Chăm sóc bà bầu

Điểm danh các loại nằm dưỡng thai cho bà bầu

“Nằm dưỡng thai” là thuật ngữ chung được sử dụng khi bác sĩ muốn mẹ hạn chế các hoạt động trong thời gian mang thai. Gần đây, thuật ngữ này có thể hoán đổi – hoặc được thay thế bởi thuật ngữ “hạn chế hoạt động”. Dù gọi là gì thì quy cho cùng mẹ phải nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn đấy.

Nằm dưỡng thai có thật sự tốt?

Nằm dưỡng thai hay việc buộc phải hạn chế hoạt động, có định nghĩa khác tùy mỗi bác sĩ, từ việc chỉ nằm nghỉ mỗi vài giờ đến việc phải nằm viện.

Có khoảng 20% các trường hợp mang thai ở Mỹ phải nằm dưỡng thai. Tuy nhiên, việc bạn có phải nằm dưỡng thai hay không thực ra đều tùy sở thích của bác sĩ là chính.

Ngày càng có nhiều bác sĩ không khuyến nghị nằm dưỡng thai tuyệt đối. Thay vào đó, họ chỉ sử dụng nó như một giải giáp cuối cùng.

diem-danh-cac-loai-nam-duong-thai-cho-ba-bau-hinh-anh1

Bác sĩ thường không khuyến nghị mẹ dưỡng thai tuyệt đối, phần lớn trường hợp mẹ vẫn được khuyến khích tập thể dục nhẹ

Thực tế, Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Y học Bà mẹ – Thai nhi không khuyến khích biện pháp nằm dưỡng thai truyền thống. Lý do vì không có bằng chứng nào cho thấy biện pháp này thật sự giúp đề phòng hoặc chữa trị các biến chứng thai kỳ.

Nhưng như thế không có nghĩa rằng bác sĩ sẽ không yêu cầu bạn tránh xa một số hoạt động thông thường để bảo vệ cả bạn và em bé.

Các loại nằm dưỡng thai

Trước đây, nằm dưỡng thai từng được phân thành các loại sau đây:

  • Nằm dưỡng thai theo lịch
  • Nằm dưỡng thai không hoàn toàn
  • Nằm dưỡng thai hoàn toàn
  • Nằm dưỡng thai ở bệnh viện

Nhưng bác sĩ hiện nay đã rút khỏi những phân loại như vậy và thay vào đó đề nghị một trong hai loại sau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của biến chứng thai kỳ:

Loại 1: Hạn chế hoạt động ở nhà/nơi làm việc

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tuân thủ những điều sau:

  • Làm việc ít lại trong thời gian 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Lên lịch trình những lần đều đặn để nghỉ ngơi.
  • Hạn chế các hoạt động như luyện tập thể dục, leo cầu thang, và đi bộ hoặc đứng kéo dài quá lâu.

Nhưng nói chung, việc giảm hoạt động ở ngoài bệnh viện có nghĩa bạn vẫn được đứng lên và đi lui đi tới, làm việc một chút, thực hiện vài việc lặt vặt dễ làm, những việc nhà nhẹ (hãy để những công việc nặng nhọc như làm vườn cho chồng bạn lo).

diem-danh-cac-loai-nam-duong-thai-cho-ba-bau-hinh-anh2

Những việc nặng nhọc hãy “nhường” người khác mẹ à

Loại 2: Hạn chế hoạt động ở bệnh viện

Một số bệnh nhân cần được giám sát thường xuyên, nghĩa là cần phải nhập viện. Và hiển nhiên khi nằm viện, bạn sẽ dành rất nhiều thời gian hơn nằm trên giường.

Tuy nhiên, do có những quan ngại về việc ít hoạt động trong thời gian dài, các bác sĩ thường tiến hành các bước để bảo đảm người mẹ vẫn luôn khỏe mạnh bằng cách chỉ định phương pháp vật lý trị liệu nhẹ nhàng trong thời gian nằm viện.

Những nguy cơ tiềm ẩn từ việc nằm dưỡng thai

Nếu bạn từng có các vấn đề trong khi mang thai, bác sĩ có thể đề nghị bạn nằm dưỡng thai. Biện pháp nằm nghỉ dưỡng thai là một cách điều trị các biến chứng thai kỳ trong hơn trăm năm nay. Việc này có vẻ như là một sự giải thoát sau những căng thẳng bạn phải chịu đựng.

Nhưng có một vấn đề – dù nằm dưỡng thai là một biện pháp điều trị được dùng phổ biến, không có bằng chứng cho thấy nó có tác dụng. Việc này không có vẻ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn hay của em bé. Thực tế, bản thân việc nằm dưỡng thai có chứa một số nguy cơ sau:

Xuất hiện một vài dấu hiệu mệt mỏi của cơ thể. Việc ít hoạt động trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến đau lưng và hông, teo cơ (có thể làm việc phục hồi khó khăn hơn một khi sinh xong), kích ứng da, mất xương, và thậm chí hình thành các cục máu đông ở chân.

nhung-mat-tieu-cuc-khi-nam-duong-thai-me-nen-biet-hinh-anh1

Ít hoạt động trong thời gian kéo dài có thể khiến mẹ bị đau lưng và mông

Làm một số triệu chứng của mẹ trầm trọng hơn. Việc hoạt động ít cũng có thể làm nhiều triệu chứng thông thường khi mang thai trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như ợ nóng, táo bón, phù chân, cũng như làm bạn tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, do cơ thể bạn không ly giải glucose ở tốc độ bình thường.

