Nuôi con

Giúp trẻ thay đổi hành vi phù hợp với sự kỳ vọng của cha mẹ

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng truyền đạt những kỳ vọng cao cho con là một cách giúp con phát triển tốt. Tuy nhiên, đôi khi kỳ vọng của cha mẹ lại không phù hợp với trẻ. Vì vậy, thay đổi hành vi của trẻ phù hợp với sự kỳ vọng của cha mẹ, và điều chỉnh kỳ vọng của cha mẹ đối với trẻ, là điều cần thiết.

Hai loại kỳ vọng chính

Ai chẳng mong muốn con mình lớn lên khỏe mạnh, thông minh, xinh đẹp, học hành giỏi giang, công việc ổn định,.vv..v.. Những mong muốn đó còn có tên gọi khác là sự kỳ vọng.

Nếu cha mẹ nhận biết những gì nên được kỳ vọng cho trẻ (ở một độ tuổi nhất định) sẽ là một bắt đầu tốt để thiết lập những kỳ vọng phù hợp trong tương lai.

Thông thường, hai loại kỳ vọng mà cha mẹ thường đặt ra cho trẻ là về hành vi hoặc thành tích, trong đó:

  • Hành vi: Là những hoạt động cha mẹ mong muốn trẻ thực hiện và phát triển nó, chẳng hạn như: trẻ có cách cư xử, có khát vọng, tính siêng năng và biết chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.
  • Thành tích: Thường là những mong đợi của cha mẹ về vấn đề học vấn (kết quả học tập) hoặc trong lĩnh vực giải trí như các hoạt động thể thao, nghệ thuật hoặc âm nhạc.

Giúp trẻ thay đổi hành vi phù hợp với sự kỳ vọng của cha mẹ

Thiết lập những kỳ vọng phù hợp với độ tuổi và khả năng của con

Những lưu ý khi thiết lập kỳ vọng cho con

Dưới đây là một số nguyên tắc cha mẹ cần lưu ý khi thiết lập và truyền đạt những kỳ vọng cho con:

Rõ ràng: Trình bày những kỳ vọng này một cách rõ ràng, dứt khoát, có khả năng thực hiện được và phải hợp lý.

Sự hòa hợp: Cần có sự tán thành và hòa hợp giữa những kỳ vọng của cả cha mẹ và trẻ.

Mục tiêu nhỏ: Cha mẹ và trẻ nên thiết lập những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn để trẻ có thể đạt được mục tiêu đều đều và ổn định từng bước. Những mục tiêu này cần đảm bảo sẽ làm hài lòng cả cha mẹ và trẻ khi trẻ đạt được.

Ghi nhận nỗ lực của trẻ: Cha mẹ cần ghi nhận những nỗ lực thật sự của trẻ, thậm chí khi trẻ không đáp ứng được hoàn toàn những kỳ vọng đó.

Điều chỉnh: Hãy sẵn sàng xem xét và điều chỉnh khi trẻ không có khả năng đáp ứng phù hợp với những kỳ vọng mà cha mẹ đặt ra.

Lịch trình ngắn hạn và thực tế: Cha mẹ nên thiết lập lịch trình ngắn hạn và thực tế để trẻ có thể thực hiện các mục tiêu hành vi cụ thể.

Chẳng hạn, cha mẹ có thể đưa ra mục tiêu “Vào hai tuần cuối tháng, con phải tự thu dọn quần áo của mình 4 ngày/tuần”. Điều này có nghĩa là trước giờ trẻ chưa bao giờ tự dọn quần áo của mình, nhưng đây là mục tiêu cụ thể cha mẹ muốn trẻ thay đổi và trẻ có thể đạt được.

Tốt nhất, cha mẹ nên thiết lập những kỳ vọng ngắn hạn và thực tế dựa trên những điểm mạnh của trẻ, điều đó sẽ góp phần xây dựng sự tự tin và cũng là điều cần thiết để trẻ đạt được những thành công lâu dài.

Giúp trẻ thay đổi hành vi phù hợp với sự kỳ vọng của cha mẹ hình ảnh 2

Đặt ra những lịch trình ngắn hạn và thực tế cho con

Họp gia đình: Cuộc họp gia đình là không gian tuyệt vời để thảo luận về những kỳ vọng thích hợp giữa cha mẹ và trẻ, qua đó, cha mẹ và trẻ có thể bàn về những phương pháp thực hiện nhằm đạt được mục tiêu, những phần thưởng cũng như hình phạt.

