Nuôi con

Giúp con vượt qua nỗi đau mất người thân

Trẻ có thể vượt qua nỗi đau mất người thân tốt hơn nếu có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý cũng như tham gia vào việc chăm sóc người ốm sẽ giúp trẻ học cách đối diện dần với sự mất mát sắp xảy ra. Đây là mất mát rất lớn, hãy quan tâm đến trẻ nhiều hơn và khuyến khích trẻ chia sẻ suy nghĩ của bản thân.

Giai đoạn trước khi người thân mất

Đừng giấu trẻ về tình trạng bệnh của người thân
Nếu sự ra đi của người thân là do một căn bệnh đe dọa đến tính mạng, quá trình thương tiếc có thể diễn ra trước tang lễ và sẽ giúp cho thanh thiếu niên học cách đối diện với sự mất mát sắp xảy ra, cũng như cách vượt qua nỗi đau sau đó.

Do đó, nếu người thân trong gia đình bạn được chẩn đoán bị một căn bệnh nặng, mà có thể ảnh hưởng đến tính mạng, đừng giấu trẻ tình trạng bệnh của người đó, để trẻ không bị sốc khi họ ra đi. Sự ra đi bất ngờ có xu hướng gây sang chấn nhiều hơn cho người ở lại đấy.

Giúp con vượt qua nỗi đau mất người thân

Đừng giấu trẻ khi người thân trong gia đình mắc một căn bệnh nặng và có thể không qua khỏi

Không giấu giếm nhưng hãy giải thích cho trẻ ở mức độ nhẹ nhàng hơn
Với một thanh thiếu niên, bạn có thể nói với trẻ: “Bác sĩ thông báo rằng bệnh ung thư của bà trở nặng. Bây giờ, bà đang ở trong bệnh viện để điều trị con à”.

Trẻ có thể hỏi bạn những câu hỏi như: “Bà sẽ mất phải không mẹ?”, hãy chuẩn bị câu trả lời phù hợp. Chúng ta đều muốn trung thực, nhưng hãy giữ một ít hy vọng cho trẻ. Người mẹ trong tình huống này có thể trả lời: “Con yêu à, bà đang rất, rất mệt. Nhưng bà đang được những bác sĩ giỏi chữa trị. Họ đang làm mọi thứ có thể để giúp bà khỏe hơn. Nếu con đi cùng mẹ đến bệnh viện thăm bà, bà sẽ rất vui đấy con”.

Hãy để trẻ chăm sóc người ốm nếu trẻ thật sự muốn
Khi một thành viên trong gia đình được chẩn đoán có bệnh nặng và có thể không qua khỏi, các thành viên khác thường cảm thấy rất đau lòng và bất lực. Nếu trẻ muốn chăm sóc người ốm, dù là ở nhà hay bệnh viện, cứ để trẻ làm nhé. Giúp đỡ người thân yêu trong lúc cuối đời có thể là một trải nghiệm đầy ý nghĩa với trẻ, khiến trẻ ghi nhớ mãi. Việc này cũng có thể giúp trẻ vượt qua nỗi đau mất người thân tốt hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ phải phù hợp với độ tuổi, sự trưởng thành và khả năng của trẻ.

Trẻ nhỏ có thể đọc báo, chỉnh gối hay xách nước và nước đá nếu cần. Trẻ lớn tuổi hơn có thể vệ sinh cá nhân cho người ốm, nếu chúng chấp nhận và có khả năng. Điều quan trọng là cha mẹ đừng bắt trẻ làm những việc mà trẻ không thoải mái nhé.

Nếu trẻ được chuẩn bị tốt ở giai đoạn này thì giai đoạn sau khi người thân mất, trẻ có khả năng phục hồi nhanh hơn và vượt qua nỗi đau mất mát một cách êm đềm hơn đấy mẹ ạ.

Khi người thân mất

Sau khi người thân mất đi, những điều sau đây có thể có ích đối với trẻ trong quá trình trẻ vượt qua nỗi đau:

Chia sẻ cảm xúc của bạn với trẻ và không che giấu nỗi buồn của mình
Khi chúng ta thể hiện cảm xúc, trẻ cũng có thể làm điều tương tự. Đây là một trong những cách giúp trẻ và cả bạn vượt qua nỗi đau mất mát này.

