Nuôi con

Cả nhà “nhốn nháo” khi đón bé chào đời

Mỗi gia đình sẽ có cách đón bé chào đời khác nhau, nhưng dù cách nào đi nữa thì vẫn có điểm chung là thể hiện tình yêu của cha mẹ dành cho con sau những tháng ngày mang thai và mong chờ.

Tớ thích nhất là khoảng thời gian ở trong bụng mẹ. Thời điểm đó rất tuyệt vì hầu như mọi hoạt động mẹ con tớ đều làm cùng nhau. Nhưng dĩ nhiên là tớ chẳng thể ở trong bụng mẹ mãi được, sau 9 tháng là tớ chính thức “bước vào đời”. Điều ngạc nhiên là mọi người chào đón một em bé mới sinh như tớ theo những cách riêng rất đáng yêu, điều này làm tớ thích thú lắm.

Mẹ có thể đón bé chào đời với nhiều cảm xúc

Trải qua quá trình mang thai với nhiều biến đổi trong cơ thể cùng với biết bao cảm xúc lo lắng, hồi hộp và cả những cơn nghén khó chịu, rồi đến những cơn đau “thấu trời xanh” trong và sau khi sinh nên hiển nhiên mẹ đón tớ bằng cảm xúc đặc biệt nhất. Đó là cảm giác tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, lo lắng và hồi hộp, vụng về và lúng túng. Đó còn là sự bâng khuâng vì biết từ đây mình sẽ sống theo cách rất khác, có trách nhiệm hơn.

Với các mẹ sinh thường thì vết thương lành nhanh hơn sinh mổ và thời gian nằm viện theo dõi sau sinh cũng ít hơn. Vì một số lí do về cơ địa như hẹp xương chậu, và đã bị cạn nước ối mà bác sĩ khuyên mẹ tớ mổ lấy con cho an toàn. Mẹ đau đến nổi không ngồi được, không đi được trong ngày đầu sau mổ, thấy thương mẹ ghê.

chao-don-thanh-vien-moi-be-moi-sinh-hinh-anh1

Để có thể đón bé chào đời một cách suôn sẻ mẹ đã trải qua không biết bao nhiêu là đau đớn!

Thông thường bác sĩ sẽ khuyên các mẹ sinh mổ cố gắng đi lại để tránh việc ruột dính vào vết thương gây biến chứng về sau.

Dù đau đớn nhưng mẹ vẫn làm nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng là cho em bé mới sinh như tớ bú ti. Lúc này, cơ thể mẹ tiết ra chất sữa màu vàng gọi là sữa non. Sữa non có rất nhiều chất đề kháng và rất tốt cho trẻ sơ sinh chúng mình đó bạn. Không có một công thức chuẩn nào qui định tư thế mẹ ngồi sau khi sinh, chủ yếu là mẹ chọn tư thế ngồi thật thoải mái để tránh các vết thương làm mẹ đau. Vết thương sẽ lành sau khoảng 2 tuần thôi. Mẹ tớ còn được các cô, các dì đã từng có em bé và các cô y tá chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm về việc chăm sóc tớ và chăm sóc sức khoẻ của mẹ sau sinh nữa.

Mẹ tớ thường bảo em bé nào cũng sinh ra từ tình yêu của bố mẹ dù chúng mình có xinh đẹp hay không đẹp, mũi cao hay mũi tẹt, đen hay trắng, cao hay lùn, dù bạn có giống bố, mẹ hay ông bà nội, ngoại.

