Sức khỏe

Chữa hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có quá khó?

Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể được điều trị bằng phẫu thuật không quá phức tạp nếu được chẩn đoán sớm. Vì vậy, ngay khi thấy trẻ bị nôn nhiều, bố mẹ nhớ để ý những hoàn cảnh xuất hiện nôn và tình trạng trồi sụt cân để thông báo cho bác sĩ trong khi chẩn đoán.

Khi nào cần đưa bé đi bác sĩ

Hẹp môn vị là khi môn vị bị phì đại, thức ăn bị ứ lại trong dạ dày khiến cho bé phải nôn ra. Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một tình trạng khẩn cấp cần phải được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Hãy đưa bé đến bác sĩ nếu bé nôn ói và có bất kì các triệu chứng sau đây:

  • Ói liên tục hay ói vọt ngay sau khi ăn
  • Tăng cân chậm hoặc sụt cân
  • Lừ đừ, không năng động
  • Đi cầu ít phân hoặc không đi cầu trong vòng 1 – 2 ngày
  • Có dấu hiệu mất nước: 4 – 6 tiếng chưa ướt tã
  • Thóp trên đầu bé lõm, mắt trũng.

Chẩn đoán hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về cách ăn uống của bé cũng như các tính chất của nôn, bao gồm hoàn cảnh xuất hiện nôn. Đây là phần quan trọng nhất trong việc chẩn đoán bệnh hẹp môn vị.

Sau đó, bé sẽ được thăm khám để phát hiện tình trạng sụt cân hay chậm lớn từ lúc mới sinh. Bác sĩ sẽ khám bụng cho bé để tìm khối gồ lên trên bụng (đây là dấu hiệu quan trọng của bệnh hẹp môn vị phì đại bẩm sinh).

Chữa hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có quá khó

Chẩn đoán bệnh hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh cần thiết:

  • Siêu âm: Đây là tiêu chuẩn hình ảnh đặc trưng cho bệnh. Thành cơ dày từ 3mm trở lên và ống môn vị dài từ 14mm trở lên được xem là dấu hiệu bất thường ở những bé sơ sinh dưới 30 ngày tuổi.
  • Chụp đường tiêu hóa trên bằng Barium: Phương pháp này rất hiệu quả khi phương pháp siêu âm không thể chẩn đoán được bệnh. Bé sẽ được cho uống một ít dung dịch có màu như sữa chứa barium và chụp phim X-quang đểbác sĩ quan sát vùng môn vịcó bị hẹp hay tắc nghẽn không.
  • Xét nghiệm máu: Thông thường các bé có dấu hiệu nghi ngờ bị hẹp môn vị sẽ được cho làm xét nghiệm máu vì việc nôn ói nhiều cùng với việc mất dịch sẽkhiến bé dễ bị rối loạn điện giải và cần phải bổ sung chất điện giải cho bé nếu cần.
  • Nội soi tiêu hóa: Được dùng cho những bé có triệu chứng lâm sàng không điển hình và trong trường hợp những phương pháp xét nghiệm hình ảnh học trên vẫn không cho ra được chẩn đoán xác định.

Điều trị hẹp môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khó?

Khi được chẩn đoán hẹp môn vị phì đại, bé sẽ được cho nhập viện để chuẩn bị phẫu thuật. Tất cả các vấn đề về mất nước và điện giải sẽ được giải quyết bằng truyền dịch qua đường tĩnh mạch trong vòng 24 giờ.

Một phương pháp phẫu thuật gọi là phẫu thuật mở cơ môn vị ở trẻ sẽ được thực hiện. Phần thành cơ bị dày lên của môn vị sẽ được rạch để giải tỏa sự tắc nghẽn của dạ dày. Các cơ bị tăng trưởng quá mức và dày lên sẽ được dàn trải ra và không bị co quá mức nữa. Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi.

Đa số các bé có thể ăn uống lại được khá nhanh, trong khoảng từ 3 – 4 giờ sau phẫu thuật. Vùng vết mổ có thể bị sưng lên khiến bé vẫn còn bị nôn trong khoảng 1 ngày sau phẫu thuật. Nếu không có biến chứng gì, bé có thể ăn uống bình thường và về nhà sau 1 – 2 ngày.




  1. Infantile hypertrophic pyloric stenosis. Đọc thêm tại: <http://cursoenarm.net/UPTODATE/contents/mobipreview.htm?21/52/22336>. [Ngày 12 tháng 7 năm 2015].
  2. Pyloric stenosis. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/medical/digestive/pyloric_stenosis.html#>. [Ngày 12 tháng 7 năm 2015].
  3. Pediatric hypertrophic pyloric stenosis. Đọc thêm tại: <http://emedicine.medscape.com/article/929829-overview>. [Ngày 12 tháng 7 năm 2015].
  4. Pyloric stenosis.  Đọc thêm tại: <http://pedsurg.ucsf.edu/conditions–procedures/pyloric-stenosis.aspx>. [Ngày 12 tháng 7 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com