn cảm thấy an toàn nhất khi được nằm trong vòng tay bố mẹ. Khi tiêm chủng/ chích ngừa, “chuẩn” nhất là ôm bé ở tư thế bé đối mặt với bố hoặc mẹ, ngực bé áp vào ngực bố/ mẹ, tay và chân bé vòng quanh cơ thể người thân.
Bố mẹ có thể áp dụng tư thế này đến khi bé đạt 5 – 6 tuổi nhé. Ngoài ra, ngậm ti giả, đong đưa hoặc vuốt ve bé cũng có thể giúp bé cảm thấy thoải mái hơn nhiều.
4. Khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, hãy dùng lời nói để trấn an bé
Bố mẹ có biết không, lời nói của người thân đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm dịu bớt cơn đau cho bé đấy. Với trẻ sơ sinh, không cần biết bố mẹ nói gì, chỉ cần họ cất tiếng lên và bé nghe thấy giọng nói êm ái thân thương là bé đã cảm thấy an toàn hơn rất nhiều rồi.
Với trẻ lớn hơn một chút, ở độ tuổi mới biết đi và học mẫu giáo, thì nỗi sợ hãi bị tiêm thường lớn hơn nhiều so với cơn đau thực tế. Để trấn an bé, bố mẹ hãy giải thích cho bé hiểu tiêm chủng cho trẻ sơ sinh là việc rất quan trọng vì có thể giúp con ngừa được rất nhiều bệnh nguy hiểm.
Trong quá trình tiêm chủng/ chích ngừa, phụ huynh cũng nên thông báo cho bé trước những gì sắp xảy ra, chẳng hạn như “Bây giờ bác sĩ đang lau cồn sát trùng cho con. Con có thấy lành lạnh không?”
Bởi bé sợ tiêm chủng/ chích ngừa nên bạn cố gắng không nhắc đến từ “tiêm” hay “chích” nhé. Thêm một điều cần lưu ý nữa là khi bé sợ hãi, bé có xu hướng bỏ qua những từ mang ý nghĩa phủ định. Chẳng hạn, khi bố mẹ bảo “Đừng la hét nữa”, bé sẽ chỉ nghe mỗi từ “la hét” hoặc nếu bảo bé “Đừng khóc”, bé lại chỉ nghe từ “khóc” mà thôi. Vậy nên, tốt nhất bố mẹ nên sử dụng lời nói mang ý nghĩa tích cực để xoa dịu bé như “Con sẽ ổn thôi”, “ Xong ngay ấy mà”, “Con đúng là em bé dũng cảm”…
5. Một viên kẹo trước khi tiêm chủng cho trẻ
Cho bé ngậm một viên kẹo ngọt ngay trước khi tiêm chủng/ chích ngừa sẽ giúp bé bớt đau hơn. Với những bé còn quá nhỏ, bố mẹ có thể thoa nước đường vào ti giả cho bé.
6. Cho bé quyền chọn lựa khi tiêm chủng
Một số bé lớn hơn 3 tuổi muốn được xem chú bác sĩ hoặc cô y tá đang làm gì, một số khác lại không. Bố mẹ hãy cho bé được lựa chọn để chúng cảm thấy thoải mái và an toàn hơn. Nếu bác sĩ cho phép, bé có thể được chọn lựa sẽ được tiêm bên nào, trái hay phải. Thậm chí nếu la hét giúp bé bớt sợ hãi, hãy để bé la hét. Miễn là bố mẹ giữ thật chặt vùng cần được tiêm để các y tá có thể thực hiện được công việc của mình đúng quy trình.
7. Làm bé mất tập trung khi tiêm chủng
Khiến bé xao lãng, không chú ý đến việc tiêm chủng/ chích ngừa nữa sẽ làm giảm đáng kể sự đau đớn cho bé. Bạn có thể dùng một món đồ chơi mới để thu hút sự chú ý của bé, kể chuyện cho bé nghe, cho bé xem tranh ảnh, hình khối màu sắc…chẳng hạn.
8. Thưởng sau khi tiêm chủng cho trẻ
Bạn có thể hứa hẹn sẽ dẫn bé đi công viên hoặc mua một món đồ chơi mới cho bé sau khi tiêm xong, bé sẽ cảm thấy hứng khởi và việc tiêm chủng cho trẻ không còn quá sợ hãi với bé nữa. Quan trọng hơn, khi tiêm xong bạn đừng tiếc lời khen ngợi bé, thậm chí dù bé có khóc lóc hay la hét trong suốt lúc tiêm đi chăng nữa. Tuy bị tiêm đau, bé vẫn không quên lời khen của bố mẹ “con thật là một cô bé/ cậu bé ngoan” đâu.
9. Đừng hăm dọa bé bằng việc tiêm chủng/ chích ngừa
Khi bé không ngoan, nhiều bố mẹ thường hăm dọa thế này: “Nếu con còn khóc nữa thì mẹ sẽ mang con đến cho bác sĩ tiêm thuốc đấy”. Những lời hăm dọa thế này vô tình sẽ khiến việc tiêm chủng cho trẻ trở thành nỗi ám ảnh của bé sau này.
10. Giúp bé khắc phục chứng sợ tiêm chủng/ chích ngừa
Nếu bé đặc biệt bị ám ảnh bởi tiêm chủng/ chích ngừa, giải pháp lâu dài và hiệu quả nhất là hãy giúp bé giải tỏa nỗi sợ hãi này. Làm tốt được bước này thì việc tiêm chủng cho trẻ ở những lần sau sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn cho cả bé lẫn bố mẹ đấy.
Một khi bé đã cảm thấy kim tiêm thật “khủng khiếp”, bố mẹ hãy bình thường hóa món đồ “khủng khiếp” này bằng cách mua kim tiêm và ống nghe nhựa về cho bé chơi.
Bé sẽ đóng vai bác sĩ và búp bê hay bố mẹ là bệnh nhân. Thông qua những lần “tiêm chủng/ chích ngừa” giả vờ cho búp bê, bé sẽ cảm thấy kim tiêm trở nên quen thuộc hơn và bớt đáng sợ đi bội phần.
Trong trường hợp bố mẹ đã cố gắng thử đủ mọi cách nhưng vẫn thất bại, hãy tìm một chuyên gia tâm lý trẻ em cho bé ở các bệnh viện nhi. Họ được đào tạo để có thể giúp mọi trẻ em đối phó với những trải nghiệm y tế mà trẻ cảm thấy sợ hãi.
Một khi có thể thoải mái vượt qua buổi tiêm chủng/ chích ngừa, bé sẽ nhận ra được rằng bé hoàn toàn có thể kiểm soát được nỗi sợ của mình. Mà bạn biết rồi đấy, “đối phó với nỗi sợ hãi” vốn là một bài học đáng giá dành cho mọi lứa tuổi.
- Spock, B, Needlman, R, 2012, Baby and Childcare, 9th edn, Bookwell, Finland.
- Coping With Shots. Tham khảo tại: <http://www.whattoexpect.com/child-vaccinations/coping-with-shots.aspx>. [Ngày 18 tháng 11 năm 2014]
- Minimizing the Pain of Shots for Infants. Tham khảo tại: < http://www.whattoexpect.com/child-vaccinations/minimizing-pain-for-infants.aspx>. [Ngày 18 tháng 11 năm 2014]
- Easing Toddler Vaccination Fears. Tham khảo tại: < http://www.whattoexpect.com/child-vaccinations/toddler-vaccination-fears.aspx>. [Ngày 18 tháng 11 năm 2014]