Không may là mẹ tớ bị chứng trầm cảm sau sinh. Nguyên nhân là do nội tiết thay đổi. Vì thế tâm trạng của mẹ tớ ủ rũ buồn bã vì quá lo lắng việc làm sao chăm sóc tớ tốt nhất. Cảm giác trống rỗng xâm chiếm tâm trạng và mẹ trở nên thờ ơ với mọi thứ kể cả bố. Điều này rất khác với người mẹ vui vẻ, hạnh phúc khi mang thai tớ. Nhưng nhờ sự quan tâm của bố và sự can thiệp kịp thời của bác sĩ mà sau đó, tâm trạng mẹ tớ trở nên tốt hơn.

chao-don-thanh-vien-moi-be-moi-sinh-hinh-anh2

Có rất nhiều bà mẹ bị mắc hội chứng trầm cảm sau sinh giống như mẹ tớ đấy!!!

Còn bố, bố chào đón tớ với một tâm trạng khác hẳn mẹ

Dù không “mang nặng đẻ đau” nhưng bố cũng rất hồi hộp mong chờ sự ra đời của tớ. Đầu tiên bố chuẩn bị tâm lí làm bố trẻ con. Ngay khi vừa trông thấy tớ lần đầu bố đã rất ngạc nhiên xen lẫn vui mừng và thở phào như trút được nỗi lo khi mẹ ở trong phòng sinh. Bố rất háo hức bế tớ dù còn khá vụng về. Bố còn so sánh tớ giống bố điểm nào nhất nữa.

Ngoài ra bố còn chia sẻ với mẹ việc chăm sóc tớ vì mẹ vẫn còn chưa khoẻ hẳn. Bố cho tớ bú bình ban đêm, tắm rửa và ru tớ ngủ nữa. Mẹ luôn miệng bảo bố làm mẹ phải ngạc nhiên quá, trông bố giống như người chăm trẻ chuyên nghiệp vậy. Phải công nhận là sự có mặt của tớ mang lại nhiều điều tích cực nhỉ!

chao-don-thanh-vien-moi-be-moi-sinh-hinh-anh3

Tâm trạng của bố khi đón bé chào đời khác hẳn với mẹ.

Tớ cũng tò mò không biết anh chị chào đón em bé mới sinh như thế nào nhỉ?

Chị Na của tớ cũng chào đón tớ theo cách riêng của chị. Trước khi có tớ, chị là con một, được cưng ghê lắm, giờ tớ chui ra lại là bé sơ sinh nên ba mẹ dành thời gian chăm sóc tớ nhiều hơn nhưng chị ấy vẫn rất vui vẻ không có thái độ sợ hãi và ghen tị khi có một nhóc tì lấy đi gần hết sự quan tâm của ba mẹ gì cả. Sở dĩ như vậy là nhờ ba mẹ tớ đã làm công tác tư tưởng cho chị rồi.

Lúc mang thai, ngày nào mẹ cũng cùng chị nói chuyện với tớ, còn đưa chị đi mua đồ sơ sinh cho tớ nên chị háo hức được gặp tớ lắm. Ngay hôm đầu tiên tớ ra đời ba đưa chị đến thăm mẹ và tớ, chị rất vui. Chị khen tớ nhỏ xinh như búp bê, chị còn giúp mẹ lấy khăn, lấy tã cho tớ. Chị cũng yêu tớ như ba mẹ vậy.

Tớ là một em bé may mắn và hạnh phúc khi được mọi người yêu thương phải không? Còn bạn, khi chào đời, bạn đã được chào đón như thế nào? Có giống như tớ không? Có lẽ, mỗi gia đình sẽ có cách đón bé chào đời riêng, phù hợp với hoàn cảnh mỗi nhà. Nhưng tớ tin rằng bất cứ bậc cha mẹ nào cũng luôn yêu con của mình nhất, bạn nhỉ!

Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh và mẹ sau sinh 



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Hội chứng “baby blues” ở phụ nữ sau khi sinh. Đọc thêm tại: <http://dantri.com.vn/suc-khoe/hoi-chung-baby-blues-o-phu-nu-sau-sinh-336698.htm>. [Ngày 3 tháng 5 năm 2015]
  2. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA – Trang 136-141.
  3. Ngo, Q.T., 2012, Mẹ và bé sau khi sinh, NXB phụ nữ, Hà nội
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com