Để làm giảm tình trạng bất hòa giữa các thành viên, cha mẹ nên ghi lại những vấn đề quan trọng trong cuộc thỏa thuận này.

Giúp trẻ thay đổi hành vi phù hợp với sự kỳ vọng của cha mẹ

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi của trẻ
Trẻ em hiếm khi có những hành vi không lý do, hầu hết những hành vi của trẻ đều có mục đích hoặc có ít nhất một nguyên nhân. Và sẽ rất hữu ích khi cha mẹ và trẻ cố gắng nhớ lại tình huống trước khi trẻ có hành vi không thể chấp nhận với những câu hỏi như: “Lúc đó mẹ và con đã ở đâu và đang làm gì? Còn ai khác đã có mặt ở đó? Những người này đã nói gì và với giọng điệu ra sao?”

Nói chuyện với trẻ về những câu hỏi này là một cách tốt để cha mẹ hiểu hơn về cách trẻ nhìn nhận các vấn đề. Với những thông tin mới này, cha mẹ sẽ dễ dàng giúp trẻ phát triển những hành vi theo hướng tích cực và đáp ứng được sự kỳ vọng của cha mẹ.

Giúp trẻ thay đổi hành vi phù hợp với sự kỳ vọng của cha mẹ hình ảnh 3

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi của trẻ

Bình tĩnh và gợi ra một số hành vi thay thế cho trẻ
Nếu trẻ thường xuyên bắt nạt anh chị em ruột, cha mẹ cần bình tĩnh và nói nhẹ nhàng để trẻ hiểu rằng những hành vi bắt nạt như vậy là không được phép, nhưng những bất đồng và tranh cãi là chuyện bình thường và có thể chấp nhận được.

Cha mẹ cần giải thích và liệt kê ra một số kỳ vọng, hành vi thích hợp và có thể thay thế (tranh luận, chia sẻ, lần lượt từng người trình bày ý kiến).

Trẻ cần hiểu rằng nếu trẻ còn có những hành vi hung hăng, bắt nạt anh chị em, trẻ sẽ nhận một lời cảnh cáo và mất một đặc quyền (chẳng hạn không được xem truyền hình trong một ngày hoặc không được bạn bè qua chơi cùng).

Nếu những hành vi này lại xảy ra, cha mẹ cần thực hiện đúng quy tắc, trẻ phải chịu hậu quả và sự trừng phạt như đã đề cập trước đó.

Hình phạt cần phù hợp với hành vi, độ tuổi và khả năng của trẻ
Cha mẹ cần có những hình phạt (cũng như lời khen ngợi) ngay sau khi trẻ có những hành vi xấu (hoặc tốt), điều này sẽ làm giảm bớt những vấn đề liên quan đến hành vi của trẻ trong tương lai và phần nào đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ. Tuy nhiên, những hình phạt cần phù hợp với hành vi, độ tuổi và khả năng của trẻ và không nên có những hình phát quá mức đối với trẻ.

Do đó, sự trừng phạt tốt nhất dành cho trẻ là mất một đặc quyền trong ngày hôm đó hoặc ngày tiếp theo chứ không phải là tháng sau. Để biện pháp kỷ luật và khen thưởng đạt hiệu quả, cha mẹ cần thỏa thuận, không gây cản trở hoặc làm giảm sự ưu tiên và những nỗ lực của nhau.

Giúp trẻ thay đổi hành vi phù hợp với sự kỳ vọng của cha mẹ hình ảnh 4

Cha mẹ cần hình phạt hoặc lời khen ngợi phù hợp với hành vi, độ tuổi và khả năng của trẻ

Triển khai chương trình cải tiến hành vi cho trẻ
Kế hoạch này sẽ bao gồm việc cải tiến các hành vi của cả cha mẹ và trẻ. Nội dung của kế hoạch sẽ ngăn cản các hành vi tiêu cực, khuyến khích và hỗ trợ các hành vi tích cực, đồng thời thiết lập những kỳ vọng phù hợp với mục đích và thời gian thực hiện.

Thậm chí nếu cha mẹ đặt ra kế hoạch thực hiện chương trình thay đổi hành vi riêng cho trẻ, cha mẹ có thể tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia tâm lý về hành vi để được tư vấn và hỗ trợ.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Edward L. Schor, MD, FAAP,  2004, Caring for Your School-Age Child Ages 5 to 12, 3th edn, American Academy of Pediatrics, USA.
  2. Great Expections: What’s the best way for parents to help children be their best. Đọc thêm tại: <http://www.pta.org/programs/content.cfm?ItemNumber=1708 >. [Ngày 26 tháng 2 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com