Nuôi con

Có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên

Việc có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên là một cú sốc đối với gia đình. Khi trẻ lo sợ phải đối mặt với sự chối từ hoặc sỉ vả, trẻ có thể phá thai hoặc giữ bí mật về việc mang thai lâu nhất có thể.

Khi có thai ngoài ý muốn, trẻ vị thành niên thường phản ứng như thế nào?

Dù trong tình huống nào, việc có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên vẫn là một cú sốc đối với gia đình và việc này không hề được chào đón một chút nào cả. Những người lâm vào tình cảnh này thường sống trong hỗn loạn, ít nhất là một thời gian. Sau đó, trẻ bắt buộc phải đưa ra quyết định đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Đó là giữ lại đứa trẻ, như lựa chọn của 50% các bà mẹ tuổi vị thành niên, hay là bỏ thai?

Có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên

Trẻ có thai ngoài ý muốn thường cảm thấy lo sợ và thậm chí còn nghĩ đến chuyện phá thai để che giấu bí mật này

Hi vọng rằng các cô gái biết mình có thể tin tưởng vào sự hướng dẫn và ủng hộ của cha mẹ để đối mặt với những sự lựa chọn này. Một khi những người trẻ lo sợ phải đối mặt với sự chối từ hoặc sỉ vả từ gia đình, có khả năng họ sẽ cố gắng phá thai hoặc giữ bí mật về cái thai lâu nhất có thể.

Tuy nhiên, sự lo lắng về phản ứng của cha và mẹ không phải là lý do duy nhất khiến một cô gái giấu việc mình mang thai. Người phụ nữ trẻ có thể chối bỏ khủng khiếp, chối bỏ đơn giản là do họ không thể chấp nhận thực tế này. Ngày nay, thời trang áo rộng kiến các cô gái dễ dàng che giấu bụng bầu, và có thể che giấu trong suốt thời gian mang thai mà không ai nhận ra bụng cô ấy đang to dần. Vì vậy, nếu nghi ngờ con mình mang thai, mẹ có thể để ý một số dấu hiệu sau đây.

Các dấu hiệu cho biết trẻ vị thành niên mang thai

Dưới đây là một số dấu hiệu cho biết trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn:

  • Trễ kinh. Trễ một hoặc nhiều kỳ kinh là dấu hiệu kinh điển của việc mang thai. Nhưng điều này lại khó khăn với trẻ ở tuổi vị thành niên, khi mà chu kỳ kinh nguyệt của trẻ chưa đều đặn. Vấn đề này cũng khó xác định đối với những trẻ bị tắt kinh do chế độ ăn uống hoặc tập luyện thể thao quá độ.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Đột ngột ác cảm dữ dội với một số loại thức ăn, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên.
  • Núm vú hoặc vú bị đau.
  • Mệt mỏi bất thường.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Thay đổi cảm xúc bất thường.

Nếu bạn nghi ngờ con gái mình mang thai với những dấu hiệu trên, nhưng đứa con lại cố giấu giếm, hãy làm theo những gì trực giác bạn mách bảo, nhưng hãy khéo léo vào nhé. Bạn có thể nói những câu đại loại như: “Con yêu à, con than với mẹ là tuần qua con thấy mệt và buồn nôn, con vào phòng tắm nhiều lắm đó. Con không sao chứ? Con làm mẹ nhớ lại cảm giác lúc mẹ đang có bầu”.  Từ những câu nói tưởng chừng bâng quơ như thế này, bạn sẽ thấy được phản ứng của con, từ đó, hãy tìm cách xử trí khéo léo và phù hợp.

Các nguy cơ sức khỏe nếu trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn

Việc có thai ngoài ý muốn ở độ tuổi vị thành niên sẽ có nhiều nguy cơ về sức khỏe cho cả mẹ và bé hơn so với những phụ nữ mang thai ở độ tuổi 20, 30. Nhưng nếu trẻ vị thành niên được chăm sóc, được hỗ trợ thì những nguy cơ này có thể giảm.