Giảm thèm ăn. Một vài nghiên cứu đã chứng minh mối liên kết giữa việc giảm thèm ăn (có thể xảy ra khi hạn chế hoạt động), việc giảm cân ở người mẹ và việc trẻ sơ sinh có cân nặng thấp.

Nói cách khác, nếu bạn không thèm ăn và do đó ăn không đủ, rất có khả năng con bạn cũng không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và calorie.

Nguy cơ cao hơn mẹ bị trầm cảm. Các chuyên gia y khoa cũng đã cảnh báo rằng việc ít hoạt động trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm – và rằng tình trạng trầm cảm đôi khi vẫn không hết sau khi em bé đã chào đời.

nhung-mat-tieu-cuc-khi-nam-duong-thai-me-nen-biet-hinh-anh2

Mẹ được bác sĩ chỉ định nằm dưỡng thai thường có nguy cơ trầm cảm cao hơn các mẹ khác

Do vậy, bạn hãy chú ý đến các dấu hiệu: cảm giác buồn rầu không thể xoay chuyển, mất cảm giác thèm ăn và thay đổi tâm trạng nghiêm trọng. Bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng có thể trải qua các triệu chứng này ở những thời gian khác nhau, nhưng bạn hãy nói chuyện với bác sĩ nếu cảm thấy khó đối phó với những triệu chứng này.

Các nghiên cứu cho thấy việc nằm dưỡng thai của bạn càng nghiêm ngặt, thì các tác dụng phụ càng có vẻ tồi tệ hơn.

>> Nằm dưỡng thai đúng cách: Mẹ khỏe, tốt bé!

Các nghiên cứu đề xuất những phụ nữ mang thai – thậm chí có các biến chứng – tốt hơn nên tiếp tục các công việc thường lệ hơn là nghỉ dưỡng thai. Có bằng chứng cho thấy hoạt động thể chất trong thời gian mang thai làm giảm nguy cơ gặp các vấn đề như em bé nhẹ cân và tiền sản giật.

Mẹo hay giúp mẹ nằm dưỡng thai “êm đềm”

Khi nằm dưỡng thai, cuộc sống của bạn và người thân sẽ có những sự xáo trộn nhất định, có thể gây nên sự căng thẳng trong gia đình. Trừ khi được bác sĩ chỉ định nằm dưỡng thai nếu không mẹ chỉ nên hạn chế hoạt động thôi, đừng nằm một chỗ nhé.

Việc nằm dưỡng thai cũng có thể khiến bạn và chồng phải đối mặt với nỗi lo về tài chính, và đặc biệt là khối việc nhà mỗi ngày. Tùy thuộc mức độ hạn chế hoạt động của bạn nhiều hay ít, hãy tìm cách trung hòa mọi việc để tránh xảy ra những căng thẳng không mong muốn.

Dưới đây là một số mẹo hay bạn có thể áp dụng để có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn:

Trông cậy vào chồng rất nhiều. Tùy thuộc vào những gì bác sĩ cho phép bạn làm, có khả năng chồng bạn phải làm hầu hết các công việc nhà, những việc lặt vặt và cả nấu ăn cho các thành viên trong gia đình nữa (đối với một số người chồng, đây thật là một nhiệm vụ khó mà hoàn thành được).

Hai bạn có lẽ cũng không được phép gần gũi (mặc dù còn các cách khác để chia sẻ sự gần gũi và có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau).

Vì vậy, trong thời gian nằm dưỡng thai này, hai bạn hãy cố đối xử nhẹ nhàng và kiên nhẫn với nhau. Thỉnh thoảng hãy khuyến khích chồng bạn ra ngoài gặp gỡ bạn bè, đừng bắt anh ấy phải vùi đầu vào việc nhà hoài là không ổn đâu.

nhung-mat-tieu-cuc-khi-nam-duong-thai-me-nen-biet-hinh-anh3

Trong thời gian này, có lẽ bạn phải trông cậy vào chồng rất nhiều

Nếu đã có con, thì hãy… Đặc biệt nếu các bé còn nhỏ tuổi (những trẻ chỉ muốn được bế và đưa đi loanh quanh) thì việc hạn chế hoạt động có thể sẽ tạo thêm thử thách cho cả bạn và chồng.

Nếu có thể, hãy nhờ ai đó cùng bé ra ngoài chạy một vòng mỗi ngày, vì việc làm tiêu hao bớt ít năng lượng của bé có thể tạo điều kiện thuận lợi cho bạn có thời gian chơi đùa êm đềm hơn với con hơn.

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Internet là một nơi tuyệt vời để tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người làm cha làm mẹ khác cũng có cùng cảnh ngộ như hai bạn. Hãy tham khảo trên các diễn đàn hay các hội nhóm trên mạng, nơi bạn có thể chia sẻ những mẹo vặt và nhận được lời khuyên từ mọi người.

Cũng đừng ngại nhờ sự giúp đỡ của những người đến thăm bạn. Người thân và bạn bè bạn hẳn sẽ rất vui lòng giúp bạn công việc nhà, các việc lặt vặt, hay chuẩn bị bữa ăn. Lập một danh sách những công việc cần làm để khi có người đề nghị giúp, bạn có thể giao một việc nào đó.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 571 – 575
  2. Bed rest during pregnancy: Everything you need to know. Đọc thêm tại: <http://www.whattoexpect.com/pregnancy/bed-rest/>. [Ngày 15 tháng 01 năm 2016]
  3. Does bed rest during pregnancy really help?. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/baby/guide/bed-rest-during-pregnancy>. [Ngày 15 tháng 01 năm 2016]
  4. Surviving bed rest. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/pregnancy_center/your_pregnancy/bed_rest.html#>. [Ngày 15 tháng 01 năm 2016]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com