Hầu hết các trường hợp sưng hạch bạch huyết ở trẻ nhỏ không quá nghiêm trọng, chúng sẽ trở lại kích thước như cũ sau khi nguyên nhân gây sưng đã hết.
Hạch bạch huyết bị sưng
Hạch bạch huyết là một phần quan trọng của hệ thống phòng vệ của cơ thể, có chức năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Cơ thể chúng ta có hơn 600 các hạch bạch huyết phân bố khắp nơi trong cơ thể ngoại trừ não và tim. Các hạch bạch huyết thường được tìm thấy ở vùng gần nách, cổ và háng, chúng cũng có thể được tìm thấy ở vùng ngực và xung quanh các mạch máu lớn quanh bụng. Các hạch bạch huyết thường có kích thước bằng hạt đậu Hà Lan, tùy theo vị trí của chúng mà có thể có kích thước từ 0.5-1.5 cm.
Khi các hạch bạch huyết của trẻ bị phình to hoặc sưng lên một cách bất thường, điều đó chứng tỏ cơ thể bé đang bị nhiễm trùng hoặc mắc phải một bệnh lý nào đó, khiến các tế bào lympho của hệ bạch huyết phải hoạt động mạnh mẽ hơn bình thường để sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các tác nhân gây hại cơ thể.
Trẻ bị sưng hạch bạch huyết có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Vết cắt, vết trầy xước, vết côn trùng cắn; cảm lạnh hoặc viêm tai; nhiễm khuẩn như đau họng; nhiễm vi rút như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (mononucleosis).
Các dấu hiệu của bệnh
Khi bé bị sưng hạch bạch huyết, bạn có thể sờ hoặc nhìn thấy bằng mắt thường, nếu lấy tay ấn vào các hạch, bé sẽ có cảm giác đau. Rất ít trường hợp sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu của một khối u nào đó, nhất là khi tình trạng sưng kéo dài nhưng không có các dấu hiệu khác như tấy đỏ hoặc đau nhức kèm theo.
Thông thường, nếu bạn nhìn gần chỗ hạch bị sưng của bé, bạn sẽ thấy dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc vết xước. Ví dụ, đau họng thường sẽ làm cho các hạch trong cổ sưng lên, hoặc bị nhiễm trùng trên cánh tay sẽ làm sưng hạch bạch huyết dưới nách. Các hạch dưới cổ và ngay phía trên xương đòn bị sưng có thể do bị nhiễm trùng hoặc trong trường hợp nghiêm trọng có thể là do có một khối u ở ngực.
Nếu bé có bất kì dấu hiệu nào dưới đây, bạn nên sớm đưa bé đến bệnh viện:
- Hạch bạch huyết bị sưng và đau hơn năm ngày.
- Hạch bạch huyết có kích thước lớn hơn 2,5 cm hoặc kích thước lớn hơn 12mm kéo dài hơn 1 tháng .
- Sốt cao hơn 101 độ F (38,3 độ C).
- Sưng hạch khắp cơ thể.
- Bé có vẻ mệt mỏi, thờ ơ hoặc mất cảm giác ngon miệng.
- Các hạch sưng phồng một cách nhanh chóng, hoặc vùng da phía trên hạch chuyển sang màu đỏ hay màu tím.
Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị sưng hạch bạch huyết ở trẻ
- Swollen Glands. Shelov, SP & Altmannn TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA
- Lymph Nodes- Swollen. Đọc thêm tại: <http://www.seattlechildrens.org/medical-conditions/symptom-index/swollen-lymph-nodes/>. [Ngày 10 tháng 04 năm 2015].
- Ung thư hạch bạch huyết. Đọc thêm tại: <https://www.singhealth.com.sg/PatientCare/Overseas-Referral/vt/Conditions/Pages/Lymphoma-Cancer.aspx>. [Ngày 11 tháng 04 năm 2015].
- When Your Child Has Swollen Lymph Nodes. Đọc thêm tại: <http://www.uofmchildrenshospital.org/healthlibrary/Article/89373>. [Ngày 13 tháng 04 năm 2015].
- Swollen lymph glands. Đọc thêm tại: <http://raisingchildren.net.au/articles/lymph_glands.html>. [Ngày 13 tháng 04 năm 2015].