Sức khỏe

Bệnh giun sán ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Có thể bé đã bị bệnh giun sán nếu bé ăn nhiều nhưng vẫn còi cọc, chậm lớn, để bé phát triển khỏe mạnh, mẹ nên chú ý tẩy giun cho bé theo định kỳ nhé.

Giun sán là những loài ký sinh trên một vật chủ sống, chúng hấp thụ chất dinh dưỡng ở cơ thể vật chủ để nuôi dưỡng và bảo vệ mình, trong khi đó chúng làm cho vật chủ trở nên còi cọc vì bị hút hết chất dinh dưỡng, suy nhược cơ thể. Ngoài ra, nhiễm giun sán còn có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, tắc ruột, viêm tắc đường mật, ho ra máu, viêm màng não… Hầu hết giun sán không gây được miễn dịch bảo vệ, vì vậy bé vẫn có thể  bị tái nhiễm. Đó là lý do mà các mẹ cần phải tẩy giun cho bé thường xuyên đấy!

Nguyên nhân bé bị nhiễm giun sán

Thực phẩm, nước, không khí ô nhiễm, phân, vật nuôi, động vật hoang dã và các vật dụng như bồn cầu toilet và tay nắm cửa đều có thể nhiễm bệnh giun sán. Thông qua nhiều con đường như miệng, mũi và hậu môn, khi trứng đi vào cơ thể người chúng thường cư trú ở ruột, nở ra, phát triển và nhân số lượng lên, đồng thời làm tổ trong đó. Những loại giun sán và ấu trùng này sống trong ruột non và thường được gọi là ký sinh trùng đường ruột. Đôi khi giun sán cũng có thể xâm nhiễm vào các vị trí khác trong cơ thể.

Triệu chứng từng loại giun sán

Tùy vào từng loại giun sán sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau như:

  • Giun đũa: khiến bé trở nên mệt mỏi, giảm cân, khó chịu, chán ăn, đau bụng và tiêu chảy. Nếu không điều trị bé có thể bị thiếu máu và suy dinh dưỡng.

Benh giun san o tre em nguyen nhan trieu chung va cach phong ngua hinh anh 1

Nếu bé bị nhiễm giun đũa, bé có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và chán ăn
  • Giun kim: gây ngứa hậu môn, da nhợt nhạt và khó chịu dạ dày. Nếu giun kim xâm nhập âm đạo ở các bé gái thì có thể gây tiết dịch và ngứa.
  • Sán heo (giun xoắn): thường khởi phát bằng nôn mửa, tiêu chảy và co thắt bụng. Sau đó là sốt cao, kèm sưng mặt và đau cơ. Nặng hơn giun có thể xâm nhập vào cơ, tim, não và có thể gây tử vong.
  • Sán dây: thường không có triệu chứng, một số bé có thể bị đau bụng, mệt mỏi, sụt cân và­­ tiêu chảy khi bị sán dây.
  • Sán lá gan: hầu hết những trường hợp bị nhiễm sán lá gan thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số trường hợp bị nhiễm sán lá gan bị phát ban, ngứa, đau nhức cơ, ho, ớn lạnh và sốt. Bé vẫn có thể bị nhiễm đi nhiễm lại hoài mặc dù sau đó sán sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể. Sự nhiễm trùng lặp đi lặp lại này rất nguy hiểm vì có thể gây hại cho gan, bàng quang, ruột và phổi. Trong một số trường hợp hiếm hoi, sán có thể xâm nhập vào tủy sống hoặc não, gây ra co giật và tê liệt.

Tẩy giun sán cho bé như thế nào?

Một số thuốc có thể sử dụng để tẩy bệnh giun sán cho bé (những giun kí sinh trong đường ruột) là pyratel pamoate (Hatamintox, Pyrantel 125 mg) và mebendazole (Amfucar 500, Benda 500, Fubenzon 500mg). Giun đũa có thể điều trị bằng pyratel pamoate và mebendazole, albendazole (Albendazol, Adazol 400mg, ABZ). Sán dây lợn có thể điều trị bằng niclosamide (Niacin 500, Tanox), sán dây bò có thể điều trị bằng praziquantel, mebendazole, bithionol. Sán lá có thể điều trị bằng praziquantel (Distocide, Distocide 600mg, Prazintel 600mg)

Một số vấn đề cần lưu ý sau khi dùng thuốc:

  • Theo dõi dị ứng do thuốc và hiện tượng đề kháng thuốc giun sán, nếu có thì phải liên lạc với các bác sĩ ngay các mẹ nhé.
  • Cần theo dõi chặt chẽ sau khi dùng thuốc cho các bé dưới 4 tuổi.
  • Sau khi tẩy giun kim cho bé, để tránh tái nhiễm mẹ cần phải phối hợp với vệ sinh hậu môn và điều trị cho cộng đồng trong gia đình (hoặc nhà trẻ) cùng một thời gian.

Phòng ngừa giun sán

Thường xuyên rửa tay, làm sạch thường xuyên phòng tắm và nhà bếp, nhất là các nắm cửa, nấu chín thực phẩm một cách kỹ lưỡng – chủ yếu là thịt bò, thịt lợn, xúc xích,… là những cách đơn giản nhưng có thể phòng ngừa giun sán.

Benh giun san o tre em nguyen nhan trieu chung va cach phong ngua hinh anh 2

Nhắc nhở bé rửa tay trước khi ăn là cách đơn giản giúp bé phòng ngừa giun sán

Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt cũng cần được khử trùng bằng clo để hạn chế bệnh giun sán cho bé yêu.




  1. What are helminths? Đọc thêm tại: <http://www.news-medical.net/health/What-are-Helminths.aspx>. [Ngày 30 tháng 12 năm 2014]
  2. Definition of helminth. Đọc thêm tại: <http://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=12321>. [Ngày 29 tháng 12 năm 2014]
  3. Một số thuốc điều trị giun sán thường dùng hiện nay. Đọc thêm tại: <http://bachmai.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=814>. [Ngày 31 tháng 12 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com