Sức khỏe

Làm gì khi con mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế?

Để giúp trẻ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế sớm phục hồi, cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình cần quan tâm, chia sẻ nhiều hơn để bé cảm nhận được tình yêu thương và sự hỗ trợ.

Thường thì trong nhà có trẻ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ làm cho toàn bộ hoạt động của gia đình bị ảnh hưởng. Cha mẹ và các anh chị em của trẻ có thể bị gián đoạn bởi những thói quen hoặc cảm thấy áp lực khi cố gắng thích ứng với trẻ bằng cách tham gia vào các nghi thức.

Nhưng điều quan trọng nhất là cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự hỗ trợ.

Danh sách những việc cha mẹ cần làm khi con mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Dưới đây là những gợi ý những gì cha mẹ có thể áp dụng để cải thiện mối quan hệ giữa trẻ với thành viên khác trong gia đình và nâng cao sự hiểu biết của từng cá nhân. Cùng xem nhé!

Nhận biết những dấu hiệu “cảnh báo sớm” của rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ. Đó là dấu hiệu do rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây ra cho con bạn chứ không phải là nét tính cách của bé, vì vậy, cha mẹ cần giúp con chống lại những triệu chứng chứ không phải khuyến khích con giấu chúng đi để tránh xấu hổ hay sợ hãi.

Lam gi khi con mac roi loan am anh cuong che p1 hinh anh

Giúp con chống lại những triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứ không phải khuyến khích con che giấu nó

Điều chỉnh những kì vọng. Đối với trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bất kỳ thay đổi nào cũng khiến trẻ cảm thấy rất căng thẳng, dù cho đó là những thay đổi tích cực. Thường trong khoảng thời gian này, triệu chứng sẽ được dịp bùng phát.

Mặc dù vậy, bạn có thể giúp cân bằng sự căng thẳng bằng cách điều chỉnh lại kì vọng trong những thời điểm chuyển đổi của trẻ. Xung đột gia đình chỉ thúc đẩy triệu chứng của trẻ trở nên trầm trọng hơn mà thôi. Những câu nói nhẹ nhàng, đầy sự cảm thông sẽ động viên, khích lệ và hỗ trợ trẻ rất nhiều đấy.

Tiến độ điều trị tùy vào mức độ rối loạn nặng hay nhẹ của từng đối tượng . Vì vậy, cha mẹ hãy xem xét sự tiến triển theo cấp độ hoạt động riêng của chính con mình chứ đừng quan tâm nhiều đến tiến triển của người khác rồi so sánh. Cha mẹ nên khuyến khích để trẻ chủ động hoạt động ở mức độ cao nhất có thể. Hãy kiên nhẫn cha mẹ nhé, nếu muốn ngăn chặn sự tái phát tình trạng này thì tốt hơn là nên cải thiện từ từ, từng chút một.

Tránh việc so sánh sự tiến triển qua từng ngày mà hãy nhìn vào tổng thể những biến chuyển kể từ lúc bắt đầu tiến trình trị liệu. Ngoài ra, cha mẹ có thể tạo ra những phiếu nhắc nhở về những tiến bộ mà trẻ đã đạt được kể từ lúc giai đoạn tồi tệ nhất xảy ra và kể từ lúc tiến trình trị liệu bắt đầu.

Ghi nhận những tiến bộ dù chỉ là nhỏ của con. Đây là công cụ mạnh mẽ để khích lệ trẻ tiếp tục cố gắng, và giúp trẻ hiểu rằng những cố gắng để trở nên tốt hơn của trẻ đã được công nhận, đó có thể là một động lực to lớn với trẻ.

Tạo ra một môi trường hỗ trợ. Cha mẹ hãy cố gắng tìm hiểu rối loạn này càng nhiều càng tốt. Con bạn vẫn cần được bạn động viên và chấp nhận như một con người, nhưng cũng đừng bỏ qua những hành vi của rối loạn mà trẻ đang mắc phải. Cố gắng hết sức để không tham gia vào những hành vi cưỡng chế và nghi thức của trẻ.

Thiết lập những giới hạn. Đối với những trẻ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tâm trạng của trẻ rất quan trọng trong việc giúp trẻ vượt qua các ám ảnh và cưỡng chế. Sẽ có những ngày trẻ có biểu hiện tệ hơn bình thường, khi ấy các thành viên trong gia đình không nên thúc ép trẻ mà hãy cho trẻ thời gian, ngoại trừ những trường hợp bắt buộc phải can thiệp. Vào những ngày trẻ có biểu hiện tốt, vui vẻ, cha mẹ và tất cả mọi người trong gia đình hãy giúp trẻ chống lại các ám ảnh và cưỡng chế.

Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và không tự ý thay đổi liều lượng thuốc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ kê toa. Nếu phát hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng đáng lưu tâm thì cha mẹ hãy báo cáo ngay với bác sĩ nhé. Cha mẹ nên biết rằng, chỉ những chuyên gia được đào tạo bài bản mới nắm bắt được tác động của sự thay đổi liều lượng thuốc hoặc nhận biết được điều gì xảy ra nếu đột ngột ngưng dùng thuốc.

Nói một cách rõ ràng và đơn giản khi giao tiếp với con. Tránh những lý luận và cuộc tranh cãi kéo dài khi trẻ đang tìm kiếm sự đảm bảo bằng cách liên tục hỏi những người xung quanh để trấn an “Mẹ có chắc là mẹ đã khóa cửa chưa?”, “Con lau nhà đủ sạch chưa nhỉ?”; và bạn càng cố gắng thuyết phục trẻ bao nhiêu, trẻ sẽ càng bác bỏ bạn bấy nhiêu.

Khi trẻ rơi vào tình trạng này, nghĩa là trẻ đang hoài nghi và cho rằng phải đạt được sự chắc chắn tuyệt đối. Vì vậy, giao tiếp một cách rõ ràng, đơn giản sẽ giúp trẻ hiểu và nhìn nhận sự việc rõ hơn. Tiếp theo, cha mẹ hãy giúp trẻ chấp nhận sự không chắc chắn trong cuộc sống – và tiếp tục những công việc khác.

Lam gi khi con mac roi loan am anh cuong che p2 hinh anh 1

Cha mẹ cần nói chuyện một cách rõ ràng và đơn giản khi giao tiếp với trẻ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Thời gian riêng tư là rất quan trọng. Các thành viên trong gia đình hay cho rằng họ cần phải bảo vệ trẻ và phải ở bên cạnh trẻ mọi lúc. Tuy nhiên, thực tế mọi người cần có khoảng thời gian riêng tư, ngay cả với trẻ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Vì vậy, cha mẹ hãy có những quy định về sự tự do và độc lập phù hợp với độ tuổi mà con bạn cần có một cách hợp lý, và trao thông điệp đến con rằng đôi khi con có thể được riêng tư một mình hoặc tự chăm sóc cho bản thân.

Đặt ra một giới hạn trong những cuộc trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình. Rất khó để các thành viên trong gia đình có thể có những cuộc trò chuyện hoàn toàn không nhắc về rối loạn này, dường như nó đã trở thành một thói quen và là một phần khá quan trọng trong cuộc sống của mọi người. Tuy nhiên, để mọi người mau chóng trở lại với nhịp sống bình thường, cả gia đình nên có một số hạn chế khi nói về rối loạn này cũng như những lo lắng khác.

Duy trì những thói quen hoạt động bình thường của gia đình. Khi trẻ lên cơn giận dữ, gia đình thường có xu hướng cho phép trẻ quyết định ai có thể bước vào nhà dựa trên nỗi sợ của trẻ, và có khi không cho những đứa con khác dẫn bạn về nhà chơi. Điều này có thể khiến trẻ sẽ tiếp tục có những đòi hỏi nhiều hơn để thỏa mãn nỗi ám ảnh của mình. Thông qua việc thương lượng và thiết lập những giới hạn với con, cuộc sống gia đình và lịch trình hoạt động bình thường có thể được bảo tồn.

Lam gi khi con mac roi loan am anh cuong che p2 hinh anh 2

Hãy duy trì những thói quen, hoạt động bình thường của gia đình

Tham gia nhóm hỗ trợ giáo dục. Nhằm cải thiện giao tiếp và sự hiểu biết lẫn nhau trong gia đình, cha mẹ và con cái hãy tham gia vào một nhóm hỗ trợ giáo dục cho gia đình hoặc tìm đến sự giúp đỡ từ nhà trị liệu gia đình có chuyên môn được đào tạo về rối loạn ám ảnh cưỡng chế.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Obsessive Compulsive Disorder. Đọc thêm tại: <https://www.nami.org/Learn-More/Mental-Health-Conditions/Obsessive-Compulsive-Disorder>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
  2. Obsessive Complusive Disorder. Đọc thêm tại: <http://www.nimh.nih.gov/health/topics/obsessive-compulsive-disorder-ocd/index.shtml>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
  3. OCD in Kids – Manage OCD in your household. Đọc thêm tại: <https://kids.iocdf.org/for-parents/managing-ocd-in-your-household/>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
  4. OCD in Kids – What’s is OCD? Đọc thêm tại: <https://kids.iocdf.org/what-is-ocd/>.  [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com