Nuôi con

Căng tức sữa sau sinh: Nguyên nhân và cách xử lý

Khi mẹ cho con bú trong những tuần đầu sau khi sinh, mẹ có thể bị căng tức sữa. Tình trạng này sẽ khiến mẹ khó chịu, có cảm giác ngực lớn hơn, nặng và hơi đau. Nhưng nguyên nhân do đâu? Và tình trạng căng tức sữa có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé?

Nhận dạng dấu hiệu ngực căng tức sữa sau sinh

Thông thường hiện tượng ngực bị căng tức sữa sau sinh xảy ra sau khi mẹ sinh em bé được 2 -15 ngày, Khi mẹ sờ vào ngực sẽ cảm thấy ngực lớn hơn, nặng hơn và hơi đau vì ngực bắt đầu tiết ra sữa chuyển tiếp nhiều hơn.

Tình trạng ngực bị căng tức thường sẽ giảm dần trong khoảng 2- 3 tuần sau khi sinh, rồi sau đó mẹ sẽ thấy ngực mềm hơn cho dù sữa vẫn đang tiết rất nhiều.

Nhưng nếu mẹ vẫn thấy ngực gặp tình trạng cứng, sưng, đau nhói và khó chịu kéo dài thì mẹ đã bị căng tức sữa. Chỗ sưng có thể chạy dài tới cả nách và mẹ thậm chí còn bị sốt nhẹ.

nguc-bi-cang-tuc-sua-hinh-anh1

Ngực mẹ có thể bị căng tức sữa trong 2 -3 tuần đầu sau khi sinh

Nguyên nhân gây ra tình trạng căng tức sữa

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến mẹ bị căng tức sữa sau sinh:

  • Cho bé bú không đúng cách: Trong những ngày đầu sau khi sinh, mẹ có thể bị căng sữa nếu không cho bé bú mẹ thường xuyên hoặc bé không bú đủ để làm cạn bầu sữa. Điều này rất cần thiết, cho dù ngực mẹ lúc này chỉ đang tiết ra một lượng sữa nhỏ.
  • Ống dẫn sữa bị tắc: Dù cho trẻ có bú đủ và tốt như thế nào, mẹ vẫn bị căng sữa. Điều này dễ dàng xảy ra nếu mẹ từng nâng ngực. Mô nhân tạo trong ngực chiếm nhiều chỗ trong ngực khiến không còn đủ chỗ cho lượng sữa, bạch huyết và máu đang ngày càng tăng.
  • Mẹ mặc áo ngực quá chật: Đây là nguyên nhân khiến bầu ngực bị chèn ép và dẫn đến tắc tia sữa.

Ngực căng tức sữa sau sinh có ảnh hưởng như thế nào tới mẹ và bé?

Ngực căng sữa có thể gây khó khăn khi bé bú vì lúc này quầng vú cứng khiến bé khó ngậm vú mẹ được sâu. Núm vú mẹ có thể bị đau và tiết sữa ít. Ngoài ra, ngực căng sữa có thể dẫn tới một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm tuyến vú cho mẹ.

Tình trạng ngực bị căng tức sữa sai sinh kéo dài trong bao lâu?

May mắn thay, hiện tượng ngực căng tức sữa sau sinh sẽ nhanh chóng biến mất đối với đa phần các mẹ. Mẹ có thể chờ tình trạng này giảm nhẹ đi trong 24- 48 tiếng đồng hồ nếu mẹ cho trẻ bú tốt hoặc mẹ hút/vắt sữa ít nhất là cứ mỗi 2 -3 tiếng đồng hồ. Nếu không thì tình trạng này có thể mất đến 10 ngày để khỏi hoàn toàn.

Một khi ngực hết căng sữa, ngực mẹ sẽ trở nên mềm hơn mặc dù vẫn còn đầy sữa. Nếu mẹ không cho trẻ bú tốt, mẹ có thể cần phải hút hoặc vắt sữa để giảm áp lực lên ngực và giảm thiểu nguy cơ bị viêm tuyến vú.

Cách xử lý khi ngực mẹ bị căng tức sữa

Nếu mẹ bị căng tức sữa trong những tuần đầu khi cho con bú, mẹ có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau:

