Khi sinh con, rặn đẻ là quá trình đau đớn nhất, người ta vẫn nói không đau gì bằng đau đẻ mà, trong khoảnh khắc này bạn hãy cố lên nhé! Nhưng nếu bạn biết cách rặn đẻ hiệu quả thì thời gian sinh có thể diễn ra nhanh hơn và bớt đau đớn hơn nhiều. Tham khảo bài viết để tự rút cho mình kinh nghiệm nhé!
>> Muốn khám thai ở Hà Nội mẹ nên tìm đến những đâu?
Trong tháng cuối thai kỳ, việc tìm hiểu cách rặn đẻ hiệu quả là việc các mẹ nên làm vì điều này sẽ rất hữu ích cho quá trình sinh con. Bạn biết không, thường thì tư thế nửa ngồi hoặc nửa ngồi xổm là tốt nhất vì chúng tận dụng được trọng lực và có thể giúp bạn có lực đẩy mạnh hơn. Ép cằm vào sát ngực khi ở tư thế này sẽ giúp bạn tập trung vào việc rặn đẻ khi cần. Thỉnh thoảng, nếu tư thế rặn đẻ không giúp ích trong việc đưa em bé xuống dọc ống sinh được, có thể bạn nên thay đổi tư thế. Ví dụ nếu đang ngồi tựa ra sau, bạn có thể thử chống tay trên gối hoặc ngồi xổm.
Những lưu ý bạn cần biết để quá trình sinh con được suôn sẻ
Khi sinh con và bắt đầu rặn đẻ, bạn hãy làm hết sức mình. Càng rặn một cách hiệu quả và càng dồn nhiều năng lượng vào đó thì em bé sẽ càng ra nhanh hơn. Rặn một cách hối hả và lộn xộn chỉ gây phí sức lực nhưng hiệu quả thu được lại rất ít. Ngoài ra, bạn hãy nhớ những lời khuyên sau đây:
- Thư giãn cơ thể và bắp đùi rồi rặn như khi đi tiêu. Tập trung năng lượng tại vùng âm đạo và trực tràng, không phải ở phần ngực trên (có thể gây đau ngực sau sinh) hay mặt (việc căng mặt ra có thể tạo những vết xanh tím trên má và làm mắt vằn máu, chưa kể việc này chẳng giúp đẩy em bé ra gì cả).
- Do bạn đang dồn lực đẩy xuống toàn bộ vùng đáy chậu, bất cứ thứ gì trong trực tràng cũng có thể bị đẩy ra ngoài; việc bạn cố tránh điều này trong khi rặn có thể làm chậm tiến trình sinh. Đừng để sự rụt rè hay ngượng ngùng phá vỡ nhịp rặn đẻ. Gần như tất cả mọi người đều gặp phải tình trạng vô tình thải ra một ít phân hoặc nước tiểu trong lúc sinh. Sẽ chẳng có ai trong phòng quan tâm đâu, và bạn cũng nên vậy. Những gì bạn thải ra sẽ ngay lập tức được dọn sạch đi.
- Khi sinh con, lúc rặn đẻ bạn cần hít vài hơi sâu trong khi cơn co thắt đang lớn dần lên để có thể sẵn sàng rặn. Khi cơn co thắt đạt đỉnh, hít một hơi sâu và rặn hết sức – nín thở nếu bạn muốn hoặc thở ra khi rặn, làm bất cứ gì bạn thấy thích hợp với mình. Bạn cũng có thể muốn các y tá hoặc người hỗ trợ sinh giúp đỡ bằng cách đếm đến 10 khi bạn rặn. Nhưng nếu thấy điều đó gây phá nhịp hoặc không có ích gì thì hãy bảo họ đừng đếm. Không có công thức chính xác nào cho biết mỗi lần rặn nên kéo dài bao lâu và bạn nên rặn bao nhiêu lần mỗi cơn co thắt – việc quan trọng nhất là hãy làm theo tự nhiên. Bạn có thể cảm thấy nhiều nhất là 5 cơn thúc rặn, mỗi lần chỉ kéo dài vài giây – hoặc bạn có thể chỉ cảm thấy cơn thúc rặn 2 lần, nhưng mỗi lần lại kéo dài lâu hơn. Bạn hãy cứ rặn mỗi lần bị thúc, và bé sẽ sớm ra thôi. Thật ra thì bạn vẫn sẽ sinh được bé dù bạn không rặn theo cơn thúc hay thậm chí chẳng cảm thấy cơn thúc đâu cả. Không phải với mẹ nào việc rặn đẻ khi sinh con cũng diễn ra tự nhiên, nên nếu bạn thuộc trường hợp này, bác sĩ, y tá hoặc người đỡ đẻ có thể giúp bạn tập trung rặn, hoặc nếu bạn bị mất tập trung.