Theo thống kê có khoảng 1/3 các thiếu nữ từ 15 -19 tuổi và phân nửa các bé gái dưới 15 tuổi có thai ngoài ý muốn và không nhận được bất kỳ sự chăm sóc nào trong ba tháng đầu thai kỳ. Thiếu sự chăm sóc về y khoa có thể dẫn đến những vấn đề về sau, và nếu họ quyết định giữ đứa trẻ, nguy cơ cả mẹ lẫn bé gặp nguy hiểm sẽ tăng cao.

Nếu trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn, trẻ có thể gặp một số vấn đề sau:

  • Thiếu chất dinh dưỡng: Không bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khi mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ví dụ như thiếu axit folic có thể gây khuyết tật bẩm sinh ở bé.
  • Huyết áp cao: Trẻ mang thai tuổi vị thành niên có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn so với phụ nữ mang thai ở những năm 20 hoặc 30 tuổi. Trẻ cũng có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn.

Có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên hình ảnh 2

Trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn sẽ có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn so với phụ nữ mang thai trên 20 tuổi
  • Sinh non: Một thai kỳ đủ tháng kéo dài khoảng 40 tuần. Một em bé chào đời trước 37 tuần được xem là trẻ sinh non. Bé được sinh ra càng sớm, càng có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, thị lực, nhận thức và các vấn đề khác.
  • Sinh con nhẹ cân: Trẻ vị thành niên có nguy cơ sinh con nhẹ cân cao. Trẻ sơ sinh nhẹ cân có cân nặng chỉ khoảng 1,5 – 2,5 kg.
  • Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục: Đối với trẻ mang thai tuổi vị thành niên có quan hệ tình dục trong khi mang thai, các bệnh lây qua đường tình dục, như  chlamydia và HIV, là một mối quan tâm lớn, có thể ảnh hưởng đến tử cung và thai nhi.
  • Cảm giác một mình và cô đơn: Đặc biệt đối với những trẻ nghĩ rằng trẻ không thể nói cho cha mẹ biết việc mình mang thai, trẻ sẽ cảm thấy hoảng sợ, cô đơn, và đó là một vấn đề thực sự. Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình hoặc những người lớn khác, trẻ sẽ ít có khả năng ăn uống tốt, tập thể dục hoặc nghỉ ngơi đầy đủ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cả mẹ và bé.

Có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên hình ảnh 3

Trẻ vị thành niên sẽ có cảm giác một mình và cô đơn nếu không có sự hỗ trợ của gia đình
  • Trầm cảm sau sinh: Trẻ mang thai tuổi vị thành niên có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn. Trầm cảm có thể gây trở ngại cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh và cả bà mẹ trẻ, nhưng nó có thể được điều trị.

Làm thế nào để giảm các nguy cơ về sức khỏe cho trẻ mang thai tuổi vị thành niên?

Các gợi ý sau đây có thể giúp trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn giảm các nguy cơ về sức khỏe:

  • Đi khám thai sớm: đi khám càng sớm càng tốt nếu trẻ nghĩ rằng mình đã có thai.
  • Không hút thuốc lá, dùng ma túy hay uống rượu: chúng gây hại cho thai nhi và cả sự phát triển của bà mẹ vị thành niên. Nếu trẻ không thể tự mình bỏ các thứ trên, bạn hãy nhờ sự giúp đỡ từ các bác sĩ, chuyên gia.
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục trong khi mang thai để ngăn nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.
  • Dùng đủ vitamin trước khi sinh: ít nhất 0,4 mg axit folic mỗi ngày để giúp ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh cho em bé. Lý tưởng là nên dùng trước khi mang thai.
  • Hỗ trợ về tình cảm: đây là điều cực kỳ quan trọng. Sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình và cha của đứa bé sẽ là nguồn động lực lớn giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này đấy.


  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 231 – 233.
  2. Maternal, newborn, child and adolescent health. Đọc thêm tại: <http://www.who.int/maternal_child_adolescent/topics/maternal/adolescent_pregnancy/en/>. [Ngày 14 tháng 9 năm 2015].
  3. Teen Pregnancy: Medical Risks and Realities. Đọc thêm tại: < http://www.webmd.com/baby/guide/teen-pregnancy-medical-risks-and-realities>. [Ngày 14 tháng 9 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com