Sức khỏe

Triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ

Mặc dù trẻ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể biết rằng những suy nghĩ và hành vi của mình là phi lý nhưng không thể ngăn bản thân mình lại được.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn của não bộ và hành vi, thường xuất hiện từ thời thơ ấu. Rối loạn này được đặc trưng bởi những ý nghĩ không mong muốn cứ lặp đi lặp lại và nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ (sự ám ảnh), kèm theo đó là sự thôi thúc một cách dữ dội và vô lý việc phải thực hiện một hành vi nào đó (sự cưỡng chế).

Đa số người bình thường đôi lúc sẽ có những ý nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế. Tuy nhiên, đối với trẻ bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, những triệu chứng này sẽ kéo dài hơn 1 giờ mỗi ngày và ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày.

Triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Sự ám ảnh là những ý nghĩ, hình ảnh hay sự thôi thúc không mong muốn cứ cố xâm nhập vào tâm trí trẻ, điều này cứ diễn ra lặp đi lặp lại và trẻ không thể kiểm soát được. Những ám ảnh này khiến trẻ khó chịu và gây ra rất nhiều lo lắng và căng thẳng cho trẻ. Một số biểu hiện của sự ám ảnh thường thấy gồm có:

  • Lo lắng về những việc như vi khuẩn xung quanh mình, bị ốm đau hoặc chết chóc.
  • Cực kỳ sợ hãi về những điều tệ hại có thể xảy ra hoặc mình sẽ làm gì đó sai trái.
  • Cảm thấy rằng mọi thứ buộc phải “đúng nơi, đúng chỗ”.
  • Có những ý nghĩ phiền muộn, không mong muốn về việc làm tổn thương người khác.
  • Có những ý nghĩ phiền muộn, không mong muốn về hoạt động mang màu sắc tình dục.

Sự cưỡng chế (hay còn gọi là nghi thức) là những hành vi mà trẻ cảm thấy rằng mình buộc phải làm với mục đích thoát khỏi những cảm giác khó chịu gây ra bởi sự ám ảnh. Trẻ cũng có thể tin rằng việc tham gia vào những hành vi cưỡng chế sẽ ngăn ngừa được những điều xấu có thể xảy ra. Một số biểu hiện của sự cưỡng chế gồm có:

  • Kiểm tra quá mức (kiểm tra đi kiểm tra lại xem cửa đã khóa chưa, lò đã tắt chưa).
  • Rửa tay hoặc tắm rửa quá mức.

Triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ

Trẻ rửa tay hoặc tắm rửa quá mức
  • Lặp đi lặp lại hành động cho đến khi chắc chắn chúng hoàn toàn không có sai sót, hoặc sẽ làm mọi thứ lại từ đầu.
  • Sắp xếp mọi thứ theo đúng thứ tự.
  • Những ép buộc về mặt tinh thần (cầu nguyện và tự kiểm tra lại mọi thứ trong suy nghĩ một cách quá mức)
  • Thường xuyên thú tội hoặc xin lỗi
  • Có những từ ngữ hoặc con số may mắn (ví dụ như: từ giường bước ra cửa, 20 bước là may mắn)
  • Tìm cách trấn an quá mức (như luôn nói “Mẹ có chắc rằng chúng ta sẽ ổn chứ?”)

Bố mẹ cần thường xuyên quan tâm đến trẻ, nếu thấy trẻ có những biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng chế như trên thì nên liên lạc với bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ.

Xem thêm:
>> Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ – Nguyên nhân và cách chẩn đoán
>> Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Obsessive Compulsive Disorder. Đọc thêm tại:<https://www.nami.org/Learn-More/Mental-Health-Conditions/Obsessive-Compulsive-Disorder>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
  2. Obsessive Complusive Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.nimh.nih.gov/health/topics/obsessive-compulsive-disorder-ocd/index.shtml>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
  3. OCD in Kids – Manage OCD in your household. Đọc thêm tại:<https://kids.iocdf.org/for-parents/managing-ocd-in-your-household/>. [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
  4. OCD in Kids – What’s is OCD? Đọc thêm tại:<https://kids.iocdf.org/what-is-ocd/>.  [Ngày 5 tháng 9 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com