- Đừng nản lòng nếu bạn thấy đầu bé nhô ra và lại thụt lại vào, sinh con là một việc diễn ra kiểu lùi 1 bước tiến 2 bước. Khi sinh con, chỉ cần nhớ rằng bạn đang đi đúng hướng là được.
- Nghỉ ngơi giữa các cơn co thắt. Nếu bạn thật sự kiệt sức, đặc biệt khi giai đoạn rặn đẻ kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị bạn ngưng rặn trong thời gian vài cơn co thắt để lấy lại sức.
- Ngừng rặn theo chỉ dẫn (bạn có thể được yêu cầu ngừng để tránh đầu em bé ra quá nhanh). Nếu bạn cảm thấy bị thúc phải rặn, hãy thở gấp hoặc thổi ra.
Trong khi bạn đang rặn đẻ, các y tá và/hoặc bác sĩ sẽ hỗ trợ và hướng dẫn bạn; tiếp tục theo dõi nhịp tim em bé bằng Doppler hoặc máy theo dõi tim thai; và chuẩn bị cho ca sinh bằng cách che tấm phủ vô khuẩn lên người bạn và sắp xếp các dụng cụ, mặc quần áo và găng tay phẫu thuật, đồng thời sát trùng vùng đáy chậu của bạn. Họ cũng sẽ tiến hành rạch tầng sinh môn nếu cần thiết, hoặc dùng giác hút hoặc dùng kẹp lấy thai dù ít khả năng hơn.
Khi đầu em bé đã ló ra, bác sĩ sẽ hút mũi và miệng em bé để lấy đi các dịch nhầy thừa, sau đó giúp kéo phần vai và thân người em bé ra ngoài. Bạn thường chỉ phải rặn nhẹ thêm lần nữa. Đầu là phần khó ra nhất, còn lại các phần khác trượt ra khá dễ dàng. Phần dây rốn sẽ được kẹp lại sau khi không còn đập nữa và cắt đi. Bé sẽ được đưa cho bạn bế hoặc đặt lên ngực bạn. (Nếu bạn đã lên kế hoạch lấy tế bào gốc, thì các nhân viên y tế sẽ tiến hành lúc này). Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn vuốt ve và gần gũi với bé, vì vậy hãy đưa bé vào trong lớp áo để da bé tiếp xúc với da bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các em bé sơ sinh được tiếp da với người mẹ ngay sau chào đời sẽ ngủ lâu hơn và ít quấy hơn những giờ sau đó.
Tiếp theo, các y tá và/hoặc bác sĩ nhi khoa sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của em bé, tính chỉ số Apgar vào phút thứ nhất và phút thứ 5 sau sinh; massage cho em bé; có thể lấy dấu vân chân của em bé để bố mẹ giữ làm kỉ niệm; đeo vòng nhận dạng vào cổ tay bạn và cổ chân em bé; nhỏ thuốc mắt không gây kích ứng cho em bé để đề phòng nhiễm khuẩn (bạn có thể yêu cầu nhỏ mắt sau khi bạn đã được ôm ấp em bé); cân, rồi bọc em bé lại để giữ ấm. (Ở một số bệnh viện và nhà hộ sinh, một số việc kể trên bị bỏ qua; ở một số nơi khác lại thực hiện những quy trình này sau, để bạn sẽ có nhiều thời gian ở bên cạnh con hơn).
Sau đó, nếu mọi chuyện đều tốt đẹp, em bé sẽ lại được đưa đến cho bạn và nếu muốn, bạn có thể cho con bú (đừng lo nếu bạn và/hoặc em bé không biết cách cho bú/cách bú ngay lập tức). Xem thêm: Tư thế cho con bú đúng cách.
Vài giờ sau đó, em bé có thể được đưa vào phòng dành cho trẻ sơ sinh (nếu bạn sinh ở bệnh viện) để được kiểm tra toàn diện hơn và làm một số thủ tục thông thường (gồm lấy máu gót chân và tiêm ngừa viêm gan B). Một khi thân nhiệt con bạn đã ổn định, bé sẽ được tắm lần đầu tiên và bạn và/hoặc chồng bạn có thể giúp làm điều đó. Nếu bạn muốn em bé ở chung phòng, con bạn sẽ được đưa trở lại ngay và đặt vào nôi cạnh giường bạn.
- Heidi Murkoff Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edition, Workman Publishing, USA. Page 391 – 396
- Third stage of labour, https://www.nct.org.uk/birth/third-stage-labour
- The stages of labor, http://www.babycenter.com/stages-of-labor
- Stages and Phases of Labor: Early, Active, and Transitional, && http://www.whattoexpect.com/pregnancy/labor-and-delivery/childbirth-stages/three-phases-of-labor.aspx