Nhưng bạn cần lưu ý rằng, nếu một đứa con trong gia đình bạn qua đời, bạn hãy lựa lời để nói với những đứa trẻ còn lại trong nhà. Hãy cẩn thận khi chia sẻ với trẻ, vì nếu cha mẹ lí tưởng hóa về người đã mất thì có thể khiến những đứa trẻ khác cảm thấy mình thấp kém hơn đấy.

Khuyến khích trẻ cởi mở hơn sau cái chết của người thân bằng những cách

  • Xem ảnh gia đình cùng với nhau. Mặc dù có thể mọi người sẽ khóc, nhưng nó cũng mang lại nụ cười và những kí ức hạnh phúc.
  • Đề nghị trẻ viết một bức thư cho những người đã khuất. Đây là một cách bày tỏ cảm xúc an toàn.
  • Hỏi trẻ về những giấc mơ mà trẻ mơ thấy về người đã mất.

Cố gắng duy trì cuộc sống như trước
Đây không phải là thời gian để đưa ra bất kì quyết định thay đổi cuộc đời nào. Thói quen và những cảm giác về sự “bình thường” cực kì quan trọng với trẻ. Hãy duy trì những thói quen bình thường của gia đình để trẻ cảm thấy an toàn nhé!

Hãy cho trẻ biết bạn luôn bên cạnh và lắng nghe tâm sự của trẻ
Thường xuyên nhắc nhở rằng trẻ có thể đến bên bạn để nói chuyện và ôm bạn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn cũng cần được chữa lành mất mát này.

Giúp con vượt qua nỗi đau mất người thân hình ảnh 2

Hãy cho trẻ biết bạn luôn bên cạnh và lắng nghe tâm sự của trẻ

Trên thực tế, có những lúc trẻ cần đến sự quan tâm của bạn, và bạn phải che giấu nỗi đau của mình. Hãy giải thích với trẻ rằng chuyện này cũng khó khăn với bạn, và nếu có lúc bạn dường như rối trí, dễ cáu hay buồn, thì đó không phải là do trẻ. Hãy trấn an trẻ rằng nỗi buồn của bạn không làm giảm tình yêu thương của bạn dành cho trẻ.

Trẻ cần sự quan tâm của mọi người không chỉ gia đình
Khi một trẻ vị thành niên mất người thân, cha mẹ có thể nói cho nhà trường trẻ biết. Đồng thời đề nghị giáo viên chủ nhiệm lưu tâm về những hành vi khác thường của trẻ, vì đó có thể là dấu hiệu cho biết trẻ cần sự hỗ trợ.

Cùng trẻ đi thăm mộ
Những hành động tưởng nhớ người đã mất, như đi thăm mộ, trồng hoa trước mộ… có thể khiến các thành viên trong gia đình cảm thấy khuây khỏa. Hãy khuyến khích trẻ cùng tham gia, nhưng nếu trẻ không muốn thì đừng ép buộc trẻ.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ
Sự đau buồn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, chế độ ăn uống của trẻ. Cha mẹ có thể thiết lập một thói quen ăn uống và ngủ nghỉ hợp lý, tránh tình trạng ăn quá nhiều, sử dụng rượu để xoa dịu nỗi đau hoặc mất ngủ vì quá buồn. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng giúp ích cho tâm trạng của trẻ, ngay cả một cuộc đi bộ nhẹ có thể giúp sắp xếp lại cái nhìn về mọi thứ.

Hầu hết những cảm xúc bất ổn về cái chết thường xảy ra trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, giai đoạn đau buồn có thể kéo dài bất cứ khi nào, từ nửa năm đến hai năm, và trong một số trường hợp có thể kéo dài.

Nếu nhiều tháng trôi qua, và bạn cảm thấy rằng trẻ mình không thể vượt qua nỗi đau mất mát, hoặc bạn cảm thấy sự đau khổ gây trở ngại đến các hoạt động của trẻ, thì hãy tìm một nhà tham vấn tâm lý có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các vấn đề liên quan đến sự mất mát để giúp đỡ trẻ nhé!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Donald E. Greydanus, M.D., FAAP, Editor-in-chief and Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 95 – 99.
  2. Death and Grief. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/teen/your_mind/emotions/someone_died.html#>. [Ngày 21 tháng 7 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com