Sức khỏe

Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em và thanh thiếu niên

Rối loạn hoảng sợ là một rối loạn lo âu phổ biến, đặc trưng bởi những giai đoạn sợ hãi, khó chịu mãnh liệt diễn ra bất ngờ. Các yếu tố về gen và môi trường sống được xem xét khi tìm hiểu về nguyên nhân của rối loạn này.

Rối loạn hoảng sợ là gì?

Rối loạn hoảng sợ là một rối loạn lo âu phổ biến và có thể điều trị được. Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên mắc rối loạn này sẽ trải qua những giai đoạn sợ hãi, khó chịu mãnh liệt diễn ra bất ngờ và lặp đi lặp lại, kèm theo những triệu chứng khác như tim đập nhanh, hay cảm thấy khó thở. Những cơn hoảng loạn này kéo dài từ vài phút đến vài giờ đồng hồ, và thường xuyên xuất hiện mà không hề báo trước.

Rối loạn hoảng sợ biểu hiện như thế nào?

Các triệu chứng khi một cơn hoảng loạn tấn công bao gồm:

  • Sợ hãi dữ dội (cảm giác có điều gì đó rất khủng khiếp đang xảy đến)
  • Tim đập nhanh, có cảm giác đánh trống ngực
  • Chóng mặt hoặc ngất
  • Khó thở
  • Run rẩy
  • Cảm giác không có thực
  • Sợ chết, mất kiểm soát, hoặc mất lý trí

Roi loan hoang so o tre em va thanh thieu nien hinh anh

Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em và thanh thiếu niên

Nếu không được phát hiện và điều trị, rối loạn hoảng sợ cùng những biến chứng của nó có thể gây ra những hủy hoại nghiêm trọng. Các cơn hoảng loạn làm suy giảm các mối quan hệ, việc học và sự phát triển bình thường của trẻ. Các cơn hoảng loạn này không chỉ dẫn đến tình trạng lo âu quá mức, mà còn làm ảnh hưởng đến tâm trạng và hoạt động chức năng của trẻ. Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên mắc rối loạn hoảng sợ hầu như lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, kể cả khi trẻ không có cơn hoảng loạn. Một số trẻ bắt đầu né tránh những tình huống mà trẻ sợ sẽ xuất hiện các cơn hoảng loạn, hay những tình huống mà không có sẵn sự hỗ trợ cần thiết cho trẻ, ví dụ như, trẻ không muốn đi học hay không muốn bị chia tách khỏi cha mẹ mình. Còn trong những trường hợp rối loạn nặng, trẻ thường sợ hãi việc rời khỏi nhà mình. Một số trẻ khác mắc rối loạn hoảng sợ lại phát triển thêm rối loạn trầm cảm đáng lo ngại và có nguy cơ dẫn đến hành vi tự tử. Ngoài ra, một số thanh thiếu niên mắc rối loạn hoảng sợ còn sử dụng rượu và ma túy như là một nỗ lực nhằm làm giảm nỗi lo âu của mình.

Nguyên nhân của rối loạn hoảng sợ

Mặc dù nguyên nhân chính xác của rối loạn hoảng sợ chưa được hiểu rõ, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng một số các yếu tố – bao gồm cả về gen và môi trường – có thể có liên quan đến rối loạn này. Các yếu tố này bao gồm:

  • Tiền căn gia đình. Rối loạn hoảng sợ đôi khi có thể gặp ở những người trong cùng gia đình. Nếu bố hoặc mẹ mắc rối loạn hoảng sợ thì đôi khi người con cũng có nguy cơ mắc rối loạn này.
  • Bất thường về não. Rối loạn hoảng sợ có thể do vùng não đảm nhiệm chức năng sinh tồn có vấn đề trong việc phản hồi tín hiệu.
  • Lạm dụng. Lạm dụng các loại ma túy và rượu có thể dẫn tới cơn rối loạn hoảng sợ.
  • Căng thẳng nhiều trong cuộc sống. Những sự kiện mang tính chất căng thẳng như mất người thân đôi khi có thể làm bùng lên những đợt hoảng loạn. Điều này có thể lặp lại nhiều lần và dẫn đến chứng rối loạn hoảng sợ.

Hiểu rõ về rối loạn giúp bạn và trẻ dễ tìm hướng đi đúng đắn trong việc cải thiện sự lo âu và giảm triệu chứng hoảng sợ.

Xem thêm:
Chẩn đoán và điều trị rối loạn hoảng sợ
Hỗ trợ khi trẻ có rối loạn hoảng sợ




  1. Panic Disorder in Children and Teens. Đọc thêm tại:<http://www2.massgeneral.org/schoolpsychiatry/info_panicdisorder.asp>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2015].
  2. Panic Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.childmind.org/en/health/disorder-guide/panic-disorder>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2015].
  3. Panic Disorder in Children and Adolescents. Đọc thêm tại:<http://www.aacap.org/AACAP/Families_and_Youth/Facts_for_Families/FFF-Guide/Panic-Disorder-In-Children-And-Adolescents-050.aspx>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2015].
  4. Panic disorder. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/anxiety-panic/guide/mental-health-panic-disorder#1>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com