  • Vài phút trước khi cho trẻ bú, mẹ đặt một miếng khăn chườm ấm lên ngực trước khi sữa chảy hoặc tắm nước ấm dưới vòi hoa sen. Mẹ không nên chườm ấm quá 3 phút vì có thể làm ngực bị căng hơn và khiến sữa khó chảy ra. Nếu mẹ bị căng sữa tới mức sữa không chảy ra ngoài được, đừng sử dụng gạc ấm.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên, không quá 2-3 giờ giữa các cữ bú. Nếu ngực mẹ căng đầy khó chịu và trẻ đang ngủ, mẹ có thể dùng tay vắt một ít sữa để bớt căng tức. Rất nhiều mẹ thấy khó chịu hoặc đau khi vắt sữa, nhưng hãy cố gắng. Ngực mẹ sẽ mềm đi một khi sữa chảy ra bớt.
  • Khi cho bé bú, mẹ hãy mát xa nhẹ nhàng bên ngực mà trẻ đang bú. Việc làm này kích thích dòng sữa chảy và giúp giảm bớt tình trạng ngực căng khó chịu.
  • Mẹ có thể xoa bóp ngực từ bên dưới cánh tay và dưới núm vú nhằm giúp giảm cơn đau và sữa dễ chảy.
  • Khi trẻ gặp khó khăn trong việc ngậm ti để bú, mẹ hãy dùng tay vắt chút sữa ra. Mẹ có thể dùng máy hút sữa, sau đó dùng tay vắt sữa cho tới khi quầng vú đủ mềm. (Không giống như máy hút, dùng tay vắt sữa giúp cho quầng vú đủ mềm để trẻ ngậm vào dễ dàng).
  • Nếu mẹ cho trẻ bú ít nhất 2-3 tiếng/lần và trẻ bú tốt thì mẹ nên tránh hút sữa trừ khi mẹ cần làm dịu ngực. Bơm sữa quá nhiều hoặc thường xuyên có thể làm cho sữa sản xuất thừa và tình trạng căng tức ngực kéo dài.
  • Sau khi cho trẻ bú, nếu mẹ thấy ngực vẫn căng và đau thì cần hút sữa khoảng 5 -10 phút để nhanh chóng lấy hết sữa cặn ra ngoài. Việc làm này sẽ giúp bầu sữa mềm mại hơn và giúp trẻ bú dễ dàng hơn.

cach-xu-ly-va-ngan-ngua-tinh-trang-cang-tuc-sua-sau-sinh-hinh-anh1

Nếu mẹ vẫn bị căng tức sữa khi đã cho bé bú, hãy dùng máy hút sữa lấy hết lượng sữa cặn ra ngoài

  • Để xoa dịu cơn đau và giúp giảm sưng, mẹ dùng khăn lạnh đắp lên ngực khoảng 10 phút trước và sau khi cho trẻ bú. Mẹ có thể dùng đá bào bỏ trong túi nhựa hoặc một miếng vải mỏng.
  • Nhiều mẹ dùng áo ngực cho con bú và thấy có hiệu quả. Mẹ có thể mặc chiếc áo ngực này vào ban đêm. Cần đảm bảo là áo ngực vừa vặn và không có gọng. Gọng áo ngực có thể gây co thắt và khiến cho các ống dẫn sữa bị tắc.
  • Mẹ có thể xem xét uống ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau, nhưng phải theo đơn của bác sĩ.
  • Thay đổi vị trí cho trẻ bú có thể giúp cho bầu sữa được cạn mỗi khi trẻ bú . Mẹ có thể ngồi, sau đó chuyển sang tư thế nằm miễn là mẹ cảm thấy thoải mái.

Ngăn ngừa tình trạng căng tức sữa sau sinh

Không phải tất cả các mẹ sau khi sinh đều gặp tình trạng ngực bị căng sữa. Mẹ có thể áp dụng một số cách sau để làm giảm nguy cơ mắc phải vấn đề này:

  • Nếu có thể hãy cho trẻ bú sớm trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau khi sinh.
  • Cho trẻ bú thường xuyên – thường từ 8 -12 lần/ngày trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên. Lưu ý những dấu hiệu khi trẻ đói. Phương pháp tiếp da sẽ khuyến khích trẻ bú. Cứ mỗi 3 tiếng, mẹ hãy đánh thức trẻ dậy để bú sữa nếu trẻ ngủ.
  • Cho trẻ bú xong một bên ngực trước khi chuyển sang ngực còn lại. Trẻ thường bú từ 10 -20 phút. Nếu trẻ không bú ngực còn lại, hãy dành ngực đó cho lần bú tiếp theo.

cach-xu-ly-va-ngan-ngua-tinh-trang-cang-tuc-sua-sau-sinh-hinh-anh2

Cho bé bú một bên ngực trước khi chuyển sang ngực còn lại
  • Tránh cho trẻ dùng núm vú giả hoặc bú bình trong tháng đầu tiên trừ khi mẹ bắt buộc phải làm vậy. Khi trẻ bú bình hay núm vú giả thì các cơ hoạt động khác so với bú sữa mẹ và trẻ có thể gặp khó khăn trong việc cho bú sau này.
  • Trường hợp trẻ phải bú bình thì hãy dùng sữa mẹ vắt bỏ vào bình tốt hơn là dùng sữa công thức.
  • Nếu trẻ bỏ bữa hoặc trẻ không bú tốt, mẹ hãy dùng tay vắt sữa hoặc máy hút sữa ra để trữ lại.



  1. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.Trang 81-87.
  2. Engorged breasts. Tham khảo tại: < http://www.babycenter.com/0_engorged-breasts_231.bc>. [Ngày 18 tháng 11 năm 2014]
  3. Mẹo hay giúp mẹ giảm căng sữa hiệu quả. Tham khảo tại: <http://yduoclh.com/meo-hay-giup-me-giam-cang-sua-hieu-qua-926>. [Ngày 18 tháng 11 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com